'Bài thuốc' đặc trị tin giả trong tâm dịch COVID-19

25/02/2020 - 07:42

PNO - Trong lúc cả thế giới nỗ lực chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người cẩn thận với những thông tin hoang đường tràn lan trên mạng xã hội. Thế giới đứng trước một cuộc chiến cam go hơn - cuộc chiến chống tin giả, tin độc hại và bài học ở Phần Lan đã gợi mở không ít hy vọng.

Ngay từ khi thông tin dịch bệnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì người dân toàn cầu đã bị nhấn chìm giữa vô vàn thông tin giả. Chó, mèo, thậm chí là đồ vật có thể là nguồn lây virus COVID-19… những thông tin gây hoang mang này đều chưa được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học để kết luận nhưng lại phát tán ra cộng đồng với tốc độ chóng mặt. Tin giả gây nhiễu đang khiến tình hình chống dịch càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Làm sao đẩy lùi tin giả là câu hỏi không của riêng bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào. Câu chuyện và bài học kinh nghiệm của Phần Lan trong nỗ lực giúp mọi người biết cách tiếp cận, đánh giá thông tin chính là tư liệu quý báu mà các quốc gia cần tham khảo. 

Học sinh Phần Lan thảo luận về thông tin sai (misinformation), thông tin cố tình bóp méo gây hại (disinformation)
Học sinh Phần Lan thảo luận về thông tin sai (misinformation), thông tin cố tình bóp méo gây hại (disinformation)

Dùng giáo dục để chống tin giả

Trong một lớp học hiểu về thông tin giả, các học sinh 9-10 tuổi ở Phần Lan tự tin khi đề cập và phân biệt các khái niệm có vẻ lạ lẫm với cả những độc giả trưởng thành. Đó là thông tin sai (misinformation), thông tin cố tình bóp méo gây hại (disinformation) và thông tin gây độc hại (mal-information). Hình ảnh này là thông điệp mạnh mẽ hơn mọi lời nói về việc chúng ta có quyết tâm tạo nên môi trường thông tin lành mạnh cho chính thế hệ tương lai hay không. 

Theo bảng xếp hạng chỉ số kỹ năng sử dụng thông tin truyền thông do Viện Xã hội mở tại Sofia (Bulgaria) công bố năm 2019, Phần Lan xếp đầu bởi thái độ vững vàng trước tin giả trong số các quốc gia châu Âu. Xếp sau đó là Hà Lan, Thụy Điển… Không phải ngẫu nhiên Phần Lan có được thành tích này mà trong một quá trình dài, họ đã tự trang bị cho mình thứ “vũ khí” lợi hại chống tin giả, đó chính là giáo dục. 

Ông Kari Kivinen, cựu Thư ký Hệ thống trường học châu Âu cho biết ở các trường công như trường Phần Lan - Pháp tại Helsinki (Phần Lan) ông đang quản lý, việc giáo dục về thông tin cũng như tư duy phản biện tồn tại ở nhiều cách thức khác nhau, là nội dung cốt lõi trong chương trình học. Để có một chương trình giảng dạy thống nhất, chính phủ Phần Lan đã đưa ra chiến lược từ năm 2014. Từ đó, một tổ chuyên gia gồm 30 thành viên là ủy viên cấp cao thuộc 20 bộ ngành cũng như các tổ chức xã hội, cơ quan cảnh sát, tình báo, an ninh đã tham gia tập huấn cho hàng ngàn giáo viên, thủ thư, nhà báo, công chức trong gần ba năm.

Tấm biển truyền thông nâng cao nhận thức của người dân Thái Lan đối với tin giả tại Trung tâm Chống tin giả ngay thủ đô Bangkok
Tấm biển truyền thông nâng cao nhận thức của người dân Thái Lan đối với tin giả tại Trung tâm Chống tin giả ngay thủ đô Bangkok

Từ năm 2016, những nội dung này bắt đầu xuất hiện trong hệ thống giáo dục cả nước. Các trường học, giáo viên dựa theo những tiêu chí đánh giá sẽ thiết kế các giờ lên lớp chuyển tải kỹ năng đọc, phân tích đánh giá thông tin đến học sinh. Cụ thể, trong giờ toán, các em được học cách phân tích số liệu, thống kê để nhận diện chứng cứ. Với bộ môn nghệ thuật, các em tận mắt chứng kiến hoặc tham gia thực hành để hiểu rõ từ tác phẩm, người xem và tác giả có thể nhào nặn, biến hóa để có những liên tưởng khác nhau như thế nào. Khi học lịch sử, các em sẽ phân tích nội dung tuyên truyền của các chiến dịch và luyện cách phân tích những tầng nghĩa khác nhau, những từ ngữ có thể gây hiểu nhầm, gây bối rối ra sao.

Theo Hiệu trưởng Kari Kivinen, mục tiêu của cách thức giáo dục này là đào tạo ra những công dân, cử tri có trách nhiệm, chủ động với tương lai của chính họ. Ông Kari chia sẻ: “Tư duy có tính phản biện, kiểm chứng, diễn dịch và đánh giá thông tin là điểm mấu chốt. Chúng tôi xem đó là phần cốt lõi mà chúng tôi giảng dạy ở mọi môn học”.

Trước khi về lại quê hương Phần Lan làm việc, ông Kari Kivinen từng có nhiều kinh nghiệm giáo dục ở các quốc gia châu Âu. Ông nhận định: “Trẻ em ngày nay không đọc báo hay theo dõi tin tức trên truyền hình. Chúng không tìm kiếm thông tin mà nhảy thẳng vào những thông tin được giới thiệu sẵn trên nền tảng WhatsApp, YouTube, Instagram, Snapchat, Facebook… thông qua thuật toán chứa nhiều động cơ khác biệt. Trong những buổi làm việc trực tiếp với học sinh, điều mà thầy Kari khuyến khích các em hỏi khi tiếp cận thông tin chính là: “Ai đưa ra tin này? Tại sao họ lại đưa thông tin? Thông tin này thật sự muốn gửi đi thông điệp gì? Ai là đối tượng độc giả của thông tin? Đây có phải là thông tin kiểm chứng không hay chỉ là ý kiến cá nhân? Chúng ta có thể kiểm chứng lại từ một nguồn khác hay không?”.

Nói không với… Wikipedia

Mathilda (18 tuổi, học sinh của trường Phần Lan - Pháp tại Helsinki) chia sẻ về trải nghiệm học cách chọn lọc thông tin: “Em được học thói quen thường xuyên kiểm tra đối chứng thông tin. Nguyên tắc phải ghi nhớ là nói không với trang Wikipedia vì đây là từ điển mở, khó có thể tin tưởng tuyệt đối. Sau khi đọc thông tin thì phải kiểm tra lại từ 3-4 nguồn tin. Đây là kỹ năng cơ bản áp dụng trong từng môn học. Cô bé Priya (16 tuổi) cho rằng: “Cách tốt nhất để chống tin giả chính là quay trở lại điểm xuất phát từ giáo dục. Càng được trang bị kỹ càng, công chúng sẽ càng thận trọng hơn khi tham gia vào môi trường thông tin”. 

Người dân Trung Quốc mệt mỏi vì thông tin giả liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV gây ra
Người dân Trung Quốc mệt mỏi vì thông tin giả liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus COVID-19 gây ra

Giáo dục kỹ năng nhận diện, phân tích thông tin là quá trình giáo dục cần sự chung tay từ cộng đồng cũng như các tổ chức. Faktabaari là tổ chức phi chính phủ với sự hỗ trợ hoạt động từ các nhà nghiên cứu, nhà báo Phần Lan. Giám đốc điều hành Meri Seistola của Faktabaari mô tả vai trò của tổ chức này: “Chúng tôi đưa ra những hình ảnh, đoạn clip, nội dung và yêu cầu học sinh, sinh viên tự sản xuất sản phẩm thông tin của mình. Từ những thứ có sẵn, chính các em phải chọn ra đâu là thông tin có giá trị, đâu không phải là thông tin, từ đó đào sâu tìm hiểu thêm để có được những sản phẩm đáng tin cậy nhất. Cho các em trực tiếp tạo ra một sản phẩm truyền thông chính là cách hiệu quả giúp các em trở thành một công chúng thông minh giữa vô số bẫy tin giả”.

Hiện Bộ Văn hóa Phần Lan đang kết hợp cùng tổ chức Faktabaari hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp ở lĩnh vực tạo ra các phương tiện hữu dụng trong phát hiện tin giả. Những nỗ lực của các tổ chức như Faktabaari đã góp phần tạo ra một “môi trường thông tin lý tưởng để tạo ra các cuộc bầu cử chất lượng” như đánh giá của Viện Xã hội mở tại Sofia khi nhắc đến Phần Lan. 

Ở các quốc gia, thông tin giả đang là nguy cơ dẫn đến sự xáo trộn tâm lý của cử tri trước thềm các cuộc bầu cử. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, kết quả chiến thắng dành cho ông Trump được cho là có ảnh hưởng không ít từ tin giả. Theo thống kê, trong 3 tháng cuối của chiến dịch, khoảng 20 tin bài giả mạo nhận gần 9 triệu lượt chia sẻ và hầu hết thông tin đều thuận lợi cho phía ông Trump. 

Châu Âu xem giáo dục nhận diện, phân tích thông tin giả là điều quan trọng giúp mang đến sự ổn định xã hội. Ông Jean-Pierre Bourguignon, cựu Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu châu Âu, từng nhấn mạnh: “Chúng ta cần đào tạo một thế hệ có tư duy phản biện cao. Thông qua các khóa học tiếp cận thông tin, từ trẻ em đến thanh thiếu niên biết hoài nghi một cách thông minh và rồi nhận ra rằng những điều không chắc chắn hoặc sai sự thật có thể đo đếm được. Chính những người trẻ này sẽ là người lo liệu tương lai. Nếu họ không có kỹ năng nắm bắt thông tin, tai họa càng khôn lường”. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI