Bài thơ của Phùng Quán về Côn Đảo

17/07/2022 - 12:21

PNO - Bản gốc bài thơ "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" của nhà thơ Phùng Quán, in trên báo Tiền Phong năm 1955, vừa được trao tặng về Bảo tàng Côn Đảo.

Trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) tại Côn Đảo, đoàn công tác TPHCM đã trao tặng Bảo tàng Côn Đảo hiện vật: bản gốc bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo của nhà thơ Phùng Quán.

Đây là bản in trên báo Tiền Phong, số ra ngày thứ Sáu 19/8/1955. Bài thơ từng được trao giải Nhất cuộc thi văn nghệ hưởng ứng Đại hội Liên hoan do Ban trù bị Đại hội Liên hoan thế giới của Việt Nam tổ chức. 

Bản gốc bài thơ được in màu trên báo Tiền Phong, 1955. Ảnh: nhà thơ Lê Minh Quốc
Bản gốc bài thơ được in màu trên báo Tiền Phong, 1955 -Nguồn ảnh: nhà thơ Lê Minh Quốc

Hiện vật này do nhà thơ Lê Minh Quốc và bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM thành tâm trao tặng. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết, bản gốc bài thơ được anh sưu tập cách đây đã mấy mươi năm. "Tôi giữ gìn trân trọng vì tác phẩm rất có giá trị. Theo tôi biết thì đây là bài thơ trước nhất và dài nhất viết về Liệt sĩ - Anh hùng LLVT Võ Thị Sáu. Tư liệu quý như vậy nhưng nếu chỉ lưu lại trong bộ sưu tập cá nhân, sẽ có rất ít người được biết đến. Tôi đã trao đổi với chị Đinh Thanh Thủy và nhờ gợi ý của chị, hiện vật đã được trao tặng về địa điểm phù hợp, ý nghĩa nhất" - nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ.

Bản thơ được in màu trên một trang báo Tiền Phong, hiện được đóng khung trang trọng và trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo. Nhà thơ Lê Minh Quốc nói, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo là một tác phẩm giá trị của nhà thơ Phùng Quán nhưng lâu nay lại ít được nhắc nhớ trong di sản văn chương của ông.

"Có một chi tiết trong bài thơ mà tôi rất xúc động, đó là nhà thơ miêu tả cảnh chị Sáu khi bước ra pháp trường đã hái một bông hoa cài lên mái tóc. Một hình ảnh của thi ca nhưng cũng là một biểu tượng rất đẹp về nữ anh hùng Đất Đỏ" - nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ. 

"Trên đường vào đảo hôm qua/Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng/Cài lên mái tóc rối tung/Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê/Bọn lính giặc như mê/Trợn mắt nhìn cô gái/Sắp chết mặt vẫn tươi rói/Môi không tắt nụ cười: - Trên cành chim hót chim ơi..." - trích Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo. 

Bảo tàng Côn Đảo tiếp nhận hiện vật
Bảo tàng Côn Đảo tiếp nhận hiện vật - Ảnh: Huỳnh Sơn

Và đoạn nhà thơ miêu tả chị Sáu: "Một cô gái miền Nam/Năm nay mười bảy tuổi tròn/Hiền như bông lúa chín thơm giữa đồng...". 

Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo dài gần 300 câu, viết về chị Sáu từ thuở 14 tuổi đi làm cách mạng đến khi sa vào tay giặc, những lần bị bắt, bị nhục hình... Những vần thơ đau xót, những vần thơ bi hùng. Và khép lại bằng những dòng:

..."Tám phát chị mới gục

Đầu nghiêng như ngủ say

Mái tóc gió bay bay

Xanh rờn mười bảy tuổi..."

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI