“Bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết Quý Mão” gây sốt

12/01/2023 - 16:59

PNO - Thầy hiệu trưởng cho “bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết” với 10 nội dung và đề nghị giáo viên của trường không giao thêm bất kỳ bài tập nào.

Cộng đồng mạng đang trầm trồ chia sẻ bài tập về nhà do hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) giao cho học sinh trong kỳ nghỉ tết.

Bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết đang được cộng đồng mạng trầm trồ chia sẻ
"Bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết" đang được cộng đồng mạng trầm trồ chia sẻ

Theo đó, bài tập này gồm 10 nội dung:

1. Năm nay được nghỉ Tết 12 ngày, em hãy xây dựng cho mình một kế hoạch hữu ích trong thời gian nghỉ Tết.

2. Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em có tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào?

3. Em có cùng bố/mẹ dọn dẹp nhà để đón tết không? Hãy miêu tả một việc em đã tham gia.

4. Em có đi chợ tết không? Hãy miêu tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão.

5. Ngày Tết em và các bạn đều muốn được người lớn lì xì. Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao?

6. Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?

7. Trong thời gian nghỉ tết, em tham gia vào những hoạt động nào ở địa phương? Hãy miêu tả một số hoạt động mà em biết.

8. Thời khắc Giao thừa là rất thiêng liêng. Vào thời khắc đó em dành những lời chúc gì cho bố/mẹ; ông /bà và những người thân yêu.

9. Trong ngày Tết em thích nhất điều gì và ghét nhất điều gì?

10. Theo em làm thế nào để bảo vệ được sức khỏe trong thời gian nghỉ tết?

Ngoài bài tập giao cho học sinh, thầy hiệu trưởng còn “đề nghị giáo viên của trường THCS Quỳnh Phương không giao thêm bất kỳ bài tập nào cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương cười: "Đúng bài tập đó do tôi giao cho các em".

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương
Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương - Ảnh: N.V

Thầy chia sẻ: Tôi thân làm hiệu trưởng, phải luôn luôn quan sát để nắm bắt được tâm sinh lý của lứa tuổi học trò. Học sinh của tôi từ 12-15 tuổi, đang tuổi ăn tuổi chơi; nếu nghỉ tết mà còn ép thêm bài tập thì có lẽ các em không còn thời gian để chơi tết.

Nhiều em còn theo gia đình về quê, hoặc đi thăm ông bà, họ hàng; nếu phải mang theo cả núi bài tập nữa thì chắc chắn rất áp lực. Các em cũng mới kiểm tra học kỳ I, cần có một thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng.

Thực ra các nội dung trong “bài tập” đó, mỗi câu hỏi là 1 gợi ý nhẹ nhàng cho cả phụ huynh và học sinh. Tôi cũng muốn dành cho cha mẹ các em 1 thông điệp: Cùng con cái hòa mình vào cái tết cổ truyền ấm áp, yêu thương và hướng dẫn các cháu đón tết vừa phù hợp, vừa duy trì truyền thống văn hóa như: Đi thăm ông bà, đi tảo mộ…thậm chí là cách sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào.

Trong điều kiện hiện nay, công nghệ bủa vây xung quanh cả phụ huynh và học sinh; nhiều khi thời gian cho ông bà cha mẹ, tổ tiên cũng vì thế mà xao nhãng. Vậy nên cũng cần hướng các em vào những hoạt động truyền thống của gia đình, của quê hương, chòm xóm.

Tuy là “bài tập về nhà trong thời gian nghỉ tết”, song thầy Tuấn Anh cho biết, thầy không yêu cầu tất cả học sinh của trường phải hoàn thành. Mà đơn giản là các em trải nghiệm, cảm nhận và ghi chép lại như trang nhật ký. Các em cũng không phải nộp bài, chấm điểm. Mà sau kỳ nghỉ tết, các em trở lại trường, giáo viên chủ nhiệm, chi đội, chi đoàn có thể lồng vào các buổi sinh hoạt để các em chia sẻ những trải nghiệm của bản thân.

Pa nô tuyên truyền chống bắt nạy, xâm hại học đường trước cổng trường THCS Quỳnh Phương. Ảnh: N.V
Pa nô tuyên truyền chống bắt nạt, xâm hại học đường trước cổng trường THCS Quỳnh Phương - Ảnh: N.V

Mấy năm trước, thầy Hồ Tuấn Anh được biết đến như “tổng đài tư vấn” của học sinh trường THCS Quỳnh Phương. Về những hoạt động rất mới đối với các nhà trường phổ thông đó, thầy Tuấn Anh chia sẻ:

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta chuyển từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực; nên cũng cần phải có những thay đổi trong phương pháp giáo dục. Trước đây chúng ta thường yêu cầu học sinh học hết môn này tới môn kia. Nhưng với chương trình 2018, việc học của các em không chỉ để các em hiểu cái gì, mà còn phải để các em làm được gì từ những điều đã học.

Những việc đơn giản như cùng cha mẹ dọn dẹp chuẩn bị đón tết cũng là năng lực và rèn luyện phẩm chất.

Những việc làm đó cũng là một trong những phương án để giáo viên và học sinh được đến trường trong niềm vui, tiếng cười; đó không phải sự suồng sã, nới lỏng mà là làm sao để hướng dẫn các em đi đúng hướng, đúng với tinh thần giáo dục 2018; đồng thời tạo được hứng thú để các em yên tâm đến trường.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI