Bài làm văn về người bà... xa lạ

10/01/2021 - 17:26

PNO - Tôi hỏi con có dám viết một đoạn văn thật khác biệt nhưng là cảm nhận của con đối với bà của mình không, con trả lời: "Dạ, hên xui à mẹ!”

Chuẩn bị thi học kỳ, con tôi học ngày học đêm với một đống đề cương. Sau khi hoàn thành hai đoạn văn cảm nhận khoảng 8-10 câu (là hai trong năm đề viết đoạn trong đề cương ngữ văn), con khoe bài làm với tôi, vì lý do, cô giáo sẽ phô tô bài làm của con cho các bạn khác học thuộc để làm bài thi.

Tôi đọc đoạn văn của con, một học sinh lớp Chín có thành tích 8 năm liền là học sinh giỏi top đầu lớp với điểm trung bình luôn từ 9.3-9.7 mà ngao ngán.

“Người ta nói tình cảm mẹ con trong gia đình là tình cảm thiêng liêng nhưng bên cạnh còn có tình cảm bà cũng rất thiêng liêng trong mỗi gia đình. Người bà trong gia đình là người chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm, chăm lo cho mỗi người trong gia đình một cách chu đáo, tận tình. Trong gia đình bà là người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống, khuyên bảo, mang lại cho con cháu những bài học quý giá làm người. Bà là người yêu thương con cháu vô điều kiện, dành những tình cảm tốt đẹp cho con cháu. Bản thân em là một người cháu, em luôn quan tâm chăm sóc bà khi đã già. Mai sau, khi em đã trưởng thành thì tình cảm của em dành cho bà luôn đậm sâu, luôn biết ơn những gì bà đã làm”.

Đó là đoạn văn “cảm nhận về tình cảm bà cháu” của con. Rồi đây, cả lớp học hơn 40 học sinh sẽ có chung một hình mẫu người bà chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm; rồi đây, hơn 40 đứa trẻ chẳng còn nhỏ nhắn gì sẽ cùng một lời hứa quan tâm chăm sóc khi bà đã già. Phẩm chất nào, năng lực gì sẽ được phát hiện để bồi dưỡng thông qua những cảm nhận được sao chép như thế?

Những bài văn mẫu như thế này vẫn được photo phát cho học sinh trong mỗi kỳ thi, ảnh: minh họa
Những bài văn mẫu như thế này vẫn được photocopy phát cho học sinh trong mỗi kỳ thi (ảnh: minh họa)

Không hài lòng với đoạn văn “sặc mùi” văn mẫu khi người bà quá “xa lạ” với những cảm nhận vốn có của con về người bà “thật” của mình, tôi gợi ý con nên viết lại đoạn văn bằng cách gợi lại hình mẫu người bà “bằng xương bằng thịt” của gia đình. Con không sống cùng bà từ nhỏ, nên những câu chuyện bà - cháu chỉ xoay quanh những câu chuyện của quá khứ - hiện tại.

Mỗi khi có cơ hội gần nhau, bà lại huyên thuyên kể cho cháu nghe những câu chuyện rất xưa của gia đình mình, như hồi đó, thời nhà còn nghèo, bà ăn uống tiết kiệm, kham khổ như thế nào để dạy cháu đừng bỏ thừa thức ăn. Rồi trong một chiều cố làm cho xong việc ngoài đồng, ông đã suýt chết khi cơn bão ập đến, để dạy cho con biết quý trọng sức lao động.

Con lắng nghe những câu chuyện về gia đình chưa bao giờ hết mới. Từ bà, con trân trọng, yêu hơn truyền thống của gia đình mình, yêu mảnh đất quê hương của mình hơn... Còn về phần mình, con cũng khiến bà mắt tròn mắt dẹt khi kể chuyện đi học thời nay, ước mơ mai này con sẽ làm gì… Tôi gợi ý con hãy lấy sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại để nêu cảm nhận về tình cảm bà cháu trong gia đình.

Sau khi gợi ý cho con, tôi hỏi lại con có thấy đó là những gì con có về bà của mình không, thì con gật đầu xác nhận. Tôi hỏi con có cảm thấy thú vị khi mình bắt đầu một bài cảm nhận bằng mẩu chuyện rất thật về bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, con thích thú gật gù. Nhưng, tôi hỏi con có dám viết một đoạn văn thật khác biệt nhưng phản ánh đúng về cảm nhận của con đối với người bà của mình không, thì con ngại ngần: "Dạ, hên xui à mẹ!”.

Nghe cách trả lời của con, tôi thừa biết con không dám viết một đoạn văn khác đi, bởi, theo như con nói, “những ý con viết trong đó là cô giáo yêu cầu, không có không được”. Đọc lại những gì con viết, là lắp thêm phần thịt cho cái khung xương - ý tứ của thầy, tôi biết, câu chuyện phát hiện để phát triển năng lực, phẩm chất của người học vẫn còn xa vời lắm.

Nguyệt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI