Bài kết Người ở lại: Hạt cát trong lòng bàn tay

28/10/2015 - 07:48

PNO -  “Làm người ở lại có bao giờ vui”, nhưng dù có buồn thấu tâm can thì cũng phải chấp nhận vị trí ở phía đầu bên này một cây cầu đã gãy.

1. Cập hông ngón tay út của anh có một chỗ tế bào hóa sừng, nhô ra như một hạt cát. Nó không gây đau, không vướng víu hay bất tiện gì cả. Mỗi khi ngồi với chị, anh cứ xoa xoa cái hạt cát ấy, như cách người ta xoa đầu gối, xoa gáy, xoa cánh tay…

Vài lần chị hỏi, anh có thấy khó chịu không, hay là em đeo kính vào rồi cắt cho anh nha. Anh nói không cần, cắt rồi thì nó cũng mọc lại, với lại, anh đâu có khó chịu.

Thực ra là anh vui, vui như có bạn, hoặc vui hơn khi nghĩ cái hạt cát xíu xiu này chính là em! Chị hứ, chị giận dỗi, em chỉ là hạt cát trên ngón tay út của anh thôi sao! Anh cười hiền, rồi vỗ về ôm chị vào lòng. Thương yêu tưởng chừng không bao giờ đứt gãy…

Bai ket Nguoi o lai: Hat cat trong long ban tay
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Rồi mùa xuân qua mau, một cơn đứt gãy khắc nghiệt của số phận ập tới. Chới với và đau điếng. Anh mất! Người ta hỏi nhau, chị tự hỏi mình, giờ thì sống thế nào, giờ thì tiếp tục ra sao?

49 ngày đầu, thời gian không trôi. Chị lẩn quẩn trong nỗi đau không bờ bến của nước mắt, không thoát ra được, không ngoi đầu lên được. Ngày nào cũng giống như ngày vừa hay tin anh đi. Ngày nào kỷ niệm cũng tràn về như lũ. Kỷ niệm nào cũng tươi rói như mới hôm qua.

Sư thầy nói với chị, sau 49 ngày, anh ấy mới thực sự ra đi. Và với những gì anh đã để lại cho gia đình, cho những người xung quanh, chị bắt đầu tin, anh đã đi thanh thản, nhẹ nhàng.

Chị bắt đầu chấp nhận mất mát. Ngày thứ 50, giữa lòng bàn tay chị xuất hiện một hạt cát. Hạt cát bé nhỏ đã vớt chị ra khỏi vũng lầy của đau thương. Chị xòe bàn tay ra cho mẹ mình sờ nó, nụ cười xuất hiện trở lại sau 50 ngày đi vắng: anh ấy để lại cho con!

Đêm đêm nằm nghiêng, bàn tay có hạt cát bé tí ấy ôm một bên má chị ngủ. Và từng chiều bần thần, ngồi quán quen một mình, chị lấy tay này xoa xoa hạt cát giữa lòng bàn tay kia… Giữa bảng lảng chiều và vang vọng tiếng chuông chùa, chị chợt nghe lòng bình an, xòe bàn tay ra chị nói thầm, cứ nằm ngoan thế này, và đồng hành cùng em nốt phần đời còn lại, nhé hạt cát thương yêu của em!

2. Có bao nhiêu kiểu ra đi thì có bấy nhiêu nỗi lòng của người ở lại. Yêu thương càng nhiều thì đau khổ, luyến tiếc càng lớn. Điều này đúng, nhưng chỉ một nửa, bởi nó còn tùy thuộc vào sự giác ngộ của người ở lại.

Cánh cửa tử sinh ai cũng phải một lần qua, chỉ là trước sau, chỉ là nhanh chậm. Nếu tin rằng, còn sống là còn nợ nhân gian, thì cái chết của người thân sẽ được chấp nhận một cách nhẹ nhàng hơn.

Người ở lại cũng theo đó mà hiểu rằng, dù có yêu thương đến mấy, thì khi phần nợ của mình chưa hết, cũng chưa thể “đi theo” được. Phải vượt qua thôi, mượn thời gian, mượn ảo mộng hay giẫm lên chính nỗi đau mà sống?

Trong bài Em đi bỏ mặc con đường (báo Phụ Nữ ngày 28/9), tác giả Tuyết Dân viết: “Liều thuốc đắng nhất luôn đem lại tác dụng cao nhất. Đối diện, âm thầm tự mình uống từng giọt buồn là cách Dũng nhìn sâu những mất mát để tập quen, để nguôi ngoai. Ngày tháng có thể chưa lau khô nước mắt, chưa làm tan đau đớn nhưng Dũng không trốn chạy cảm xúc. Điều đó có nghĩa anh đang mở lòng chấp nhận từng cơn đau như một phần cuộc sống của hiện thời. Để, sau những giờ phút bất lực trói mình trong dằn vặt buồn phiền, có điều gì đó gần như vực Dũng dậy với cảm giác nhẹ lòng, phần nào anh thấy bình yên hơn”.

Trong tình yêu, nhất là tình nghĩa tào khang, người này dường như là cả thế giới của người kia thì khi sự chia lìa ập đến, sự chăm sóc của những người thân còn lại thực sự cần thiết và quý giá vô cùng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI