Bài học xương máu trong vụ sóng thần Indonesia

24/12/2018 - 06:02

PNO - Không có manh mối hay cảnh báo nào, người ta chỉ biết một trong những nguyên nhân gây ra trận sóng thần tàn khốc ngày 22/12 ở eo biển Sunda, Indonesia là sạt lở đất dưới lòng đại dương.

Núi lửa Anak Krakatau hoạt động dữ dội trong ngày 23/12. Clip: CNA

Người dân trong khu vực đều biết về Anak Krakatau - ngọn núi lửa nổi lên giữa eo biển chưa đầy 100 năm trước. Các chuyên gia địa phương từng chứng kiến nhiều vụ phun trào và động đất tương đối nhẹ và đứt quãng, hay nói cách khác là đe dọa ngầm từ lòng đất, nhưng không mấy ai để tâm.

Tuy nhiên, núi lửa hoạt động có khả năng khiến khối lượng nước lớn dịch chuyển. Dù chưa thể khẳng định được trận sóng thần ở Indonesia là do một phần của sườn núi lửa sụp đổ kéo theo đất đá rơi xuống biển và đẩy nước lên, hay chuyển động trên sườn núi gây lún trầm tích dưới mặt nước, nhưng hiệu ứng của hai trường hợp này là như nhau: mặt nước bị xáo trộn và sóng truyền ra bên ngoài.

Đồng hồ đo thủy triều ở eo biển Sunda cho thấy nước dâng cao khoảng nửa giờ sau hoạt động phun trào gần nhất của Anak Krakatau (vào khoảng 9g tối 22/12 theo giờ địa phương).

Bai hoc xuong mau trong vu song than Indonesia
Núi lửa Anak Krakatau phun trào dữ dội.
Bai hoc xuong mau trong vu song than Indonesia
Núi lửa Anak Krakatau nằm giữa Java và Sumatra phun tro nóng và dung nham mấy tháng nay - Ảnh: EPA

Giáo sư Dan Parsons, Đại học Hull (Anh), nhận định: "Các mặt và sườn của núi lửa thường không ổn định và có vẻ đã dịch chuyển gây sạt lở đá xuống biển, tác động đến đáy biển và gây ra cơn sóng thần khủng khiếp.

[Núi lửa Krakatoa ban đầu] đã phát nổ và tự hủy năm 1883 nhưng lại từ từ hồi sinh kể từ đó. Khi núi lửa hình thành, các mặt của núi không ổn định và có khả năng sụp đổ ngay cả khi không có bất kỳ hoạt động phun trào nào”.

Qua sử dụng dữ liệu đo thủy triều, các nhà khoa học bắt đầu mô hình hóa trận sóng thần. Kết quả ban đầu cho thấy một phía nam Anak Krakatau có thay đổi. Khu vực này sẽ được tập trung xem xét kỹ lưỡng trong thời gian tới.

Bai hoc xuong mau trong vu song than Indonesia
Một trong những nguyên nhân có thể gây ra sóng thần là lớp đá và trầm tích trượt khỏi bề mặt núi lửa, tạo ra sóng thần. Đồ họa: BBC
Bai hoc xuong mau trong vu song than Indonesia
Trận sóng thần quét sạch các ngôi nhà ở Carita.

Bên cạnh đó, theo hồ sơ địa chất, lở đất hoặc đá rơi là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa nghiêm trọng. Năm 2017, sạt lở đá trong một vịnh nhỏ tại Greenland tạo ra cơn sóng 100m, và nhiều người vẫn nghi ngờ sóng thần ảnh hưởng đến đảo Sulawesi hồi tháng 9 năm nay là hệ quả của trầm tích di chuyển trong khu vực vịnh Palu.

Tại các thị trấn ven biển dọc eo biển Sunda, nhiều người tận mắt trông thấy các con sóng cao tới 5m nhưng lắng xuống khá nhanh sau khi hình thành. Cảm giác đau thương nhất khi thảm họa thiên nhiên xảy ra là những video cho thấy nạn nhân sống bình thường vui vẻ, hoàn toàn không biết chuyện gì sắp xảy đến.

Nếu trước đây từng có thông tin về bất kỳ trận động đất nào liên quan đến Anak Krakatau phun trào, thì chắc chắn người dân địa phương sẽ cẩn trọng và tìm cách di tản. Nhưng kể cả khi có dấu hiệu của địa chấn thì điều đó vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi của mọi người. Người dân phải tự thân vận động khi mà thời gian còn quá ít, trong khi sóng thần đã ngấp nghé.

Bai hoc xuong mau trong vu song than Indonesia
Những người thoát chết đang tuyệt vọng tìm kiếm người thân mất tích.

Thảm họa bất ngờ dạy con người nhiều bài học xương máu, trong đó có yêu cầu bức thiết về nghiên cứu, điều tra những mối đe dọa tiềm năng trong khu vực, chẳng hạn như đi sâu tìm hiểu về động đất và sóng thần chìm.

Tại Hội nghị Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ tập hợp các nhà khoa học Trái đất xuất sắc, nhiều tiếng nói mạnh mẽ khẳng định khoa học ngày nay cần không ngừng mở rộng đa dạng, nghiên cứu sâu hơn nữa về nguy hiểm thiên nhiên bất ngờ.

Giáo sư Hermann Fritz, Học viện Công nghệ Georgia ở Mỹ, phát biểu: "Chúng ta đã và đang chú trọng vào Sumatra, Java cũng như các rãnh hút chìm lớn. Các trung tâm cảnh báo cũng tập trung vào đó bởi thế giới đã phải đối mặt với thảm họa khủng khiếp như tại Nhật Bản năm 2011, Chile 2010 và Sumatra năm 2004. Đây là những sự kiện khu vực hút chìm kinh điển, cần được giới khoa học không ngừng quan tâm”.

Ngọc Anh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI