Bài học vỡ lòng về an toàn trên mạng

07/09/2023 - 11:30

PNO - Ít được học về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại nên hầu hết các em trong mái nhà chung đỏ mặt, ngại nói những từ ngữ chỉ bộ phận riêng tư.

Khi được phát giấy in hình cơ thể người và yêu cầu khoanh những bộ phận riêng tư, các bạn nhỏ ở mái ấm chùa Diệu Giác (TP Thủ Đức, TPHCM) cầm bút màu hí hoáy tô vẽ vùng ngực, cơ quan sinh dục, đùi, bụng, nách, miệng…

Bé trai hỏi lớn: “Muốn khoanh ở mông thì làm thế nào hả cô?”. Rồi sau vài giây suy nghĩ, bé lật phía sau tờ giấy để khoanh đúng vị trí “bàn tọa” khiến cả lớp cười lăn.

Đó là một buổi học trong chuỗi chương trình tập huấn “An toàn trên mạng và phòng tránh xâm hại cho tuổi teen” do Hội quán Các Bà Mẹ (quận 1, TPHCM) phối hợp cùng nhóm tình nguyện Công ty Horus (quận 1, TPHCM) tổ chức giữa tháng 8/2023 tại TPHCM.

Cô Chử Thị Thanh Hương (đứng bên trái) tập huấn về an toàn trên mạng, phòng chống xâm hại cho các bé tại mái ấm chùa Diệu Giác. Người đứng bìa phải là Claire Curtin - Trưởng nhóm thực tập ngành xã hội học của Mỹ tại Công ty Horus
Cô Chử Thị Thanh Hương (đứng bên trái) tập huấn về an toàn trên mạng, phòng chống xâm hại cho các bé tại mái ấm chùa Diệu Giác. Người đứng bìa phải là Claire Curtin - Trưởng nhóm thực tập ngành xã hội học của Mỹ tại Công ty Horus

Đối tượng tập huấn chính là trẻ em khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ tại Trường Khiếm thính Hy Vọng (quận Bình Thạnh), lớp Tình thương Eili Social Enterprise (quận Tân Bình), mái ấm chùa Diệu Giác (TP Thủ Đức)... 

Ít được học về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại nên hầu hết các em trong mái nhà chung đỏ mặt, ngại nói những từ ngữ chỉ bộ phận riêng tư. Có bạn còn né tránh, gọi “viên bi”, “hột nhãn” thay cho tinh hoàn, gọi “xúc xích” thay cho dương vật. Không ít bạn ngơ ngác khi biết thông tin bé trai vẫn có thể bị xâm hại tình dục.

Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy quyên góp tặng quần lót, vừa giúp các bé giữ vệ sinh vừa nâng cao ý thức nhận diện vùng riêng tư, nơi không ai khác được quyền chạm vào, kể cả người thân quen (trừ trường hợp bác sĩ khám bệnh). 

Cả lớp không khỏi cảm động khi T.N. đứng lên chỉ giới thiệu tên, không giới thiệu tuổi vì bản thân em không hề biết năm sinh của mình. Tập huấn viên nói với T.N. và các bé về sự phát triển cơ thể ở độ tuổi dậy thì, hướng dẫn vệ sinh cơ thể: tắm giặt, gội đầu, vệ sinh vùng kín khi có kinh nguyệt. 

Mái ấm chùa Diệu Giác hiện nuôi 65 trẻ mồ côi, gồm 25 nam, 40 nữ, trong đó có 9 em khuyết tật. Với hoàn cảnh xuất thân của các em và môi trường sống đông đúc tại nhà mở, không có cha mẹ hướng dẫn thì việc trang bị kiến thức bảo vệ bản thân cho các em tại mái ấm là cực kỳ cần thiết và cấp bách.

Không ít em thừa nhận đã tiếp cận nhiều nền tảng mạng xã hội, kết bạn với nhiều người nhưng đây mới là buổi học đầu tiên về giao tiếp trên mạng, an toàn trên mạng.

Cô tập huấn viên đặt ra cho trẻ những câu hỏi cụ thể, chi tiết: “Con có 60 bạn Facebook, con có quen biết cả 60 người đó không?”, “Cô có được phép chạm vào bộ phận riêng tư của con không, cô là giáo viên của con mà”, “Nếu cô nhà báo mới gặp mặt này cho con 100.000 đồng và yêu cầu con kết bạn, con có chấp nhận không?”… Khi các bạn nhỏ nhao nhao trả lời: “Chỉ kết bạn thôi thì đâu bị gì”, các cô nhấn mạnh: rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra từ cú bấm đồng ý kết bạn đó.

Là người tập huấn chính của chương trình, cô Chử Thị Thanh Hương (người sáng lập, Chủ tịch Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam) hy vọng các anh chị lớn của mái ấm sẽ hướng dẫn lại cho các em nhỏ kiến thức và kỹ năng thu nhặt được tại lớp học. Đồng thời các em lắng nghe, hỗ trợ kịp thời cho nhau khi có những vướng mắc xảy ra trong đời thực. 

Cô Thanh Hương liệt kê những thủ đoạn của kẻ xấu để các con cảnh giác. Theo đó, chúng sẽ tạo cơ hội tiếp cận, tạo sự cảm thông, tạo niềm tin (nhất là khi trẻ đang buồn, cô đơn cần người chia sẻ). Chúng sẽ nhắn tin hẹn gặp, dùng tiền, quà để dụ dỗ trẻ làm theo ý chúng.

Những kịch bản tiếp theo có thể là giả bệnh hoặc người thân bị tai nạn để mượn tiền; giới thiệu việc nhẹ lương cao để dụ dỗ, đưa trẻ vào con đường phạm pháp, bán dâm hay bán nội tạng; bắt nạt trên mạng, gửi clip đen, hoặc quay clip khỏa thân của trẻ để thao túng khi trẻ không tiếp tục phục tùng.

Trên thực tế, đã có nhiều trẻ bị hăm dọa hoặc bị phát tán hình ảnh cơ thể, khiến các bạn rơi vào hố đen của hoang mang, thiếu tự tin, tinh thần xuống dốc, thậm chí có hành động tiêu cực.

Các bé tại mái ấm chùa Diệu Giác khoanh bộ phận riêng tư trên giấy, làm bài thu hoạch và thuyết trình nhóm về an toàn trên mạng
Các bé tại mái ấm chùa Diệu Giác khoanh bộ phận riêng tư trên giấy, làm bài thu hoạch và thuyết trình nhóm về an toàn trên mạng

Sau khi nghe cô phân loại 3 nhóm xâm hại tình dục trẻ em là xâm hại có tiếp xúc cơ thể; xâm hại không tiếp xúc cơ thể và xâm hại qua các phương tiện công nghệ, bạn Q.N. (lớp Tình thương Eili Social Enterprise) thú thật từng nhận được link độc hại từ một người bạn trên mạng xã hội.

Mới nhận, em cũng lúng túng, sau đó đã chặn và báo cáo để có những hạn chế đối với tài khoản xấu này. Nhiều em nhận diện rõ hành vi sờ mó vào bộ phận nhạy cảm là xâm hại, nhưng vẫn lờ mờ với những hành vi xâm hại không tiếp xúc cơ thể như nhìn trộm người khác tắm hay bắt nhìn cơ thể của họ.

Cô Thanh Hương khuyến cáo, để an toàn trên mạng, phòng chống xâm hại, trẻ cần bảo mật thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, xây dựng hình ảnh tốt trên mạng (dù chủ động gỡ xuống nhưng vẫn có thể bị sao chụp, bị xới lại), thái độ văn minh, lịch sự, chia sẻ trách nhiệm, phòng chống lừa đảo, thổ lộ với người tin cậy khi có những nguy cơ…

Hướng mắt về phía bàn tay được vẽ khá tỉ mỉ trên bảng thu hoạch của nhóm thuyết trình, Dương Anh (14 tuổi, mái ấm chùa Diệu Giác) rành rọt nói: “Với hình ảnh bàn tay này, nhóm chúng em mong truyền đi thông điệp đẩy lùi những nguy cơ về xâm hại tình dục.

Mong mọi người, nhất là các bạn nhỏ nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và nối vòng tay mạnh mẽ để hỗ trợ các bạn khác”. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI