Bài học từ cái quỳ của hiệu trưởng trao bằng tốt nghiệp cho nam sinh viên

08/08/2022 - 13:24

PNO - Sự tử tế được thể hiện qua những hành động tưởng như “lạ mắt” này lại chính là những bài học làm người trực quan, sinh động và ý nghĩa đối với người học hơn bao giờ hết.

 

Cách đây hơn 10 năm, hình ảnh thầy hiệu trưởng là một ông Tây cao lênh khênh quỳ gối trên sân khấu để trao giấy khen và nói lời chúc mừng cho từng học sinh của mình trong dịp tổng kết cuối năm tại một trường quốc tế ở TPHCM đã từng khiến không ít bậc phụ huynh ngạc nhiên.

Bình luận về hành động “quỳ gối trước học sinh” của người thầy kia, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada (CIS) - đề cập đến khái niệm “sự tử tế trong giáo dục”. 

“Tôn trọng học sinh là một yêu cầu cơ bản, tiên quyết đối với mọi giáo viên tại Canada”, bà Kiều Oanh cho biết. Vì vậy, việc người thầy Tây trên quỳ trước các cô cậu học trò nhỏ của mình không hề là một điều gì đó quá đặc biệt hay khác thường.

Cuối năm 2017, trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại Israel theo học bổng do Bộ Ngoại giao Israel cấp, tôi đã có dịp đến thăm và dự giờ tại một trường tiểu học ở thành phố Haifa (Israel). Điều khiến tôi chú ý là hình ảnh một cô giáo cao lớn thường xuyên quỳ xuống trước các học sinh của mình để hướng dẫn và trao đổi với các em.

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh trong một tiết học tại trường tiểu học ở thành phố Haifa (Israel) năm 2017 - Ảnh: Nguyễn Thuận
Cô giáo đang hướng dẫn học sinh trong một tiết học tại trường tiểu học ở thành phố Haifa (Israel) năm 2017 - Ảnh: Nguyễn Thuận

Trong giờ giải lao, khi tôi hỏi cô về hành động này thì nhận được lời giải thích: Trong lớp học, học sinh là trung tâm của toàn bộ mọi hoạt động dạy và học. Giáo viên không hề muốn các em phải bận tâm về các yếu tố khác gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức.

Gần đây nhất, tôi lại được tận mắt chứng kiến một hình ảnh tương tự, nhưng lần này lại diễn ra trong một lễ tốt nghiệp đại học tại Việt Nam.

Ngày 6/8/2022, tại lễ tốt nghiệp lần thứ 39 do Trường đại học Hoa Sen tổ chức, cả khán phòng lặng đi trước sự xuất hiện của tân khoa Nguyễn Hải Bằng. Anh sinh viên thủ khoa ngành Kỹ thuật phần mềm chỉ cao 1,2m do bị khuyết tật bẩm sinh này như bị lọt thỏm trước khung cảnh sân khấu lộng lẫy, hoành tráng và rực rỡ ánh đèn.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng (bên trái) và TS. Phan Thị Việt Nam - Hiệu phó (bên phải) Trường đại học Hoa Sen quỳ xuống trao bằng và thực hiện nghi thức tốt nghiệp cho tân khoa Nguyễn Hải Bằng - Ảnh: HSU
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng (bên trái) và TS. Phan Thị Việt Nam - Hiệu phó (bên phải) Trường đại học Hoa Sen quỳ xuống trao bằng và thực hiện nghi thức tốt nghiệp cho tân khoa Nguyễn Hải Bằng - Ảnh: HSU

Thế nhưng, cả hội trường với đông đảo quan khách, khách ngoại giao, phụ huynh và sinh viên như vỡ òa trong niềm xúc động cùng tiếng vỗ tay không dứt khi cả cô hiệu trưởng và cô hiệu phó nhà trường cùng quỳ xuống trao tấm bằng tốt nghiệp, choàng lên cổ anh tấm huy chương và cùng thực hiện nghi thức tốt nghiệp cho anh.

Rõ ràng là không ai bắt thầy hiệu trưởng Tây, cô giáo Israel hay cô hiệu trưởng và hiệu phó Trường đại học Hoa Sen phải quỳ xuống trước học sinh và sinh viên của mình cả. Họ vẫn có thể đứng thẳng dậy để trao giấy khen, trao bằng tốt nghiệp hay thực hiện giáo án của mình trong lớp học. Thế nhưng, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Kiều Oanh với khái niệm “sự tử tế trong giáo dục” khi liên hệ đến hành động "quỳ xuống" của những người làm giáo dục.

Các bạn sinh viên xúc động khi chứng kiến những hình ảnh nhân văn trong lễ Tốt nghiệp - Ảnh: HSU
Các bạn sinh viên xúc động khi chứng kiến những hình ảnh nhân văn trong lễ tốt nghiệp - Ảnh: HSU

Trong môi trường học đường, thầy cô chính là tấm gương, là hình mẫu (role model) trong mắt học sinh, sinh viên. Mọi hành động, lời nói của giáo viên đều có những tác động và sức ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và hành vi của người học.

Chính vì vậy, sự tử tế được thể hiện qua những hành động tưởng như “lạ mắt” này lại chính là những bài học làm người trực quan, sinh động và ý nghĩa đối với người học hơn bao giờ hết.

Khoảnh khắc cô hiệu trưởng, hiệu phó cùng quỳ xuống trao bằng cho sinh viên khuyết tật trong lễ tốt nghiệp khiến nhiều người xúc động - Clip: HSU

 Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI