Bài học sống chung với COVID-19

16/03/2022 - 06:41

PNO - Những người xem bóng đá giải Ngoại hạng Anh mỗi cuối tuần trên truyền hình chắc hẳn đều ngất ngây với bầu không khí ở đây: Sân chật kín người, khán giả không mang khẩu trang và hò reo suốt trận đấu như chưa hề có đại dịch COVID-19.

Cuối tháng qua, chính phủ Anh điều chỉnh một loạt biện pháp mới để sống chung với COVID-19. Chẳng hạn, bệnh nhân COVID-19 (F0) được khuyến cáo tự cách ly năm ngày và tránh tiếp xúc với người dễ bị tổn thương; người dân không cần mang khẩu trang ở khu vực công cộng, trừ các cơ sở chăm sóc sức khỏe (bệnh viện, khu điều dưỡng).

Kể từ ngày 1/4, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cũng ngưng cung cấp miễn phí các bộ xét nghiệm (kit test) nhanh COVID-19 và xét nghiệm PCR trừ người trên 80 tuổi, người dễ tổn thương và bệnh nhân ở nhà dưỡng lão…

Sống chung với COVID-19 không phải là đầu hàng trước dịch bệnh, mà là sự thích nghi với cuộc chiến lâu dài - Ảnh: AP
Sống chung với COVID-19 không phải là đầu hàng trước dịch bệnh, mà là sự thích nghi với cuộc chiến lâu dài - Ảnh: AP

Nước Anh không phải là quốc gia duy nhất thay đổi chính sách phòng, chống đại dịch COVID-19. Mới nhất, ngày 14/3, Pháp bãi bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi làm việc, trường học, ngoại trừ phương tiện giao thông công cộng, bệnh viện, nhà dưỡng lão. Cùng với đó, quy định sử dụng hộ chiếu vắc xin, chứng nhận tiêm chủng không còn giá trị; người dân không cần xuất trình bằng chứng tiêm đủ liều hoặc xét nghiệm âm tính khi vào các khu vực kín hay lên tàu.

Những thay đổi trên xuất phát từ nỗ lực phòng, chống dịch thành công của các quốc gia này. Chẳng hạn, tại Anh, từ chỗ là một trong những quốc gia thiệt hại nhiều nhất thế giới về nhân mạng, từ tháng 4/2021 đến nay, số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm xuống ngoạn mục: có thời điểm, số ca dương tính cả nước chưa đến 1% và số tử vong cả tuần chỉ sáu ca. 

Tại TPHCM, những tháng qua, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Số ca mắc hằng ngày có tăng do sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhưng số ca trở nặng và tử vong được khống chế rất tốt, có ngày chỉ còn một ca. Trước tình hình mới này, mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gợi ý điều chỉnh một số quy định 5K vì không còn phù hợp. 

Nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế)  đã góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19 ở nước ta. Nhưng ở đô thị đông dân nhất nước như TPHCM, khi tỷ lệ chích ngừa mũi hai trên 80%, quy định giữ khoảng cách hoặc không được tập trung đông người là không còn hù hợp và không khả thi. Đi một vòng thành phố cuối tuần, sẽ thấy hàng quán tấp nập người ăn uống; khu vực giải trí đông đúc người tụ tập, tới lui. Ở những nơi này, ngay cả việc đeo khẩu trang cũng bị bỏ qua. 

Phải chăng, đã đến lúc chính quyền TPHCM quy định người dân chỉ đeo khẩu trang khi vào bệnh viện, khu vực kín (rạp hát, taxi, xe buýt…) hay khi tiếp xúc với người có nguy cơ cao (người già, có bệnh nền) như các nước phòng, chống dịch thành công đã làm? 

Tình hình mới của đại dịch cũng đòi hỏi việc truyền thông một cách có chọn lọc hơn. Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng cao. Thay vì truyền thông đại trà như hiện nay, nên chăng ngành giáo dục và y tế tập trung thay đổi nhận thức và hành vi phòng, chống dịch cho trẻ nhỏ, như làm những clip truyền thông sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ phát trước giờ học hoặc lúc kết thúc môn học?

Dù chưa chắc chắn, nhưng thế giới đã ghi nhận một số tín hiệu về việc nhân loại đang bước qua đại dịch COVID-19. Ngày 11/3, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu xem xét các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra. 

Nhiều chuyên gia cũng góp ý, cần xem COVID-19 là một bệnh lưu hành, không còn là dịch bệnh, để từ đó có những quy định và ứng xử phù hợp nhằm phát triển kinh tế, xã hội. 

Quy định mới liên quan đến COVID-19 cần phải rõ ràng, dễ hiểu, khả thi và có chế tài phù hợp. Nếu không đạt các tiêu chí này, quy định sẽ không có tác dụng và người dân sẽ xem thường. Mới nhất, hướng dẫn của Bộ Y tế cho F0 ra khỏi nhà, nhưng liền đó lại đính chính F0 chỉ được ra khỏi phòng đã gây nhiều tranh cãi bởi thực tế, F0 không ra khỏi nhà gần như là chuyện tự giác của họ. 

Dĩ nhiên, mọi quy định cũng phải linh hoạt. Chẳng hạn như ở Anh, kể từ ngày 1/4, chính phủ bỏ yêu cầu hộ chiếu vắc xin nhưng để ngỏ khả năng áp dụng quy định này cho các doanh nghiệp, rạp hát và các địa điểm công cộng khác.

COVID-19 mang lại cho nhân loại nhiều bài học và một trong những bài học lớn nhất là, để tồn tại, con người phải ứng xử một cách linh hoạt. Bầu không khí tuyệt vời của các sân bóng đá Anh vào mỗi cuối tuần là ước mơ của nhiều quốc gia trên thế giới. Bài học thành công của đất nước này cần phải được xem xét để có thể áp dụng tại Việt Nam. 

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI