Bài học kinh doanh từ những bịch cam 10kg

11/11/2024 - 11:59

PNO - Mấy bữa nay, báo đăng cam miền Tây rẻ như bèo, chỉ còn vài ngàn đồng/kg, lắm khi không đủ tiền hái. Khổ nỗi, không hái thì cam rụng, thối, vườn nhiễm bệnh nên phải hái để vệ sinh vườn, bán được đồng nào đỡ đồng đó.

Cả năm nay, tôi thường mua cam ở sạp gần nhà, mỗi lần chừng 5kg, giá lên xuống khoảng 10.000 đồng/kg. Tuần trước ra mua, tôi bất ngờ vì thấy họ không bán lẻ (đổ đống cho khách chọn trái rồi cân) mà chỉ bán sỉ theo bịch 10kg. Ban đầu, tôi hơi khó chịu, nghĩ bị ép mua nhưng chạy tìm mấy chỗ khác, cũng thấy bán theo bịch 10kg, giá 40.000-50.000 đồng/bịch tùy loại. Cam được bên bán lựa theo giá, bỏ túi ni lông có đục lỗ thông thoáng, giá chỉ còn phân nửa so với bán lẻ.

Hơn một tháng qua, cam sành từ các tỉnh miền Tây đổ về các tuyến đường của TPHCM, đóng thành bịch 5kg, 10kg… bán khá nhiều. Ảnh chụp một điểm bán cam giải cứu tại Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Ảnh: Quốc Thái
Hơn một tháng qua, cam sành từ các tỉnh miền Tây đổ về các tuyến đường của TPHCM, đóng thành bịch 5kg, 10kg… bán khá nhiều. Ảnh chụp một điểm bán cam giải cứu tại Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Ảnh: Quốc Thái

Vợ chồng chị Ngọc - quê ở tỉnh Trà Vinh, bán cam ở một ngã tư đường gần nhà tôi (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) - cho biết: “Trước đây bán lẻ, mỗi ngày, tụi tui bán được gần 200kg. Nay bán sỉ, có ngày bán được hơn 2 tấn; ngày cuối tuần có khi bán được gần 5 tấn. Lúc bán lẻ, tụi tui lời 2.000 đồng/kg, nay lời 5.000 đồng/bịch 10kg, tức là lời 500 đồng/kg”.

Tính đơn giản thì lúc bán lẻ, vợ chồng họ lời mỗi ngày 250.000-350.000 đồng, còn lúc bán sỉ thì ngày cao điểm có thể lời hơn 2 triệu đồng. Một thay đổi nhỏ, rất nhỏ nhưng hiệu quả bất ngờ. Người bán khỏe hơn, thu lời nhiều hơn. Người mua cũng khỏe, khỏi mất công lựa vì người bán đã lựa kỹ mà giá rẻ gần phân nửa. Mua 10kg để ngăn mát tủ lạnh ăn dần, chia lại hoặc tặng hay làm mật cam. Điều quan trọng là cách bán này giúp giải phóng lượng cam tồn đọng, giúp người trồng cam bớt khốn đốn.

Đây là bài học kinh doanh và khuyến mãi rất hay, chưa có trong giáo trình của các trường đại học. Tôi dò hỏi xem ai là tác giả của sáng kiến hiệu quả này, nhưng mấy người bán lẻ không biết. Đang bán cam đổ đống vỉa hè, tự dưng mối chở tới, chia sẵn bịch 10kg, chỉ việc nhận và bán.

Tôi nghe nói, có chỗ bán ở vỉa hè nhưng cũng nhận đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi, tức là bán hàng online. Sau đại dịch COVID-19, mọi thứ đều thay đổi. Dĩ nhiên, không phải thứ gì bán sỉ cũng tốt. Có thứ phải chia nhỏ để bán dễ và nhanh hơn. Bài toán nắm bắt tâm lý và nhu cầu khách hàng để có những thay đổi thích nghi chưa bao giờ cũ.

Ngày nào, cả nhà tôi cũng uống nước cam vắt. Trước 1975 và thời bao cấp, cam là loại trái cây quý, dùng để thăm người bệnh, bồi bổ cơ thể, quý hơn thực phẩm chức năng bây giờ. Giờ thì chỉ cần vài chục ngàn đồng là có cam vắt uống mệt nghỉ.

Vùng Tây Nam Bộ chỉ chiếm 12,8% diện tích và 17,9% dân số cả nước (số liệu năm 2022) nhưng xuất khẩu gạo chiếm 93%, xuất khẩu thủy sản và trái cây chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Kênh rạch chằng chịt, mùa nước nổi chỉ thấy trời và nước. Nông sản - nhất là trái cây - năm nào cũng có thứ dội chợ nhưng tuyệt nhiên không thấy người miền Tây kêu gọi giải cứu. Họ biết không thể nhờ giải cứu quanh năm nên tự cứu để tồn tại. Cam miền Tây bán giá sỉ ở TPHCM và các tỉnh chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, trừ tiền thu hoạch, vận chuyển, tiền lời của thương lái, nhà vườn chẳng còn bao nhiêu, có khi âm vốn.

Cách bán sỉ của những người bán cam vỉa hè gợi mở nhiều suy nghĩ cho việc phân phối nông sản và việc kinh doanh ở các chợ truyền thống. Thị trường nội địa vẫn còn nhiều khoảng trống, cần biết cách lấp đầy hợp lý thay vì quanh năm than vãn và kêu gọi giải cứu. Không cần làm từ thiện đâu xa, chỉ cần tích cực tiêu thụ sản phẩm của nông dân quanh vùng là thiết thực giúp bà con vượt khó.

Cũng mong bà con hỗ trợ ngược lại, không dùng các hóa chất độc hại, từ phân bón đến thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, giục chín... để người tiêu dùng yên tâm và hết lòng ủng hộ. Khi nông sản Việt có chất lượng cao, đảm bảo chuẩn VietGAP và GlobalGAP thì không cần hô hào, người Việt sẽ ưu tiên dùng trái cây Việt, nông sản Việt. An toàn và vệ sinh thực phẩm phải là mục tiêu hàng đầu.

Đó cũng là cách tương trợ nhau trong cuộc sống. Xa hơn, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích làm nhà máy đóng hộp nước cam và các loại trái cây, cũng như xuất khẩu các loại nông sản. Thị trường thế giới mênh mông nhưng trước khi ra “biển lớn”, phải bơi thật giỏi trong sông, rạch quê hương.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Hoakim99 Cách đây 11 giờ

    Kinh nghiệm sau 10 năm làm công việc bán hàng của tôi là:
    "hãy bán với giá mà ai cũng có thể mua được"

  • A.Hòa Cách đây 15 giờ

    Quan điểm cá nhân của tác giả thôi. Cá nhân tôi chả thấy hay chỗ nào. Gần nhà tôi có một quầy hàng mở ra bán kiểu này được vài bữa nay dẹp luôn rồi. Tôi mua một lần rồi cạch luôn, bán để mấy trái to bên ngoài bên trong toàn quả nhỏ không cho lựa. Bán kiểu này chợ Đà Lạt bán hồng họ làm lâu rồi.

  • Thachkhiem Cách đây 15 giờ

    Quê tôi chẳng có nông dân nào kêu giải cứu, chỉ có thương lái làm trò thôi...

  • NGUYỄN MINH NHẬT Cách đây 1 ngày

    Các bạn trồng vườn tạp, vườn nào cũng vậy, có thu quanh năm chứ trồng theo kiểu công nghiệp thì phải có công ty bao chế biến sản phẩm hay xuất khẩu để bán sẽ ổn hơn. Trái cây chỉ chủ yếu trồng phục vụ trong nước khi bán tươi và bán cho các nước lân cận sẽ tốt, đừng chạy theo "hot" mà lỗ vốn thất thu, cũng đừng vì cái lợi trước mắt mà không tính về lâu về dài.

    • Tí lười

      Cây ca cao ở Bến Tre là 1 thực tế điển hình, bây giờ ở đó nhiều người dân đã chặt bỏ cây ca cao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI