Bài học không có ở trường mầm non

02/04/2017 - 15:21

PNO - Mẹ nhớ một mẩu tin ngắn dịch từ báo nước ngoài: một chú vịt con tên Bông Tuyết hàng ngày vẫn ra đón mẹ từ trạm xe buýt. Mẹ của em vịt ấy là một cô bé lứa tuổi tiểu học.

Cô bé lên ti vi và rất hãnh diện khi nói với mọi người rằng: “Vâng, tôi là mẹ của bé vịt”. Một mẩu tin khác lại là chú chim cánh cụt mỗi năm vẫn bơi hàng nghìn cây số về thăm người đã cứu mình. Bống nói, nhìn chú chim ấy trông như em bé, ông bác ấy như là bố của chú chim. 

Bai hoc khong co o truong mam non
 

Thực ra, rất nhiều em bé có những lúc tưởng mình/nhận mình là mẹ của một chú vịt, chú chim. Giống như chị Mi Mi, mẹ chị ấy kể chị ấy vừa viết một tâm thư dài thòng, xin lỗi vịt con vì “mẹ” đi chơi lễ quá lâu nên để vịt con ở nhà rớt xuống lầu chết mất.

Chị vừa viết vừa khóc. Chị Mi Mi vừa mới vào lớp 1 mấy tháng, phải đánh vật lắm mới viết được bức thư nửa trang giấy đầy lỗi chính tả. Đó thực sự là sự nỗ lực của chị ấy, khi mà mỗi lần mẹ chị kêu viết bài thì chị lại kêu… bị đau tay. Bức “tâm thư” thật tình, đầy nước mắt. Hẳn nhiên, vì tình cảm đẹp đẽ với chú vịt vắn số mà chị ấy mới vượt qua chính mình được như vậy.

Bống có bạn thân là cô mèo tam thể của nhà bác Thịnh. Có lần cô hỏi mẹ sao mèo không có tên như Bun, Bống? Bun là chú chó Nhật, còn Bống là tên cô ấy. Đến cả em mèo đeo nơ còn có tên Kitty cơ mà? Nhà bác Thịnh chuyển đi, để cô ấy lại trong căn nhà cũ cho đám chuột khỏi phá. Mới đây, nhà cũ bác Thịnh có khách đến thuê trọ, cô mèo mất chỗ về. Nhà mới không cho mèo bén mảng dù chỉ ở bên ngoài cổng.

Bống tìm mọi cách xin mẹ bế ẵm em mèo to gần… nửa người Bống và dĩ nhiên mẹ không đồng ý. Mẹ từng thấy vài lần Bống hứng chí lên, túm đuôi mèo giật lại để… rủ mèo chơi cùng; cô gái lười ăn lại thường lén mẹ nhả cơm trong miệng ra cho mèo. Hậu quả là mẹ cứ tưởng con ăn hết bát cơm nhưng kỳ thực là mèo ăn hầu hết. Con còi cứ còi, mèo mập cứ mập.

Cô mèo bỗng chốc thành mèo lang thang, bụng mang dạ chửa ngay mùa hè nóng nực. Tới ngày cô đẻ, cô chạy vòng quanh nhà mình xin chỗ tá túc. Mọi người đành dùng bìa carton đặt dưới gầm ghế cho mèo mẹ sinh con ở cữ. Đó là những ngày bận rộn của Bống. Đi học về, em gọi “meo meo meo”, em thò mặt vào ngó mèo con bú mẹ và nhận xét: “Hồi nhỏ, em cũng bú mẹ như em mèo đó”.

Bống nhắc bà, nhắc mẹ lấy cơm cho mèo mẹ ăn để mèo con mau lớn, rồi hỏi mẹ sao mèo con không đi tắm, nóng thế em mèo có ngủ được không… Từ em út, em bỗng như thành chị lớn biết lo toan, quan tâm khi có những bé mèo.

Bai hoc khong co o truong mam non
 

Ngày bác Thịnh đón cô mèo và các em bé mèo về nơi ở mới, Bống đi học về đứng ngẩn ngơ vì buồn khi nhìn thấy gầm bàn trống trải. Và từ đó, thi thoảng Bống có trò bắt chước chống hai tay xuống… đi như thể bốn chân, kêu meo meo vì… em muốn làm cô mèo, em là cô mèo của mẹ.

Bống còn có bạn thân là chó Ki hàng xóm. Ông hàng xóm người Hoa không rành tiếng Việt lắm nên rất ngại giao tiếp với mọi người. Nhưng ông hay tươi cười khi gặp em Bống đi học và đi học về, vì em hay chào hỏi. Cứ buổi sáng, ông lại dắt chó Ki ra bờ sông đi dạo, và có lúc tiện thể ông cho nó… đi vệ sinh. Có lần Bống nhìn thấy, bắt chuyện rất “duyên”: “Ông ơi, ông đưa con Ki đi ị vậy mà ông không rửa “chít” cho Ki nha, đi xong không rửa thúi làng thúi xóm quá hà”.

Ông cười cười... Em nhất định không buông, hỏi: “Ơ mà ông ơi, thế về nhà ông có tắm rửa cho con Ki không?”. Lần này, ông đành trả lời: “Có, có chứ!”. “Đúng rồi ông. Phải rửa cho Ki chứ tay Ki ngắn vậy sao tự Ki rửa được”… Ông hàng xóm sau bữa nói chuyện ấy hình như ngại ngùng, không để chó Ki đi vệ sinh ngoài bờ sông nữa.

Mẹ không có bạn thân hồi bé. Nếu có chăng, đó là chú vịt trong gian bếp của bà mà mẹ được ngắm nhìn từ khi chúng tự mổ vỏ mà ra. Có một chú vịt, mẹ đã giúp chú ấy tách vỏ cho nhanh và vì thế chú ấy bị thọt chân. Ông ngoại giải thích, đó là do bàn chân của chú vịt không qua quá trình đạp vỏ nên bị yếu. Chú vịt là bài học đầu tiên của mẹ, rằng bao giờ cũng vậy, tự lực tự cường đứng dậy sẽ vững hơn, và khi mình nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết, sẽ dẫn tới những điều thật nguy hại.

Thực ra, mẹ vẫn luôn nghĩ rằng, nếu có điều kiện để cho con kết bạn với một cô mèo, chú chó hay chị vịt suốt ngày quàng quạc kêu la, đều rất tốt. Con có thể học được nhiều điều từ những va chạm thực tế nhất - dù đó chỉ là va chạm với một loài vật bé nhỏ. Đó là những bài học không bao giờ tìm được ở trường mầm non của con. Phải không con gái?

 Khôi Nguyên Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI