Bài học gia đình

30/11/2022 - 06:42

PNO - Hôm qua (29/11), hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã diễn ra ở 3 đầu cầu Hà Nội, Huế, TPHCM.

Chỉ cách đó vài ngày, thêm 1 người con gái tử vong trong vụ 3 cô con gái ở tỉnh Hưng Yên đổ xăng đốt mẹ ruột khiến 4 người bị bỏng nặng. Trước đó, người chị cả đã qua đời. Hiện, cô út và người mẹ vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Còn gì bi kịch hơn?

Cùng thời điểm, bản án “dì ghẻ” bạo hành bé V.A., 8 tuổi, đến chết ở TPHCM cũng vừa được tuyên. Kẻ ác đã phải đền tội. Người cha vô trách nhiệm cũng nhận sự trừng trị của pháp luật. Nhưng nói cho cùng, câu chuyện ấy cũng bắt nguồn từ sự đổ vỡ trong chính gia đình. 

Nhà xã hội học người Mỹ Richard J. Gelles (1946-2020) từng đưa ra nhận định mang tính cảnh báo: “Gia đình là nhóm bạo lực nhất trong xã hội không có mặt cảnh sát và quân đội”. Nếu theo dõi báo đài trong những năm qua, những bi kịch gia đình như con giết cha, chồng giết vợ… không phải hiếm. 

Đủ thứ lý do, đôi khi rất tầm phào. Thậm chí, có thời gian, các vụ việc diễn ra liên tiếp, đến nỗi người ta phải tự hỏi: Chuyện gì đang diễn ra trong các gia đình Việt vậy? Câu hỏi đó hình như chưa khi nào được trả lời một cách rốt ráo. 

Trong khi đó, mô hình gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách trong thời đại mới. Tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới vào năm 2018, cả nước có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, chiếm 30% tổng số cặp vợ chồng.  

Văn hóa trong gia đình xuống cấp. Nói như trong cuộc hội thảo, hệ giá trị đang lung lay. Vì thế, mới có những hệ quả khôn lường trong xã hội như vậy. 

Nếu ở phương Tây, mô hình gia đình truyền thống đang dần tan rã thì ở Việt Nam, nó cũng đang dấy lên hồi chuông cảnh báo. Thử tưởng tượng về 1 tương lai không có gia đình, 1 nền văn minh không có gia đình, sự tiếp biến thế hệ sẽ như thế nào?

Các đại biểu lý giải, những bi kịch gia đình thời gian qua là hệ quả của việc hệ giá trị gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng, nói như vậy đã đủ chưa? 

Tôi nhớ 1 nhà văn lớn tuổi từng nói: “Hình như con người bây giờ ngày càng ác và lạnh lùng hơn”. Như trong vụ “dì ghẻ” bạo hành con chồng, bị cáo Nguyễn Võ Q.T. khai, bản thân cô cũng không lý giải được hành vi tàn nhẫn của mình. Nếu cái ác đó được gieo mầm trong chính gia đình thì đáng sợ ra sao?

Lại phải quay về vấn đề giáo dục từ trong gia đình và nhà trường thời gian qua, để học bài học làm người, bài học nhân văn, để hiểu đạo vợ chồng, tình anh em, nghĩa sui gia, nhất là trong thời đại ngày nay, gia đình bị chi phối bởi quá nhiều cám dỗ, sự phân mảnh phức tạp của đời sống hiện đại. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều gia đình vẫn giữ được những giá trị đạo đức truyền thống. Như tại TPHCM, phong trào “Người con hiếu thảo do Hội LHPN và Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM khởi xướng từ năm 1995, đến nay, hằng năm, có rất nhiều tấm gương hiếu thảo được tôn vinh với những câu chuyện lay động lòng người. Họ dù ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng luôn nỗ lực vượt khó, biết sắp xếp thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ để gia đình luôn yên ấm.

 2 nhà giáo dục học Trình Hạo và Trình Di đời Tống (Trung Quốc) luận rằng: “Thiên hạ muốn yên, trước hết, từ trong cửa nhà phải chánh. Trong cửa nhà của thiên hạ mà chánh thì thiên hạ yên ổn”. 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia - dân tộc được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. 

Gia đình luôn tác động tới sự bình ổn, phát triển của cả xã hội, của đất nước. Và vì vậy, xã hội, đất nước và mỗi công dân phải có trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI