Bài học ghi trên toa thuốc

06/10/2021 - 09:50

PNO - Con người có thể bị mất mát nhiều thứ - kể cả mất mạng sống - nhưng tuyệt nhiên, nhất định không bao giờ bị đánh bại.

Thành phố trong đại dịch, như một cơn địa chấn. Có cố tìm một lý do, cố nghĩ mình sẽ an toàn, tôi vẫn không làm sao xem như nước chảy mây trôi cho được. Mỗi ngày, những con số về nhiễm bệnh, về sinh tử cứ đuổi sát rạt, lạnh ngắt sau lưng.

Và ngần ấy thời gian tôi níu mình bằng mớ bột bánh, nhồi lên nặn xuống làm ra đủ thứ hình thù bánh trái. Tôi níu mình trong mớ sách cũ, mới, trong việc bắt chước bạn bè nuôi mấy củ khoai lang trong nước.

Tôi còn nhớ cảm giác vui mừng, khi lần đầu tiên trông thấy mấy cái rễ trắng nõn nhoài ra, thấy những cái chồi nhú dần, từ lúc có màu đỏ bầm như trái mận chín rồi chuyển sang hơi vàng. Chỉ cần đôi ngày là chúng bung thành những chiếc lá hình tim xanh mơn mởn.

Những chiếc lá hớn hở bò trên mấy quyển sách tôi kê cao cho chúng làm điểm tựa. Có những đêm không ngủ, ngồi đọc sách thi thoảng nhìn ly khoai lang, cứ ngỡ mình có bạn đồng hành.

Rồi mỗi sớm mai thức dậy, nhìn những chiếc lá dày hơn, xanh hơn, cành nhoài ra dài hơn, tôi lại nghe nhen nhóm trong mình niềm tin về sự sống. Vạn vật xung quanh vẫn không ngừng sinh sôi mãnh liệt, ngoan cường kia mà!

Những củ khoai lang trong nước vẫn tốt tươi dường đó kia mà! Hà cớ gì ta không cố gắng? Tôi cứ bụng bảo dạ như thế rồi tự nhủ, hóa ra con người nào có mạnh mẽ như mình vốn tưởng.

Con người thật yếu đuối, thật dễ xúc động, thật dễ hoang mang. Chỉ là con người hơn tất thảy ở chỗ biết nhìn lại, biết suy nghĩ, biết lòng dặn lòng ta phải cố thêm, cố thêm một chút nữa.

Rồi tháng Chín mùa thu - tháng tựu trường cũng đến. Những lễ khai giảng trên tuyền hình diễn ra khắp nước, những sân trường hoe vắng chỉ có hàng cây cúi đầu như mặc niệm, rồi những buổi nhận lớp, nhận cô, nhận bạn bè online…

Đỉnh điểm là khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM công bố con số thống kê, có hơn 1.500 học sinh từ tiểu học, THCS, đến THPT mồ côi trong mấy tháng đại dịch, biết bao sự xót thương và nước mắt của mọi người đã rơi trên khắp đất nước này. Chạm đến con trẻ luôn khiến người ta chùng lòng, đau xót.

Rồi những lớp học cũng bắt đầu, có thể hiệu quả còn chưa như mong đợi. Nhưng kỳ diệu thay, tôi cảm thấy như cuộc sống bình thường đã bắt đầu trở lại.

Những bài học ghi trên toa thuốc của một học sinh dương tính
Những bài học ghi trên toa thuốc của một học sinh dương tính

Cô trò háo hức chỉ để gặp nhau thôi, hay chí ít có một ngày tự nhắc mình là phải làm việc - những việc của những ngày bình thường cũ - đã khiến cho nguồn năng lượng tích cực thực sự được khơi gợi, sống dậy mạnh mẽ chứ không phải chỉ là tự nhủ trong ý nghĩ, tự an ủi mình hay an ủi nhau như dạo trước.

Mỗi sớm mỗi trưa kể cả là tối, nghe vui vẻ nhộn nhịp hẳn khi điện thoại ting ting: “Cô ơi, cô à…”.

Tôi bỗng nhớ ông ngoại - người đã đi qua nhiều thăng trầm của đời mình, của lịch sử, giọng hồ hởi qua điện thoại: “Ngày xưa chui hầm gánh bom trên đầu vẫn học cháu ạ! Mai mốt là sẽ ổn thôi!”. Nghĩ đến tuổi tri thiên mệnh, liêu xiêu ở cuối hành trình nhân sinh mà còn thế, lẽ nào mình đang giữa đường lại có thể buông tay?

Rồi hôm nay, tôi lại khóc khi học sinh lớp tôi chủ nhiệm nhắn: “Cả nhà con dương tính rồi cô. Giờ thì con khỏe, nhưng nếu mai con học mà mệt hay ho con có thể out sớm khỏi mạng, cô đừng giận con nha. Con hứa với cô con sẽ làm bài đủ các môn. Cô yên tâm nha cô!”.

Cũng lâu rồi, tôi mới buông lỏng bản thân mặc cho nước mắt rơi nhiều như vậy! Nhất là khi cô bạn dạy chung trường, gửi cho mấy tấm hình chụp bài học, bài tập của con gái cô ấy.

Bốn người trong gia đình bạn đều dương tính với COVID-19. Dù có những lúc cô ấy không còn biết mình đang đứng ở đâu, trước mặt là ai, khi con gái nhỏ sốt đến 420C, nồng độ ô-xy trong máu chỉ còn 40, bác sĩ bảo lau cồn đến ba lần cho bé để chuyển viện.

Tôi cứ mặc cho thứ nước mằn mặn lem nhem trên mặt mình khi nghe cô ấy kể: “Con nhắm nghiền mắt, không mở lên được khi chuyển viện. Mọi người bảo em, phải nhất định nói con mở mắt. Em cầm tay con, gọi con suốt bốn giờ đồng hồ. Nhất định con không được nhắm mắt  nha con!”.  

Rồi cả gia đình cũng qua cơn nguy kịch. Ở trong bệnh viện khi đã khỏe, bé mở điện thoại học online, lấy cây bút đỏ - cây bút duy nhất có thể có được lúc này - trong túi xách của mẹ, viết chi chít bài học, bài tập lên toa thuốc, vỏ hộp thuốc! 

Tôi có đọc một câu trong sách: “Trẻ con sẽ cứu rỗi thế giới!”. Không dưng tôi nghe thương và biết ơn vô hạn những đứa trẻ xung quanh mình. Cũng như những cây xanh non chỉ biết vươn lên hồn nhiên mà sống, trẻ con xanh tươi đẹp đẽ đã mang đến cho chúng ta biết bao năng lượng  vô giá. 

Nhiều bạn bè đồng nghiệp tôi đã xin tấm ảnh chụp bài học ghi trên toa thuốc của cô bé, rồi chuyền tay nhau nâng niu như vật báu. Tôi cũng xin và chắc chắn sẽ lưu giữ thật kỹ.

Một ngày nào đó khi cuộc sống bình thường, tôi sẽ xem lại, hoặc cho học sinh tôi xem, để ghi nhớ, chúng ta đã đi qua một quãng nhọc nhằn đau đớn nhưng cũng không ít điều tuyệt vời như thế nào.

Trong những ngày này, muốn khóc thì cứ khóc đi, rồi hãy lau nước mắt mà đứng lên thật mạnh mẽ. Bởi vì xung quanh mình, biết bao người đang chứng minh một điều: Con người có thể bị mất mát nhiều thứ - kể cả mất mạng sống - nhưng tuyệt nhiên, nhất định không bao giờ bị đánh bại. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI