edf40wrjww2tblPage:Content
Ly Ly, con gái tôi, có biểu hiện thông minh rất sớm. Do bản thân khá e ngại các cô cậu bé sành sỏi như người lớn, nên những vấn đề liên quan đến tiền, tôi tuyệt đối không để con hay biết, dự phần. Trước mỗi nhu cầu mua sắm của con gái, tôi phân loại ra làm hai, một nhóm luôn luôn được ba mẹ đáp ứng - là những món đồ phục vụ cho việc học tập, ăn uống; một nhóm gồm đồ chơi, kẹp tóc các loại - con chỉ được mua vào dịp lễ tết, hoặc những khi ngoan ngoãn.
Vào lớp 1, khi các bạn được mẹ nhét cho vài ngàn lẻ trong cặp mỗi buổi đến trường, con gái tôi phải mang theo một chai nước lọc và ít cái bánh ngọt để phòng khi đói bụng, khát nước. Những khoản thu nhỏ giáo viên thông báo qua cuốn tập của con, thay vì đưa tiền để con nộp như phụ huynh khác, tôi thường trực tiếp mang nộp cho cô giáo. Mọi nhu cầu đều được ba mẹ đáp ứng, Ly Ly cũng không một lần thắc mắc hay đòi hỏi về tiền bạc. Số tiền mừng tuổi kha khá được nhận mỗi dịp Tết, bé giao hết cho mẹ giữ, rồi quên hẳn. Sáu tuổi, con bé vẫn còn tính tiền bằng đơn vị tờ; càng nhiều tờ, càng... giàu. Đang khá yên tâm vì sự thành công của mình trong việc “bảo lưu” sự trong sáng của con trước tiền, tôi bắt đầu hoang mang trước một vài biến cố nhỏ.
Một bận, tôi ngập ngụa trong công việc nên quên đón con. Sáu giờ tối, sực nhớ, tôi chạy vội đến trường và thấy bé đang nức nở ở góc cổng. Chiều ấy, chờ mãi không thấy ai đón, con tôi đã không có 2.000 đồng để trả cho một cuộc điện thoại gọi ba mẹ. Sau chuyện đó, dù quyết định để vào cặp con một ít tiền lẻ mỗi buổi đến trường, tôi vẫn giữ quan điểm hạn chế tối đa sự tiếp xúc của con với tiền bạc.
Nhưng, mọi nỗ lực của tôi trong việc gìn giữ tuổi thơ trong sáng cho con đã gặp thách thức mới. Nhà trường tổ chức cho học sinh đi picnic ở một địa điểm xa thành phố. Chồng tôi mang một ít tiền đến gửi cô giáo, nhờ cô giữ hộ, phòng khi Ly Ly có nhu cầu tiêu xài trong một ngày xa nhà, nhưng cô giáo thẳng thắn từ chối và khẳng định, việc nắm giữ một số tiền để chi trả cho những nhu cầu phát sinh cũng là một trong những kỹ năng trẻ cần học. Chồng tôi đành cất tiền vào cái ba lô nhỏ để con tùy nghi sử dụng trong chuyến đi.
Sau những “cú sốc” nhỏ ấy, tiền bạc vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm khiến tôi lúng túng khi trò chuyện với con. Thế mà, trong lần về quê ngoại đón Ly Ly sau một tháng hè, tôi chứng kiến con đang lăng xăng đếm tiền, thối tiền cho khách bên quầy rau của bà ngoại. Chưa kịp hốt hoảng, trách cứ, tôi đã gặp thái độ thản nhiên của mẹ: “Gớm, anh chị nuôi con bảy năm không bằng tôi dạy một tháng đâu đấy, phen này bố mẹ khỏi tốn tiền mua sách vở nhé!”. Nói rồi, hai bà cháu nháy mắt với nhau.
Tối đến, con gái kéo tôi vô phòng, khoe cái lon sữa bò đầy ắp tiền. Con giải thích, nhiêu đó là tất cả tiền công bán rau, quét nhà, nhổ tóc sâu cho bà ngoại suốt tháng qua. Tuy vẫn ngập ngừng, lo lắng trước “bước tiến” không ngờ này của con, nhưng vẻ mặt sung sướng, tự hào của Ly Ly khiến tôi không nỡ phản ứng. Ngay sau đó, tôi được chứng kiến “cuộc cách mạng” của mẹ với đứa cháu vốn ngu ngơ trước tiền.
Bảy giờ tối, mẹ tôi nhắc: “Tới giờ quét nhà rồi, bà quét hộ cho nhé!”. Lập tức, con bé đứng phắt dậy, chạy ra giành lấy cái chổi. Mẹ ra hiệu cho tôi ra theo. Quan sát con bé vừa cẩn thận quét từng góc nhà, vừa ra vẻ nghiêm túc: “Mẹ để ý phụ con nhé, sót một cọng tóc là bà ngoại trừ mất 500 đồng đấy!”, mẹ tôi che miệng cười rồi tránh xuống nhà dưới, để mặc tôi đứng đó, bần thần xúc động. Xong việc, cẩn thận bắc cái ghế, treo cái chổi đúng chỗ, Ly Ly quay qua tôi: “Để chổi bừa bãi, bà cũng trừ 500 đồng đó mẹ!”, rồi chạy biến đi tìm bà ngoại để “lãnh lương”.
Chứng kiến con gái cầm 2.000 đồng vừa kiếm được, xếp cẩn thận, nhét vào lon sữa bò; tôi nhận ra chưa một con thú bông hay một món quà đắt tiền nào khiến con mình vui sướng như thế. Sáng hôm sau, trút hết tiền ra đếm, Ly Ly hớn hở khoe hơn bốn trăm ngàn kiếm được, rồi cẩn thận vuốt từng tờ tiền, cất vào ba lô.
Không còn nghi ngờ về khả năng “kiếm tiền” của con gái, vào đầu năm học, tôi để con được tự tay cầm tiền của mình đến quầy sách. Xong việc ở khu bán sách giáo khoa và dụng cụ học tập, con bé tần ngần ngó nghiêng sang gian hàng thú bông, đồ lưu niệm. Rồi, bất ngờ, con bé khoát tay: “Thôi mình ra tính tiền đi mẹ!”. Hiếu kỳ trước thái độ lạ lùng của con, tôi lẳng lặng đi theo, quan sát xem “bà cụ non” sẽ làm gì tiếp theo. Ra quầy thu ngân, tôi để Ly Ly tự thanh toán. Cầm hóa đơn và mớ tiền còn lại, con bé tiếc nuối nhìn sang quầy thú bông, rồi ái ngại nhìn tôi, ngượng ngập nói: “Cuối tuần này, con lại về ngoại chơi ít ngày, được không?”. Tôi cố nén để không phì cười, hỏi: “Về ngoại làm gì vậy con?”. Con bé làm ra vẻ đăm chiêu: “Về nhổ tóc sâu kiếm thêm tiền, sách gì đâu mà... mắc quá à!”.
Suốt bảy năm dạy dỗ, nâng niu, đầu tư cho con, tôi chưa bao giờ hạnh phúc nhường ấy. Tiếc rằng, tôi đã tước mất của con cơ hội trưởng thành bằng những trải nghiệm đáng yêu như thế.
UYÊN MINH
(Q.Tân Phú, TP.HCM)