Bài học dịch sởi

24/04/2014 - 16:17

PNO - PNO - Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - xác nhận tính đến ngày 22/4 đã có 119 ca tử vong liên quan đến sởi, nhưng thực tế con số cập nhật mới nhất đã lên tới 128 trường hợp (tính cả số mới tử vong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bai hoc dich soi

Một bệnh nhi mắc bệnh sởi đang được điều trị tại Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy.

Con số tử vong lớn như vậy nói lên điều gì? Trước hết, nó cho biết đó là một dịch bệnh lớn và hết sức nguy hiểm. Nó cũng cho biết, dịch sởi không phải xảy ra một cách “xuất kỳ bất ý”. Nó có quá trình, và đi từ thấp tới cao, từ đáy tới đỉnh.

Trong suốt thời gian dịch sởi phát triển như thế, cộng với thời tiết rất bất lợi ở các tỉnh phía Bắc mà ai cũng biết, lẽ ra, Bộ Y tế và các bệnh viện, nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi số bệnh nhân sởi là trẻ em đổ về đông nhất - phải có ngay những phương án dập dịch, chứ không phải đợi bệnh nhân vào viện thì chữa trị, cho tới khi bệnh nhi sởi nhiễm chéo các căn bệnh nguy hiểm khác. Khi đó, việc chữa trị vô cùng khó khăn, tốn kém, và tỉ lệ tử vong cao.

Theo phát biểu của cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, tại buổi tập huấn cho thầy thuốc các tuyến về dịch sởi, thì “sởi là căn bệnh có văcxin phòng, nhưng giai đoạn vừa qua khi dịch xảy ra thì người dân hoang mang như các căn bệnh không văcxin, không thuốc chữa. Đây là bài học của cả ngành y tế”.

Một bài học lớn như vậy, nhưng yêu cầu tối thiểu là minh bạch thông tin để người dân biết được mức độ của dịch vẫn chưa được thấm nhuần. Vậy phải hiểu sao về tâm lý hoang mang của người dân, nhất là những người dân có con cháu bị dịch sởi? Sự hoang mang đó hoàn toàn có lý do, khi mọi thông tin chính xác, kịp thời về dịch sởi không được công bố, khi Bộ Y tế cho tới thời gian gần đây vẫn khẳng định trên VTV là “không có dịch sởi”, trong khi số bệnh nhân dịch sởi và số ca tử vong cứ ngày càng tăng cao thêm.

Nếu dịch sởi không phải thuộc loại dịch không thuốc chữa trị, không vắcxin phòng chống, thì hà cớ gì không có những phương án dập dịch ngay từ lúc nó mới nảy sinh, như Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đã làm? Và làm thành công. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngay từ cuối năm 2013 khi cùng lúc có 5 ca sởi nhập viện, ông đã thấy điều đó là bất thường.

“Chúng tôi đã lên báo với Viện Pasteur TP.HCM về sự bất thường này, đồng thời triển khai phân tuyến điều trị bệnh nhân sởi, ca nhẹ thì tư vấn cho điều trị ngoại trú, ca nặng thì cách ly điều trị để tránh nhiễm chéo, vì một bệnh nhân mắc sởi và đồng nhiễm với các virút, vi khuẩn khác thì chi phí điều trị có thể gấp 20 lần so với những trường hợp sởi thông thường”- bác sĩ Khanh nói.

TP HCM làm được, hà cớ gì Hà Nội và một số địa phương có dịch sởi khác ở phía Bắc không làm được ?

Có lẽ, bài học lớn nhất ở đây là bài học về tinh thần trách nhiệm, về ý thức đối với sinh mệnh bệnh nhân, cũng là sinh mệnh người dân. Chúng ta có thể nói rất hay, nói rất nhiều về tinh thần phục vụ nhân dân, nhưng nếu trong những trường hợp cụ thể như dịch sởi, tinh thần ấy không được khởi động đúng mức, thì hậu quả khôn lường. Bây giờ mới tính chuyện phân tuyến đề điều trị thì cũng đã khá muộn.

Thanh Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI