Bài học đắt giá từ vực thẳm

16/04/2025 - 20:00

PNO - Ký ức đau buồn về cuộc hôn nhân tan vỡ, sự ê chề, mặc cảm thất bại lại ùa về trong tôi. Một ý nghĩ lóe lên: “Dưới dòng sông kia là sự giải thoát...”.

Suy nghĩ tiêu cực có thể đến bất ngờ trong phút yếu lòng. Ảnh Freepik.com
Suy nghĩ tiêu cực có thể đến bất ngờ trong phút yếu lòng (ảnh minh họa: Freepik)

Đọc bài viết Cái nhón chân vô hình trong khoảnh khắc tiêu cực, tim tôi bỗng nghẹn lại. Tôi, cũng như tác giả, đã từng đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết - chỉ cách một “cái nhón chân”.

Năm 26 tuổi, cuộc đời tôi rẽ sang một trang nghiệt ngã. Người chồng mà tôi tin tưởng, yêu thương, đã âm thầm quay lại với người yêu cũ. Khi tôi phát hiện, anh chẳng những không hối lỗi, mà còn công khai mối quan hệ ngoài luồng. Tôi không thể chấp nhận cảnh chồng chung, những cuộc cãi vã, mâu thuẫn nổ ra ngày càng gay gắt. Cuối cùng, anh chọn người xưa, đòi ly hôn và đuổi tôi ra đường (khi ấy chúng tôi đang ở căn nhà riêng của chồng).

Tôi ra đi chỉ với 350.000 đồng và mất luôn quyền nuôi đứa con gái 3,5 tuổi. Thu nhập của tôi trước đấy đều dành cho chi tiêu gia đình, khi bị đẩy ra đường, tôi trắng tay hoàn toàn. Sự suy sụp, oán hận trào dâng, tôi trách chồng bội bạc, trách mình dại dột chọn nhầm người, trách bản thân nghèo đến mức không thể giữ con bên cạnh.

Những ngày tháng sau đó là một vực sâu tăm tối, tôi gặm nhấm nỗi đau một mình. Bởi trước đó trên mạng xã hội, tôi vẫn luôn xây dựng hình ảnh một gia đình hạnh phúc, một người vợ được chồng yêu thương, nâng niu. Sự thật phũ phàng như cú trời giáng, đẩy tôi xuống tận cùng của tuyệt vọng.

Những ý nghĩ tiêu cực bủa vây tôi. Nhiều lần, tôi đã nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Nhưng ánh mắt ngây thơ của con, và khuôn mặt khắc khổ của cha mẹ, những người đã đặt trọn tình yêu thương và kỳ vọng vào tôi, đã níu giữ tôi lại. Tôi gượng dậy khi công việc dần ổn định, khi tôi nhận được sự yêu thương, giúp đỡ từ những đồng nghiệp tốt bụng.

Vậy mà, khi vết thương lòng tưởng chừng đã lành, trong một lần về thăm nhà ở Vĩnh Long, một khoảnh khắc suýt đẩy tôi vào vực thẳm. Hôm ấy tôi dừng xe trên cầu Mỹ Thuận để hóng mát, điều tôi chưa có thời gian làm trước đây. Đứng trên cao nhìn dòng sông Tiền mênh mông, những chiếc ghe qua lại, ban đầu tôi cảm thấy thư thái lạ thường. Nhưng chỉ một lát sau, những ký ức đau buồn về cuộc hôn nhân tan vỡ, sự ê chề, cô đơn, mặc cảm thất bại lại ùa về. Một ý nghĩ dại dột lóe lên: “Dưới dòng sông kia là sự giải thoát, chấm dứt mọi khổ đau....”.

Tôi nhìn xuống dòng nước sâu thẳm, vô thức tháo giày, trong tâm trí hiện lên hình ảnh mình rơi tự do. Cảm giác thỏa mãn lập tức tới, nhưng liền đó, sự sợ hãi xâm chiếm khi tôi thấy hình ảnh con gái bé bỏng đội khăn tang, cha mẹ tôi vật vã ôm con gái khóc nức nở.

Tôi bừng tỉnh, vội ngồi thụp xuống, những giọt nước mắt tức tưởi trào ra.

Lý trí trở lại, tôi tự nhủ: chồng cũ và nhà chồng đã không cần tôi, thậm chí chà đạp tôi, nhưng cuộc đời đâu chỉ có những người này. Con gái tôi cần mẹ, cha mẹ tôi cần con, và tôi còn có công việc, có những người bạn yêu quý. Quan trọng hơn hết, tôi mới 26 tuổi, tôi còn tương lai dài phía trước để sửa sai và làm lại cuộc đời. Tôi nhớ lời động viên của người đồng nghiệp: “Em phải sống, ngày mai nhìn lại ngày hôm nay, em sẽ thấy tốt hơn, và năm sau nhìn lại hôm nay, đó chỉ còn là quá khứ”.

Suy nghĩ đó như chiếc phao cứu sinh, kéo tôi ra khỏi tuyệt vọng. Sau khoảnh khắc này, tôi dần thay đổi, biết nhìn cuộc đời với niềm hy vọng mới.

Đến nay, đã hơn 2 năm kể từ ngày đứng trên cầu ấy, tôi luôn biết ơn… bản thân vì đã kịp dừng lại. Nhờ vậy, tôi mới có ngày hôm nay: một công việc ổn định, một căn nhà trả góp ấm áp, nơi tôi đã đón được con gái về sống cùng, và một tình yêu mới với người đồng nghiệp luôn yêu thương, giúp đỡ tôi.

Tôi nhận ra, những suy nghĩ tiêu cực có thể bùng lên bất ngờ trong khoảnh khắc yếu lòng, và nếu không đủ mạnh mẽ để chống lại, chúng có thể dẫn đến những hành động không thể cứu vãn. Hãy học cách nhận diện và đối diện với những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Đừng cố gắng kìm nén hay che giấu chúng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, hoặc các chuyên gia tâm lý khi cảm thấy quá tải. Và quan trọng nhất, đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Ngày mai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hôm nay.

Đỗ Thu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI