Nhà khoa học Võ Tòng Xuân về nơi an nghĩ cuối cùng tại quê hương Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã để lại niềm tiếc thương vô bờ của nhiều thế hệ nhân dân. Thế hệ tuổi 50, 60 trở lên có lẽ không ai quên ơn ông vì đã ông có công lớn đưa cả nước thoát khỏi đói khổ nhờ vào việc nhân rộng thành công giống lúa kháng rầy IR 36 mà ông nhận từ viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Đọc những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của nhà nông học Võ Tòng Xuân đã mang lại cho tôi nhiều điều suy ngẫm. Đó là hệ thống đào tạo nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện nay; vấn đề thực tập cho sinh viên; trọng dụng, tạo điều kiện và nâng đỡ cho người tài để họ có thể cống hiến cho quốc gia, dân tộc.
| Giáo sư Võ Tòng Xuân - người trọng đời gắn bó với nhà nông. Ảnh: Huỳnh Xây/ Báo Dân Việt |
|
Ông Võ Tòng Xuân không học trung học phổ thông. Vì hoàn cảnh của ông lúc đó, ông chọn học tại trường trung học Cao Thắng, một trường đào tạo nghề nổi tiếng lúc bấy giờ. Tốt nghiệp ra trường, có việc làm và xin được học bổng học đại học ở nước ngoài. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo nghề của trường Cao Thắng.
Nhìn lại hệ thống đào tạo nghề có rất nhiều trường hiện nay, thử hỏi có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tìm được việc làm. Họ có thể có con đường học liên thông lên đại học nhưng để xin học bổng học đại học ở ngoài nước e rằng khó, khi trình độ ngoại ngữ hầu như không đủ. Như vậy, điều cần thiết hiện nay là nâng cao trình độ đào tạo của các trường trung học, cao đẳng nghề. Sao cho ra trường dễ tìm được việc làm và năng lực học lên cao của người tốt nghiệp. Không phải chỉ là đạt tiêu chuẩn tuyển sinh liên thông dễ dãi như hiện nay.
Khi trường Đại học Cần Thơ cho sinh viên nghỉ học 2 tháng theo đề xuất của thầy Võ Tòng Xuân để về các địa phương nhân giống lúa IR36 sau khi được huấn luyện tại trường là thời gian sinh viên thực tập tại đồng ruộng, phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Và họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Chuyện đi thực tế tại đồng ruộng của sinh viên các khoa nông nghiệp Đại học Cần Thơ đã trở thành thông lệ. Chính vì vậy khi họ tốt nghiệp ra trường chuyện làm nông không xa lạ với họ, biến họ trở thành những chuyên gia đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp nước nhà.
Tiến sĩ Hồ Quang Cua và các giống lúa ST của ông là một tấm gương tiêu biểu. Từ đó cho thấy tạo điều kiện thực tập cho sinh viên rất quan trọng. Thực tập đúng như công việc sẽ làm sau khi ra trường giúp họ dễ tìm được việc làm và phát huy được chuyên môn được đào tạo sau này. Vấn đề là các trường đại học có giáo trình bám sát thực tế để mà sinh viên có thể đi thực tập một cách hiệu quả ở cơ quan, doanh nghiệp, công ty, hãng xưởng…hay không? Hay như hiện nay sinh viên đi thực tập cho đủ thời gian rồi xin số liệu để làm báo cáo. Thậm chí xin báo cáo thực tập của khóa trước rồi thay tên đổi họ đổi thời gian để nộp lại trường cho xong.
Khi học xong đại học, kỹ sư Võ Tòng Xuân được hiệu trưởng Viện Đại học Cần Thơ khi đó viết thơ mời về làm việc tại trường. Khi về nước ông có việc làm ở một công ty nông nghiệp và đi đi về về Sài Gòn - Cần Thơ để có thể vừa có thu nhập nuôi gia đình vừa có thể giảng dạy. Sau này bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật ông về nước ngay trước ngày hòa bình và tiếp tục giảng dạy bình thường.
Khi dịch rầy nâu làm mất mùa khắp ruộng đồng Nam bộ, khả năng và mối quan hệ của ông với IRRI được phát huy để có thể làm việc vô cùng có ích là phủ giống lúa kháng rầy khắp ruộng đồng khi ấy, đưa Việt Nam từ nạn thiếu lương thực thành nước xuất khẩu gạo, gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc đời làm việc của ông đôi lúc có những vướng mắc nhưng các cấp lãnh đạo đều hỗ trợ đúng lúc để ông luôn được cống hiến cực kỳ hiệu quả như một nhà nông học, một nhà giáo dục tài năng cho đến tận những ngày cuối đời. Câu chuyện đời của ông khiến ta nghĩ đến những sinh viên du học nước ngoài tốt nghiệp xong không dám về nước làm việc vì thu nhập không đủ sống. Hơn thế nữa nếu chấp nhận thu nhập eo hẹp (do gia đình có điều kiện) thì họ cũng đắn đo về môi trường làm việc để cống hiến khả năng của mình?
Như vậy không phải hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta không thể đào tạo nhân tài mà chính vì chúng ta chưa vận hành một cách hiệu quả hệ thống đó. Không phải chúng ta chưa có nhân tài mà chính vì chúng ta chưa tạo đủ điều kiện để họ có thể yên tâm về nước làm việc hiệu quả.
Nguyễn Huỳnh Đạt