Bài học cảnh giác chưa bao giờ cũ

09/09/2024 - 06:43

PNO - Yagi là cơn bão thể hiện rõ sự bất thường của thời tiết. Chỉ sau 2 ngày, nó đã tăng thêm 8 cấp. Bão cũng đã đi qua đảo Luzon của Phillipines - nơi được xem như trận đồ phá bão - nhưng vẫn tiếp tục mạnh lên.

Bão số 3 (Yagi) được đánh giá là cơn bão trên Biển Đông mạnh nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây. Trước khi bão Yagi vào Biển Đông, các chuyên gia khí tượng quốc tế đã nhận định, đây có thể là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất châu Á tính từ đầu năm 2024 đến nay.

Yagi là cơn bão thể hiện rõ sự bất thường của thời tiết. Chỉ sau 2 ngày, nó đã tăng thêm 8 cấp. Bão cũng đã đi qua đảo Luzon của Phillipines - nơi được xem như trận đồ phá bão - nhưng vẫn tiếp tục mạnh lên.

Diễn biến của bão số 3 có phần bất thường nhưng không phải là hiện tượng chưa từng gặp ở nước ta. Năm 1997, cơn bão Linda (bão số 5) chỉ mất 30 giờ kể từ lúc hình thành để gây nên thảm họa cho hàng ngàn gia đình ngư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sau hàng trăm năm không xảy ra bão.

Cơn bão Linda để lại cho người dân, lãnh đạo các địa phương, những người làm công tác phòng, chống lụt bão bài học đắt giá: sự chủ quan trước mọi diễn biến của thời tiết phải trả giá bằng tính mạng.

Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn cũng như các phương tiện thông tin đã hiện đại hơn, nhanh hơn và chính xác hơn rất nhiều. Với cơn bão số 3 này, đa số người dân theo dõi kỹ diễn biến kể từ khi các chuyên gia nhận định nó có khả năng mạnh lên thành siêu bão, tìm hiểu và chia sẻ, học hỏi thêm các phương án phòng, chống cụ thể. Nhưng vẫn còn một bộ phận dân chúng chủ quan, không tin rằng Bắc Bộ sẽ phải đối mặt với siêu bão.

Ngay sau cơn bão là lũ lụt, sạt lở. Các tỉnh miền núi phía Bắc còn chưa khắc phục được hậu quả đợt mưa lũ hồi cuối tháng Bảy thì bão số 3 đã gây ngập lụt, sạt lở ở nhiều nơi. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, UBND tỉnh Hòa Bình đã cho di dời hơn 400 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao. Thế nhưng, đêm ngày 7, rạng sáng 8/9, trận sạt lở đất đã vùi lấp một gia đình 5 người ở huyện Đà Bắc, làm 4 người thiệt mạng.

Sự chủ quan của người dân, sự thiếu sát sao của chính quyền cơ sở cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thương vong trong các vụ sạt lở ở miền núi. Có xã đã tạo trang thông tin phòng, chống thiên tai từ năm 2021 rồi để đấy, không có bất cứ thông tin, thông báo, cảnh báo nào về diễn biến thời tiết bất thường hay nguy cơ lũ, sạt lở.

Một số chuyên gia nhận định, không ít điểm, cụm dân cư xảy ra chết người do sạt lở là do chủ quan, chưa đánh giá hết được những hiểm họa từ thời tiết.

Như vậy, với các tỉnh miền núi, ngay lúc này (cũng như về sau), ngoài theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, người dân và chính quyền cơ sở còn cần tăng cường đề phòng, cảnh giác trước các nguy cơ sạt lở, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Đối với các điểm dân cư, cần phải rà soát, xác định xem có đang ở vị trí nguy hiểm hay không.

Chẳng hạn, có nhà ở gần đồi, núi mà mưa to liên tiếp nhiều ngày thì phải nghĩ đến việc đất đá ở sườn núi, sườn đồi có thể lở xuống bất cứ lúc nào.

Các nhà khoa học của cả Việt Nam và quốc tế đều chung nhận định rằng, các cơn bão đang ngày càng mạnh hơn do nhiệt độ nước biển ấm hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những trận bão lớn vừa qua là những bài học thực tế để người dân, chính quyền cơ sở, những người làm công tác phòng chống thiên tai đúc kết kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác để ứng phó tốt hơn với thiên tai.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI