PNO - PNO - Má tôi sinh ra 6 đứa con gái và 1 đứa con trai (con riêng của ba tôi). Sau này, các anh, chị lập gia đình, trung bình mỗi người sinh 2 đứa con mà hình như đứa nào cũng qua bàn tay chăm bẵm của má. Vì thế, khỏi phải nói, cái “ngân...
edf40wrjww2tblPage:Content
Tôi không hiểu má học được, nghe được từ đâu mà có thể tập hợp lại được cho mình nhiều bài hát ru đến vậy. Nghe đâu má học mới đến lớp hai, lớp ba, chữ viết còn sai lỗi chính tả thì làm sao có thể học được từ sách vở. Có lẽ má học từ bà ngoại, bà nội, cũng có thể vì má sinh nhiều con và có nhiều cháu mà đứa nào má cũng ẵm bồng nuôi nấng nên má “trang bị” cho mình nhiều bài hát ru đến vậy.
Tuổi tôi thuộc những năm đầu của thế hệ 8X. May mắn cho tôi, khi ra đời, tôi vẫn còn được nghe những lời ru ầu ơ của má. Thật ra thì lúc nhỏ nghe đó chớ biết gì. Sau này lớn lên, nghe má hát ru mấy đứa cháu mới thấy má “tài” quá đỗi vì nhớ đến gần trăm bài hát ru. Lạ một điều, dù có nghe nhiều loại nhạc từ Việt Nam đến hải ngoại, nước ngoài, từ nhạc sến đến nhạc trẻ, từ giọng ca sĩ đến giọng ca vàng, tôi vẫn không thấy hay bằng những bài hát ru của má. Cái giọng người nhà quê Bình Định đặc sệt, nặng trịch của má mỗi lần hát ru lại nghe đến nao lòng. Lời ru đó cứ mãi đi theo tôi, đâu đó văng vẳng bên tai dù cho tôi có ở bên cạnh má hay đã vào Sài Gòn ngót ngét hơn chục năm nay.
Thời gian vừa rồi, tôi về quê sinh con, má thường phụ tôi ru cho cháu ngủ. Mỗi đêm, để cho tôi có nhiều thời gian ngủ, má lại bồng cháu ra ngoài võng ru hời. Nằm trong buồng nghe má hát, cái giọng đều đều cũng khiến tôi… dễ buồn ngủ. Tôi không ngờ má hát ru hay và “mùi mẫn” đến vậy. Má biết rất nhiều bài hát mà đến tôi “dân văn chương” ra cũng chưa từng biết qua sách vở. Đã 65 tuổi đời mà má vẫn nhớ rành rọt từng câu từng chữ của các bài hát ru, đa số là dân ca, ca dao Bình Định. Có khi má hát đúng theo phiên bản phổ thông, có khi, má hát theo các “dị bản” của người Bình Định.
Không hiểu vì cuộc đời má cơ cực hay vì tuổi đời má cũng đã xế chiều mà những lời má ru đều thấm đượm tình cảm “Anh về Đập Đá quê cha, Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê nàng”. Có khi lời hát ru bỗng trở nên dí dỏm dễ thương nhưng lại mang một bài học sâu sắc “Con mèo đập bể trã rang, Con chó chạy lại, nó mang cái đòn”. Rồi cũng có khi, lời hát ru như chính lời than vãn của má “Ầu ơ, qua đình ngả nón nhìn đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Cũng có khi, lời má hát như là lời sẻ chia của những người con gái “Ầu ơ, mẹ già giao lại anh trai, phận em là gái, một mai lấy chồng”. Có lúc, lời hát ru như một lời nhắn nhủ “Chiều chiều mõ đánh Tân Kiều, mất em anh kiếm buổi chiều hôm qua. Mất em, anh kiếm còn ra, mất chút mẹ già vắng trước vắng sau”. Cứ như vậy má hát hết bài này đến bài khác thành một điệp khúc thật dài mà ít khi nào bị trùng lặp lại hay hát lại 2, 3 lần. Mỗi lần má cất lên lời ru là tất cả như chùng xuống, bé con đi vào giấc ngủ say hồi nào chẳng hay.
Mỗi lần nghe má hát ru, tôi lại lẩm nhẩm, “học lỏm” vài câu, vài bài. Rồi mỗi khi ru con tôi lại bắt chước má, hát lại những bài mà má đã hát. Có khi, tôi quên mất đành phải ê a cho qua tua hoặc phải lặp đi lặp lại 1 câu đôi ba lần. Không hiểu vì chưa đủ “mùi”, chưa đủ “đô” hay sao mà mỗi lần như vậy con gái tôi cứ tròn xoe đôi mắt. Những lúc như vậy tôi thường bật nhạc đã lưu sẵn trong điện thoại, những bản nhạc không lời hoặc nhạc của Beethoven mà tôi nghe trên mạng người ta thường bảo “cho bé nghe bé sẽ thông minh”. Thế nhưng, con bé vẫn không chịu ngủ dù tôi đã chọn lọc được những bài mà người ta hay bảo là để bé dễ ngủ. Cuối cùng, tôi cũng phải nhờ má vô… ru giùm đến khi nào bé ngủ thì tôi vào thay má. Thế mới thấy cái tài hát ru của má điệu nghệ đến cỡ nào.
Ảnh: Đặng Hồng Kỳ
Vào Sài Gòn, xa má, tôi phải tự ru con, tự mày mò nhớ lại những lời ru của má đem “áp dụng” vào việc ru con ngủ. Thiệt tình mà nói tôi chỉ có thể lặp đi lặp lại nhiều lần câu hát ru muôn thuở mà hầu như bà mẹ, trẻ con nào cũng biết “Ầu ơ, ví dầu cầu ván long đinh, Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học mẹ đi trường đời” hoặc “Ầu ơ má ơi đừng đánh con đau, Để con bắt ốc hái rau má nhờ”… Nhiều lần, bí quá, tôi phải mở nhạc thiếu nhi cho bé nghe. Ngặt nỗi, mỗi lần mở như thế thì con bé dường như tỉnh ngủ. Có lần, tôi phải gọi điện thoại về nhà hỏi má mấy câu và chép lại. Má nói “Trời ơi, đang nói chuyện hỏi bất tử chi vậy con, để má nhớ thử coi…”.
Đôi lúc tôi tự cười một mình, nghĩ lại ngày xưa học Văn khoa, đợt thực tập về vùng đất An Giang sưu tầm hát ru, dân ca, ca dao, tục ngữ, tôi đã ghi âm không biết bao nhiêu cuốn băng cát-xét các bài hát ru của người dân địa phương. Vậy mà giờ ra trường, khi ru con mình, tôi lại chẳng nhớ bài hát ru nào ngoài vài bài hát ru thông thường. Vì thế, lắm lúc đang ru con phải thì ngưng lại, tìm giấy bút gọi điện thoại về hỏi má.
Lấy chồng Sài Gòn, không có cái “ngõ sau” như trong bài hát ru của má để nhìn về mong ngóng “Ầu ơ, chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Vậy mà chiều nay, nhớ một câu hát ru của má quá đỗi, nhớ cái giọng đặc sệt nằng nặng miền Trung của má. Nhấc máy điện thoại về hỏi chuyện bâng quơ với má mà trong lòng cứ muốn nói “Má ơi, má phải sống thật khỏe, sống thật lâu với con để con luôn nghe được giọng nói của má, tiếng hát ru của má. Má đừng để con phải hát lại cái bài hát ru nghe buồn quá đỗi “Ầu ơ, mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con thời mồ côi…”.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.