Yêu sự tử tế của Sài Gòn

30/12/2023 - 06:43

PNO - Tôi trao họ bằng cả tấm lòng chân thành, nhưng họ không nhận, vì họ nghĩ có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho xã hội.

    

Tranh minh họa
Tranh minh họa

Với bất cứ vùng đất nào, ta yêu hay ghét đều vì những lý do riêng. Trong những dòng chia sẻ này, tôi “tự sự” vài chuyện ghét, chuyện yêu, liên quan đến việc cho và nhận.

Tôi yêu biết mấy những người vô gia cư, những người kém may mắn, những người mưu sinh vất vả để sống qua ngày. Khi các cá nhân, tập thể sẻ chia, trao những tấm bánh, suất cơm cho người thiếu may mắn... tôi yêu cả người trao lẫn người nhận.

Tôi ghét những người lợi dụng lòng tốt ủa người khác để chăn dắt trẻ em, người khuyết tật, cụ già, biến họ thành công cụ kiếm tiền; ghét những kẻ giả dạng tàn tật để ăn xin, bán vé số… đánh vào lòng tốt của người đi đường để vụ lợi.

Được giúp đỡ người kém may mắn hơn mình, dù những việc nhỏ bé, bản thân tôi thấy rất vui và hạnh phúc. Chẳng hạn như việc mua vé số, tôi ít khi dò vé số, nên khi thấy những cụ già, người tàn tật mời mua vé số, tôi thường biếu họ mấy ngàn lẻ, có lúc mời họ dùng bữa ở quán ăn. Trong nhiều trường hợp, người viết đã có thêm bài học quý về lòng tự trọng. Có người bị hỏng mắt, có người bị mất tay do tai nạn lao động khi còn làm công nhân. Tôi trao họ vài đồng tiền bằng cả tấm lòng chân thành, nhưng họ không nhận, vì họ nghĩ có thể tự nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho xã hội. 

Dịp nọ, tôi gặp một cụ bà ngoài 70 tuổi vừa đi bộ vừa rao “vé số đây…”. Tôi mua một vé, đưa cụ tờ 20 ngàn đồng và nói: “Bà ơi, con mua một vé và tặng bà một vé”.  Nghĩa là tôi biếu bà 10 ngàn đồng, nhưng bà từ chối “vé biếu" và nói lý do cụ đang còn sức khỏe, còn tự kiếm tiền nuôi bản thân. Tôi vẫn mong cụ nhận, nhưng cuối cùng cụ nói: “Vậy cháu cầm thêm một vé nữa, như vậy đã mua giúp bà 2 vé rồi”. 

Trên một con đường đến trường thuộc P.10, Q. Tân Bình, tôi hay gặp hình ảnh cụ ông ngồi ở vỉa hè bóc dây điện ve chai để lấy đồng ra bán. Bên cạnh ông có chiếc xe đạp làm bạn đồng hành, có cái bếp và nồi cùng một số dụng cụ treo trên xe. 

Tôi hỏi thăm cụ qua người bán quán nước gần đó, chị bán nước nói không rõ gia cảnh của cụ, nhưng thấy cụ rất đáng thương. Tôi mua một chai nước ngọt tới hỏi han và mời cụ uống, cụ từ chối vì không uống nước ngọt. Tôi nói: “Vậy cháu mua nước suối cho ông uống nhé!”. Cụ giơ bình đựng nước cho biết đã có nước rồi. 

Tôi lại nói: “Ông chờ cháu chút nhé, cháu đi mua thức ăn cho ông”. Cụ cầm ổ bánh mì lên và nói có đồ ăn rồi. Người viết lại nói mua để cụ dành ăn trưa, cụ vẫn từ chối. Nhìn cụ mặc bộ quần áo đã cũ lắm rồi, người viết lễ phép: “Hôm sau cháu đem quần áo biếu ông nhé!”. Cụ liền từ chối: “Quần áo của tui có rồi…”. Thương cụ, nhưng người viết không có cách nào để giúp khi cụ đã từ chối như thế. 

Mỗi tuần tôi thấy hình ảnh cụ đôi ba lần trên con đường ấy. Có lúc cụ ngồi nghỉ, có lúc tôi thấy cụ đang bóc tách ve chai, có lúc cụ nấu thức ăn trên bếp gas mini… Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc mong cụ có sức khỏe tốt, có những bữa ăn đủ đầy từ bàn tay lao động của mình cùng những giấc ngủ ngon lành… 

Có quan tâm, có chia sẻ, chúng ta mới biết những người nghèo khó, những người thiếu may mắn vẫn sống đẹp, sống ý nghĩa. Lòng tự trọng của người nghèo thật đẹp. Lòng tự trọng của họ thật đáng trân trọng. Càng thêm yêu và tự hào Sài Gòn tử tế, Sài Gòn bao dung. 

                                                                   

Thái Hoàng (Q. Tân Bình, TPHCM)

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

                                                                                                                    

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Tulip tran 01-01-2024 15:39:26

    Tui thích câu nói của tác giả : "Có quan tâm, có chia sẻ, chúng ta mới biết những người nghèo khó, những người thiếu may mắn vẫn sống đẹp, sống ý nghĩa. Lòng tự trọng của người nghèo thật đẹp. Lòng tự trọng của họ thật đáng trân trọng. Càng thêm yêu và tự hào Sài Gòn tử tế, Sài Gòn bao dung." Đọc bài của bạn , tui thấy mình trong đó. Tui yêu người Sài Gòn, yêu người miền Nam.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI