|
Người nghèo nhận cơm từ thiện - Ảnh: Nguyễn Liễu |
Không chỉ dịp lễ tết, thiện nguyện là hoạt động thường xuyên của nhiều người Sài Gòn - TPHCM. Đó chính là một phần vẻ đẹp Sài Gòn bao dung nghĩa tình mà người ta hay nhắc tới.
Hạnh phúc của mẹ, hạnh phúc của con
Chị Đỗ Thùy Vân là bà mẹ “lười” khoe con gái trên mạng xã hội. Nhưng mới đây, chị khiến bạn bè ấm lòng với clip bé Nguyễn Đỗ Mộc Linh - học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TPHCM) - khệ nệ vác thùng quà đi làm thiện nguyện.
Chị Vân tự hào viết: “Sinh nhật năm nay, Mộc Linh không đòi quà mà xin mẹ tiền mua sữa, sách, truyện để tặng các em nhỏ làng SOS Gò Vấp. Con cùng các bạn chung lớp đã có ngày sinh nhật thật ý nghĩa… Hôm nay con là cô gái tuyệt vời nhất. Yêu con”.
|
Bé Mộc Linh và mẹ đã tổ chức một sinh nhật ý nghĩa tại làng trẻ SOS Gò Vấp - Nguồn ảnh: Thuỳ Vân |
Chị Nguyễn Liễu - bà mẹ 47 tuổi - tự hào đã tìm ra con đường tràn đầy ánh sáng cho gia đình. Chị kể: “Ở nhà tôi, từ rất lâu rồi, dịp sinh nhật nào cũng không hoa, không quà. Sinh nhật mẹ, sinh nhật con, kỷ niệm ngày cưới, ngày lễ phụ nữ… chúng tôi đều biến thành hoạt động từ thiện”.
2 con chị là Trương Nguyễn Phương Nghi và Trương Nguyễn Khang Minh đã quen với việc cùng mẹ đi tặng quà cho trẻ mồ côi, tặng cơm cho bệnh nhi, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân các khoa bỏng, thận, huyết học…
“Các con tích cực, hiền ngoan và khát khao học giỏi, làm việc giỏi để có nhiều tiền giúp người khó khăn. Và tôi yên tâm rằng, các con cứ sống đơn giản và hạnh phúc thì những điều tốt đẹp cũng sẽ tự nhiên tới với chúng” - chị Liễu tin tưởng.
|
Bé Trương Nguyễn Phương Nghi bên một bệnh nhi. Nguồn ảnh: Nguyễn Liễu |
Thiện nguyện "chị em bạn dì"
9g sáng, sau cơn mưa nhẹ, ở cổng số 6 Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM) có hàng người kéo dài gần hết đoạn đường Bà Triệu.
Bà Triệu là con đường nhỏ bị kẹp bởi 2 bệnh viện lớn là Chợ Rẫy và Phụ sản Hùng Vương. Ngay gần đó là Bệnh viện Đại học y dược, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học. Xa hơn chút nữa là hàng loạt bệnh viện lớn nhỏ của khu vực quận 5, quận 10.
Những người tụ lại xếp hàng ở đây đa số là các ông bà già, một số anh chị trung niên là thân nhân bệnh nhân, một số khác là người bán hàng rong, người nhặt rác, người vô gia cư… Họ mách nhau lịch của các nhóm thiện nguyện và nhẫn nại chờ.
Nắng lên, lao xao trong dòng người là tiếng trò chuyện, về việc người thân thình lình vào cấp cứu chưa kịp vay tiền, về người bệnh giường bên không có thân nhân nên phải xin cơm từ thiện giùm. Rồi ai đó hô lên: “Các cô tới rồi”. Dòng người lục tục đứng dậy, ngó về phía trước. 2 phụ nữ đi xe máy nhanh nhẹn dừng chân chống xe cười tươi: “Bà con cô bác cứ ở yên chỗ của mình, tụi con sẽ tới tận nơi ạ”.
Tôi làm việc ở quận 10, mỗi ngày đều qua đường Sư Vạn Hạnh - con đường mà chính quyền mới gắn cái bảng “phố bệnh viện”. Tôi dám cá rằng, quận 10 và quận 5 là khu vực dày tiếng còi xe cấp cứu nhất nước. Nhưng, ở “xứ bệnh viện” này, bệnh tật và sống chết, lằn ranh sinh tử này được cất gói gọn gàng trong những bức tường nhà thương. Bên ngoài, xe cộ vẫn đông đúc, dòng đời vẫn xoay trong nhịp ồn ào bất tận và đôi khi chúng ta quên mất có những người bên trong rất cần sự giúp đỡ.
Có lần, con tôi nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, quận 10). Tôi ở cùng con gái suốt 3 tuần. Khi con xuất viện, chiếc xe máy của tôi không thể nổ do nằm im trong bãi quá lâu. Dắt xe ra cổng, tôi nhìn hàng cây dầu, nhìn trời trong mây trắng, thấy thế giới của những hành lang đầy mùi ê-te, các phòng chăm sóc đặc biệt, các ca phẫu thuật… lùi xa như một dĩ vãng mơ hồ. Chợt nhớ những bữa ăn trái giờ mà căng tin bệnh viện hết cháo, phải xếp hàng xin cháo từ thiện cho con, tôi giật mình nghĩ: “Vậy là, một người đi làm có thu nhập như mình cũng có lúc nương nhờ lòng hảo tâm của cộng đồng”.
|
Bé Trương Nguyễn Khang Minh - con chị Nguyễn Liễu - trong một lần thăm bệnh nhi ung thư - Nguồn ảnh: Nguyễn Liễu |
Những cuộc thiện nguyện nhanh gọn lẹ như 2 phụ nữ phát tiền sáng nay ở cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy, và những hàng người chờ tặng cơm mà tôi gặp trên các con đường khác đã là một hình ảnh quen, rất quen, một phần của Sài Gòn bao dung, đẹp đẽ mà người ta hay nói tới. Người Sài Gòn - TPHCM luôn đối đãi với người nguy khó bằng trái tim rộng rãi, ấm áp và ân cần.
Bạn tôi là dân Sài Gòn gốc. Cô nữ sinh trường Nguyễn Thượng Hiền lớn lên giữa vùng Ông Tạ ven dòng Nhiêu Lộc tươi đẹp, nhưng điều kiện sống của bạn không được thong dong. Bạn phải cùng mẹ nuôi người anh bại não trong căn nhà nhỏ. Bạn không được đi chơi xa, không thể đi chơi gần quá lâu, không hề có những hành trình thanh xuân đầy tự do như chúng tôi. Vậy nhưng, mỗi năm, bạn có mấy đợt kêu gọi gom quần áo, sách vở cho trẻ nghèo. Mỗi tháng 1 lần, mẹ bạn cùng nhóm các dì trong khu phố tập hợp lại để nấu đồ ăn tặng bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh trong một số bệnh viện. Hành trình thanh xuân của bạn chính là hành trình giúp các dì, các mẹ đi chia sữa, chia cơm, phát cháo.
Kể từ sau đợt dịch COVID-19, các nhóm nhỏ tự phát, các cá nhân đam mê làm từ thiện càng nhiều hơn, trong đó có nhiều người chưa từng làm công tác xã hội, họ chỉ nghĩ đơn giản có gì tặng nấy, có bao nhiêu tặng bấy nhiêu, biết nấu ăn thì mang đồ ăn đi tặng, đúng kiểu “chị em bạn dì”. Một bộ phận người Sài Gòn bây giờ không lấy tiêu chí giàu có, sang chảnh để phấn đấu. Họ cùng hướng tới và tạo nên trào lưu sống sẻ chia, sống để cho đi. Ở phía khác, những người nghèo tới từ nhiều vùng miền an ủi nhau: “Đừng lo, không ai đói rét ở Sài Gòn”.
Tác giả dự thi: Hoàng Lưu Ly (quận 11, TPHCM)
(*) Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu là lời trong ca khúc Hãy yêu nhau đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html |