Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Tuổi học trò... dữ dội

16/10/2023 - 15:02

PNO - Nhờ tấm hình, tôi có thể nhìn lại từng gương mặt trong trung đội tự vệ của trường. 60 năm đã qua, lứa chúng tôi ngày ấy có bạn còn, bạn mất.

Tôi năm nay đã 75 tuổi, bước vào tuổi xưa nay hiếm, nên những kỷ niệm thời tuổi trẻ thường hiện về. Có 2 bức ảnh gắn với thời niên thiếu của tôi, được chụp cách đây 60 năm và 58 năm, đã gắn bó với tôi thời còn học cấp III.

Tấm thứ nhất chụp vào tháng 9/1963. Trong ảnh, tôi được vinh dự cầm cờ trong lúc duyệt đội ngũ Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, khi mới bước chân vào trường cấp III Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh này do thầy Trịnh Đình Phú - dạy sinh vật, là chi ủy viên phụ trách công tác đoàn - đội - chụp.

Tấm ảnh được lưu tại phòng truyền thống của trường như dấu mốc về phong trào thanh thiếu niên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 60 của thế kỷ trước. Thầy rửa thêm một tấm tặng tôi. Tôi giữ mãi tấm ảnh này.

Thời đó, tôi và các bạn cùng lứa rất sung sướng được học dưới mái trường Lê Hồng Phong và được quàng trên vai khăn quàng đỏ - những học sinh cháu ngoan Bác Hồ, là đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Đội Thiếu niên  tiền phong của  trường cấp III  Lê Hồng Phong  (Nam Định).  Tác giả là người  cầm cờ, đi đầu  (ảnh chụp năm 1963)
Đội Thiếu niên tiền phong của trường cấp III Lê Hồng Phong (Nam Định). Tác giả là người cầm cờ, đi đầu (ảnh chụp năm 1963)

Ngày đó, chúng tôi đi qua lễ đài hô vang khẩu hiệu: “Vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, vì thống nhất Tổ quốc, hãy sẵn sàng”.  Khẩu hiệu như một lời hứa với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân về quyết tâm của tuổi trẻ thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược lúc bấy giờ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất Tổ quốc.

Chúng tôi đã thực hiện lời hứa ấy ngay trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cấp III, bởi vì chỉ 1 năm sau, năm 1964, đế quốc Mỹ dựng lên màn kịch sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ ném bom miền Bắc.

Từ năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, cho máy bay ồ ạt ném bom miền Bắc hòng chặn hậu phương miền Bắc tiếp tế và cùng miền Nam đánh Mỹ. Chiến tranh tàn phá phố phường, làng mạc ở miền Bắc Việt Nam. Cả nước ta lúc bấy giờ đều chịu sự tàn phá của bom đạn chiến tranh.

Trong hoàn cảnh đó, thầy Trần Đức Thanh trong ban chấp hành chi đoàn giáo viên tập hợp những học sinh ưu tú, những cán bộ Đoàn là học sinh thành lập Trung đội tự vệ trường cấp III Lê Hồng Phong, xung phong làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sơ tán đồng bào. Ban ngày, chúng tôi đi đội than để tự túc kinh phí, tối và đêm - khi Mỹ ném bom, có lệnh là chúng tôi lên đường khắc phục hậu quả.

Trung đội tự vệ của trường  Lê Hồng Phong. Tác giả ngồi thứ hai từ trái sang  (ảnh chụp năm 1965)
Trung đội tự vệ của trường Lê Hồng Phong. Tác giả ngồi thứ hai từ trái sang (ảnh chụp năm 1965)

Thầy Trần Đức Thanh chụp cho chúng tôi một tấm hình ngay trong sân trường. Nhờ vậy mà giờ đây, tôi có thể nhìn lại từng gương mặt trong trung đội tự vệ của trường.

60 năm đã qua, lứa chúng tôi ngày ấy có bạn còn, bạn mất (trong hình, người đứng thứ ba từ bên trái là bạn Chấn - liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ). Thầy Thanh cũng đã mất vì bệnh tim vào năm 2014.

2 tấm ảnh mãi mãi in hình trong trái tim chúng tôi - những học sinh Lê Hồng Phong, Nam Định của một thời rực lửa. 

Tác giả dự thi: Trần Bá Giao (Hà Nội)

 

 

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trâm Oanh 16-10-2023 16:35:12

    Bố chồng tôi là giáo viên Lê Hồng Phong. Học trò ông có vài người đạt giải Nhất học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Lê Hồng Phong là tình yêu và niềm tự hào của gia đình nhà chồng tôi và người dân Nam định; bởi vậy tôi cảm nhận rõ tình cảm của tác giả khi viết bài này. Những tấm hình quý giá; để hiểu rằng lứa tuổi cấp 3 ngày trước, thanh, thiếu niên đã biết nghĩ, biết hành động vì những điều lớn lao, đó là Tổ Quốc!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI