Tôi thích tấm hình này lắm. Tôi đã cố gắng chụp lại để có bức ảnh tốt hơn nhưng đều thất bại, bởi khoảnh khắc tự nhiên này quả thực là vô giá. Nó có thể bị thừa sáng, bị lỗi với người khác, nhưng với tôi, nó đẹp một cách hoàn hảo.
|
Khoảnh khắc này với tôi là vô giá |
Trong bức ảnh này có tôi, mẹ tôi và cháu ngoại đầu tiên của bà, ai cũng toát lên vẻ hạnh phúc. Lúc đó mẹ tôi đang ngồi thái rau cho gà, còn tôi thì loay hoay chụp ảnh cho con trai vừa tròn 3 tháng tuổi.
Khoảnh khắc mẹ ngồi, ánh nắng xuyên qua lốm đốm trên mái tóc bạc đẹp quá, nên tôi chạy lại, đặt chế độ chụp ảnh tự động trong chiếc điện thoại đã cũ rồi chạy ra chụp cùng.
Tôi cứ ngắm nghía thành quả và tấm tắc khen mãi: “Ôi đẹp quá mẹ ơi!”.
Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với hình ảnh mẹ ngồi thái rau, lúc thì cho lợn, lúc thì cho gà. Ngày bé, lũ lợn là thu nhập chính và “khủng" nhất trong gia đình. Mỗi lần nhà bán lợn, chắc chắn là có sự kiện nào đó lớn xảy ra. Khi thì nộp học phí cho mấy anh em chúng tôi, khi thì anh cả cưới vợ, khi thì anh hai đi thi đại học, khi thì anh ba đi dạm ngõ…
Những lần mà không có sự kiện gì, thì số tiền thu được kiểu gì cũng dành để trả ngân hàng. Tôi như một cái máy tính thuộc lòng những lần dư nợ của mẹ, bởi trong tất cả, tôi là đứa hay tò mò xem mẹ còn dư ra được bao nhiêu để còn xin mua đồ dùng học tập mới.
Lúc bán đi thì hạnh phúc khi cầm được tiền trên tay là thế, nhưng để có được thành quả đó thì đúng thật mấy ai nhắc đến. Mẹ đã phải đạp trên chiếc xe đạp cũ cọc cạch cả đi cả về 7 cây số để lấy "nước rác" từng nhà một. Mẹ đi vào từng góc bếp, góc nhà từng gia đình để chắt từng bát cơm thừa, canh cặn bốc mùi vào một chiếc thùng lớn hơn. Mẹ ra chợ đầu mối của thành phố để nhặt rau, hoa quả hỏng bị vứt ngoài đường để mang về cho lợn.
Mỗi ngày, mẹ đi 2 đến 3 chuyến, mỗi chuyến thì có 3 thùng được mang về, đầy "nước rác" và nặng trĩu. Mẹ đã phải còng lưng đạp thật chậm, dù trời mưa hay trời nắng, để nuôi lũ lợn lớn, chính xác hơn là nuôi chúng tôi khôn lớn.
Sau này, khi không còn nuôi lợn nữa, thì mẹ về quê nuôi gà. Mẹ tôi đi hái rau ở bên những vệ đường ven đồi, thái cho chúng ăn. Lần này thì mẹ chẳng phải nuôi chúng tôi nữa, mà để dành dụm tiền trang trải cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Mẹ không muốn phụ thuộc vào ai, muốn vận động để khoẻ và muốn tự mình trả những món nợ mà không muốn phiền hà đến con cái cũng đang vất vả mưu sinh.
Bây giờ, tôi hiếm thấy nhà ai còn nuôi lợn bằng "nước rác" như mẹ tôi ngày xưa. Cũng chẳng có ai còn để hũ nước gạo để đựng "nước rác" nữa. Cuộc sống hiện đại, công nghiệp phát triển, thức ăn thừa mứa, tất cả chỉ tập hợp lại và vứt cùng rác mà thôi. Mỗi lần đến nhà ai chơi, thấy thức ăn còn thừa bị vứt đi vào thùng rác, tôi luôn luôn nhớ mẹ. Tôi luôn nghĩ trong đầu: “Chà, giá mà ngày xưa lũ lợn của mẹ mà có mấy thứ này thì lớn nhanh phải biết!”.
Lúc chụp bức ảnh này, mẹ tôi vẫn còn đang khoẻ lắm. Nhưng chỉ 2 tháng sau, bà đau lưng nặng và không còn nuôi gà nữa, nên cũng chẳng thể ngồi thái rau. Tuy vậy, mẹ tôi là một người rất bản lĩnh và đầy ý chí, dù đau đến mức nằm liệt giường, bà vẫn cố gắng vận động, tự làm thuốc lá, làm đủ mọi cách để bây giờ đã có thể đi lại bình thường. Tôi tự hào vì có mẹ làm tấm gương để mình noi theo, dù hoàn cảnh thế nào cũng không hề gục ngã, và không phụ thuộc vào ai nếu mình vẫn còn có khả năng.
Biết ơn những ngày mẹ đang khoẻ mạnh, biết ơn nụ cười của bà luôn hiện hữu trên môi. Tôi biết ơn cuộc đời này đã cho tôi được làm con của mẹ.
Tác giả dự thi: Bùi Thúy Hằng (tỉnh Hòa Bình)
Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức. Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về: - Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. - Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt. - 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt. - 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt. - 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt. - 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây |