Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Tấm ảnh khiến tôi da diết nhớ "ông thầy"

27/08/2023 - 11:02

PNO - Có a, có b, tôi biết hai chữ đứng gần nhau là số ba, là ba roi, là ba bát cơm tôi phải ăn mỗi bữa... thêm dấu huyền là chữ bà.

Lướt mạng đã thành thói quen của tôi những khi rảnh rỗi, "lướt" vì những gì tôi thấy thường trôi tuột qua. Nhưng khi gặp tấm ảnh này, tôi đã dừng lại, rất lâu và như có sợi dây nào đó kéo tôi về quá khứ.

Trong ảnh, người mẹ đang cầm tay dạy con viết chữ, khi ấy hẳn là ban đêm, hai mẹ con ở vỉa hè dưới ánh đèn đường, trong hoàn cảnh không được thuận lợi nhưng cậu bé vẫn chăm chú đầy kiên nhẫn, và nét mặt người mẹ cũng thế. Nếu bỏ qua tất cả, chỉ nhìn hai mẹ con thôi, người xem hẳn sẽ mỉm cười cùng với rất nhiều hy vọng.

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Từ 11 tháng tuổi tôi đã về ở với ông bà ngoại. Ngày ấy dù nghèo khó trẻ con luôn được ở cạnh bố mẹ. Tôi là cháu, đứa cháu ngoại đầu tiên của ông bà, phải xa bố mẹ nên được cả làng thương chiều.

Theo lẽ thường, ông bà ngoại phải là người thương chiều tôi nhất, nhưng không, ông ngoại lại là người khó khăn nhất, ông sợ tôi được nuông chiều mà hư, tôi nghịch ngợm lỡ có chuyện gì thì ông "không đền bố mẹ mày được". Nên tôi đã rất ấm ức nghĩ ông ghét mình vì tôi và cậu gây chuyện thì cậu chỉ bị 3 roi còn tôi nhỏ hơn cậu 5 tuổi lại bị những 5 roi. 

Trẻ con rất nhanh quên, cũng có thể những roi vọt khi ấy của ông chỉ tổ… gãi ngứa nên tôi cứ chứng nào tật nấy, những trò nghịch ngợm ông cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Nhưng có một chuyện ông rất nghiêm túc dạy tôi và không dùng roi, đó là học lễ nghĩa và học chữ. Ông dạy tôi dùng hai tay khi nhận hay đưa ai thứ gì, ông dạy tôi khoanh tay, cúi đầu khi chào hỏi người lớn, khi cảm ơn và xin lỗi, nói gì cũng phải có từ "dạ" đứng đầu. Ông lấy mảnh gạch non viết mấy chữ a lên sân, ông dạy tôi đọc a, mỗi lần đi qua khoảnh sân ấy tôi lại thấy chữ a, và nhớ. Ông cầm tay tôi vẽ lên trời cách viết chữ a. Đến khi tôi nhớ mặt chữ, biết đưa ngón tay từ phải sang trái, từ trên xuống dưới thì ông viết thêm chữ b.

Có a, có b, tôi sẽ biết hai chữ đó đứng gần nhau là số ba, là thứ ba, là ba roi, là ba bát cơm tôi phải ăn mỗi bữa... thêm dấu huyền là chữ bà. Bà có bà nội, bà ngoại, bà nội sinh ra bố, bà ngoại sinh ra mẹ, không có bà thì không có bố mẹ, không có bố mẹ chắc chắn không có mình... nên con cái phải hiếu thảo, nghe lời ông bà, bố mẹ.

Mấy ngày ông dạy thêm một chữ, biết chữ nào tôi ghép vần luôn với chữ đó, ông còn có chiêu "khích tướng" đó là mới học a, b nhưng ông lại dạy tôi đánh vần bờ ô bô sắc bố và xin "nợ" chữ ô.

Ông "nợ" khá lâu mặc kệ tôi ngày nào cũng đòi, tôi đòi khi ghép cờ ô cô, tờ ô tô... đến ngày được ông "trả nợ" dạy cho chữ ô, tôi đã oà lên sung sướng như gặp người bạn cũ.

Tôi học chữ khá nhanh nhưng tập viết thì như đánh vật. Tôi biết cách viết chữ a, nhưng để “chỉ đạo” cây viết chì đi theo ý mình cho tròn, cho đúng ô li (do ông kẻ trên giấy xi măng) thật khó, thấy tôi mếu máo, ông ở sau lưng tôi, cúi người xuống, bàn tay to bè thô ráp của ông nắm trọn bàn tay tôi và cây bút chì bướng bỉnh, ông chỉ huy cả hai đứa kèm lời động viên lẫn khiêu khích: “Viết chữ còn dễ hơn chăn bò ấy chứ, mày chăn bò được mà không chăn chữ được à?”.

Nhờ ông, cây bút chì trở nên “dễ bảo” và trơn tru hơn. Khi ấy tôi không nhìn thấy nét mặt ông, không biết ông có khó chịu, cáu kỉnh hay buồn cười...

Ông đã thành mây trắng hơn 20 năm, tôi không có tấm ảnh nào của ông nhưng ông luôn ở cạnh tôi, khi tôi đọc viết chữ, hay cúi người chào hỏi. Nay nhìn nét mặt của người mẹ trong tấm ảnh, tôi nghĩ khi ấy ông tôi cũng như thế, cẩn thận, nhẹ nhàng, kiên trì và chắc chắn ông đã mỉm cười đầy hy vọng.

Tác giả dự thi: Nguyễn Thị Thanh Bình (TP Thủ Đức, TPHCM)

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.
- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI