Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Những nàng dâu tóc bạc

25/09/2023 - 06:37

PNO - Mẹ tôi ngồi bìa phải bức ảnh. Đây cũng là khoảnh khắc duy nhất 3 chị em bạn dâu chụp cùng nhau trong hơn 40 năm về “mái nhà chung".

Mẹ tôi là con dâu út của 1 chi nhỏ trong dòng họ Lê Văn ở làng Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bức ảnh này do em dâu tôi chụp mẹ và 2 chị em bạn dâu của bà vào năm 2010. Đây cũng là bức ảnh duy nhất 3 bà được chụp cùng nhau trong hơn 40 năm về “mái nhà” chung.

Mẹ tôi, ngồi bìa phải, ở giữa là bác dâu thứ haim bên trái là bác dâu thứ ba
Mẹ tôi ngồi bìa phải, ở giữa là bác dâu thứ 2, bên trái là bác dâu thứ 3

Ba tôi là bộ đội, 2 bác tôi thì một làm cán bộ cấp tỉnh, một bác là nông dân chính gốc.

Theo công việc, ba mẹ đưa chị em tôi rong ruổi từ Bắc, vào Nam, rồi định cư ở TPHCM năm 1997. Điều làm chúng tôi nhớ nhất những năm tháng ấu thơ là, dù nhà chị có 4 chị em, nhưng bao giờ ba mẹ tôi cũng nuôi thêm vài đứa cháu. Cháu bên chồng và cháu bên vợ.

Các anh chị xấp xỉ hoặc lớn hơn tuổi chúng tôi, thường ở cùng 3 - 5 năm để đi học, tìm việc làm, sau đó lấy vợ, lấy chồng, lập gia đình riêng. 

Ba tôi nói, ba “bất hiếu” không ở cạnh phụng dưỡng cha mẹ, cúng bái tổ tiên, gánh nặng ấy đè lên vài các bác, nên giúp các anh chị có việc học, việc làm để chăm lo gia đình ở quê. Đó cũng là nỗi niềm canh cánh của ông.

Khi vào Nam, ông nhận thấy vùng đất này khí hậu ôn hòa, con người thân thiện, nhìn cuộc sống dễ phát triển hơn nên ông gọi con cháu vào. Cứ vậy, nhiều lượt con cháu làng Xuân Thành năm xưa được ba mẹ tôi cưu mang.

Thông qua từng lượt đi về của các anh chị, ba tôi nói ông được giữ mối dây thân tình, ruột thịt. Mẹ tôi cũng vậy, nhắc chuyện quê, ông bà vui lắm. Bởi từ lúc xa quê năm 1976, ba mẹ tôi chỉ về được vài lần, khi thọ tang ông nội, lúc chịu tang bác cả… Bởi vì nhà tôi khi đó rất nghèo. Ba đi làm nông trường Minh Hải, mẹ làm cán bộ hội phụ nữ rồi cán bộ thuế ở Bạc Liêu, buông việc là họ phải nuôi cá, trồng rau… lo đàn con 4 đứa và các cháu ăn học.

Cũng may anh chị em tôi đều sáng dạ, học hành thành đạt lại ý thức chung tay hỗ trợ việc nhà nên cứ lần lượt đứa này lớn lên, đi làm lại quay lo cho đứa kế học tiếp.

Tháng 10/2010, giỗ ông nội, cô em dâu và cậu em trai tôi ngỏ ý sắp xếp đưa ba mẹ cùng 2 cháu đích tôn về Thanh Hóa. Vậy là mấy chị em trong nhà quyết định “đu theo”. Có thể nói đó là lần đầu tiên đại gia đình chúng tôi được về quê cùng nhau. Trong đó, tôi và các em phải hơn 30 năm mới được trở về làng quê yêu dấu. Nhìn ba mẹ thong thả đi dọc lũy tre làng, ngắm nhìn bờ ao, ruộng lúa, chào hỏi những người xung quanh, chúng tôi vui đến nghẹn ngào.

Cũng lần ấy, sau hơn 30 năm, 3 cụ bà chị em bạn dâu xấp xỉ tuổi 80 mới được ngồi cùng nhau làm chung món xôi nén Xuân Thành nổi tiếng.

Người chị dâu thứ hai (ngồi giữa bức hình) khẽ kéo tay mẹ tôi - cô dâu út (ngồi bìa phải) nói: “Thím này, tôi cảm ơn chú thím nhiều lắm vì có chú thím tạo điều kiện, các con em của họ chúng ta mới có thể vào thành phố ăn học, xin việc dễ dàng. Dễ có mấy người có tấm lòng như chú thím…”.

Còn nhớ khi đó, mẹ tôi thủng thẳng đáp lời: “Dạ, tại hồi xưa chung sống cùng một mái nhà, em và anh ấy cũng được các anh chị sẻ chia, đùm bọc. Bây giờ em còn nhớ cảm giác vui sướng hồi về nhà chồng, được chị mua cho chiếc chiếu mới để nằm. Mà nghĩ thật là hay, nhà mình có đến 4 con dâu mà không ai có một lời tranh cãi hay hờn giận gì chị nhỉ?”.

Bác gái tôi khẳng định: “Phải vậy chứ sao, việc gì chung sức cũng được nhiều hơn là "đánh lẻ" một mình thím nhỉ!”. Rồi các bà cụ ấy cùng cười, làm rung cả những mái đầu đã bạc trắng. Đám con cháu các bà nay đều thành đạt, mười mấy cử nhân, thạc sĩ…

Đó cũng là chuyến đi sau cùng của mẹ tôi về Thanh Hóa. Năm 2012 bà lâm cơn bạo bệnh; năm 2018, mẹ qua đời.

Trong chuyến đi lần ấy, mẹ tôi cũng thăm chị dâu , vợ anh trai ruột của bà.
Trong chuyến đi lần ấy, mẹ tôi cũng thăm chị dâu, vợ anh trai ruột của bà. Trong bức hình này, tôi ngồi giữa hàng sau cùng các chị con của cậu mợ.

Tiếc là, lần đó vì sức khỏe yếu, bác dâu cả không qua tham gia lễ giỗ được. Nhưng ba mẹ tôi cũng được con cháu đưa sang thăm bà. Triền đê bờ sông Hạnh Phúc ở làng Xuân Thành chiều ấy lồng lộng gió. Như bác dâu thứ hai, lưng bác dâu cả cũng đã còng hình chữ L. Tóc bác bạc phơ, nhưng gặp lại các em, nhắc bao kỷ niệm, vẫn cười vang xóm nhỏ.  

Sau chuyến đi về, giở album, tôi kể chuyện bức hình, em dâu tôi tiếc hùi hụi: “Biết vậy em sẽ chụp cho mẹ và các bác nhiều hình hơn. Bữa ra nhà bác cả, lật đật thế nào, chị em mình lại quên mang máy ảnh”. Thế nhưng, may mắn rằng chúng tôi còn giữ được tấm ảnh mẹ và 2 bác dâu tươi vui ở tuổi U80 ngày ấy. Thế là quý giá lắm rồi!

 

Tác giả dự thi: Lê Tú Phương (TPHCM)

 

 

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.
- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI