Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Người của 2 năm cũ, tìm ở đâu bây giờ?

16/08/2023 - 11:49

PNO - 2 năm không đủ để di chứng hậu COVID-19 lành lặn, nhưng cũng là lúc tôi cần tìm lại người đã cùng tôi vượt qua đại dịch thế kỷ XXI.

 

Thông qua bài dự thi Những bức ảnh trong đời, tôi hy vọng sẽ được gặp lại cô Thủy và anh nhân viên y tế tên Tùng
Thông qua bài dự thi Những bức ảnh trong đời, tôi hy vọng sẽ được gặp lại cô Thủy và anh nhân viên y tế tên Tùng

Tôi là một trong những bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng phải nhập viện cấp cứu 2 năm trước. Khi đó, TPHCM thực hiện chỉ thị giãn cách.

Ngày đầu nhập viện, tôi được bố trí ở khu tập thể rất nhiều bệnh nhân, ai cũng trùm mặt nạ hoặc ống thở để tiếp nhận oxy. Xung quanh tôi có vô số bình đựng oxy to lớn, cao ngang đầu. 

Tôi thấy mình như một con trâu được trói chặt vào chiếc giường bằng dây dẫn truyền không khí, thứ mà trong đời sống thường nhật tôi không nghĩ nó quý hiếm. Những nhân viên y tế cảnh báo tôi không được rời xa mặt nạ hay ống thở, dù chỉ là một phút. Vì chỉ cần cắt nguồn oxy, thiếu nó quá 60 giây thôi, cuộc đời của tôi sẽ kết thúc, do chỉ số SpO2 quá thấp.

Trong đêm đó và vài hôm sau nữa, tôi nhìn thấy có nhiều người ra đi lặng lẽ. Có hôm, khi tôi đang lui cui ngồi ăn sáng thì giường bên kia, những nhân viên y tế trùm áo và mặt nạ bảo hộ kín mít vội vã cuốn xác. Tới giờ, hình ảnh đó đối với tôi vẫn còn ám ảnh.

Chú thích ảnh: Khu nhập viện cấp cứu, dưới chân giường tôi bao giờ cũng có những bình oxy to như thế này. Mỗi ngày đêm, tôi dùng hết 2 bình oxy như thế

Dưới chân giường tôi bao giờ cũng có những bình oxy to như thế này. Mỗi ngày đêm, tôi dùng hết 2 bình oxy

Những ngày sau đó, tôi lần lượt được chuyển khu để có được điều kiện khám chữa tốt hơn. Khi tôi không thể tự đi, các nhân viên y tế đã đưa xe đẩy đến tận giường. Hình ảnh nhân viên y tế người đẩy xe, người ôm bình oxy đi theo phía sau tôi, nhớ lại sao mà thương quá đỗi.

Quãng đường từ khu này sang khu khác điều trị khoảng chừng trăm mét. Tôi đã tranh thủ ngó nghiêng, quan sát. Khi bất ngờ nghe được tiếng chim hót rộn vang trên tàng cây xanh ở giữa sân, tôi vỡ òa cảm xúc và khát khao sống bỗng dưng mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Tại khu mới, tôi ở chung với một cô lớn tuổi xấp xỉ bằng tuổi mẹ tôi. Cô nhập viện trước tôi, tình hình sức khỏe đã cải thiện hơn. Mỗi ngày, tôi và cô thường dậy sớm tập thể dục vào 4 giờ sáng. Những bệnh nhân COVID-19 bị trở nặng cơ thể bị tấn công rệu rã và rất khó ngủ. 

Tôi chỉ cô cách ngồi dậy vươn vai, xoay cổ tay, thòng chân xuống giường đòng đưa để các cơ không bị yếu. Tập xong trời vẫn chưa sáng, tôi lại bật điện thoại mở nhạc và tin tức thời sự cả cô và cháu nghe. Mỗi ngày, chúng tôi động viên nhau phải sống, cố vượt qua. Có hộp sữa hay miếng bánh nhỏ xíu, chúng tôi cũng chia nhau.

Những ngày tôi ở đấy, có anh nhân viên y tế tên Tùng hay xuất hiện. Anh giúp chúng tôi dọn dẹp vệ sinh và thi thoảng mang đến cho chúng tôi bánh, sữa. Hỏi ra mới biết, đây là khẩu phần anh có để bồi bổ sức khỏe do công việc nặng nhọc và độc hại nhưng anh đã nhường nó cho bệnh nhân, những người mà anh không biết, không thân.

Chú thích ảnh: Khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Covid-19, cô Thủy đã tình nguyện giúp tôi giặt áo và khăn mỗi ngày
Khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần của COVID-19, cô Thủy đã giúp tôi giặt áo và khăn mỗi ngày

Gần 3 tuần lễ điều trị COVID-19 ở bệnh viện, tôi nhận được nhiều tình cảm yêu thương của những người xa lạ. Từ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế đến các bệnh nhân. Cả đời này tôi không thể nào quên những ân tình này.

Tôi đã dùng điện thoại chụp lén 2 người trực tiếp giúp đỡ mình, nhưng không biết rõ họ tên, địa chỉ cư trú của họ ở đâu. Chỉ nhớ cô tên Thủy nhà ở Bình Tân, còn anh nhân viên y tế tốt bụng tên Tùng ở quận 8. Đã 2 năm sau đại dịch, cô và anh có khỏe không? Liệu có cách nào để chúng ta hội ngộ không?

Tác giả dự thi: Trương Quốc Phong (ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM)

 

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.
- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI