Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Một khi con về quê ngoại xưa

14/01/2024 - 17:37

PNO - Nó không ngờ, bộ hình đầu tiên này cũng là lần duy nhất nó được chụp cho ngoại, cũng là lần hiếm hoi trong đời ngoại được chụp hình.

 

Bức hình đầu tiên chụp bằng máy cơ của tôi
Bức hình trong bộ ảnh đầu tiên và cũng là duy nhất đứa cháu chụp ngoại

Một ngày hè của 27 năm trước, nó về thăm ngoại, đem theo cái máy ảnh mới mua từ tiền lương chắt chiu của me (cách gọi mẹ của một bộ phận người miền Trung) và mấy cuộn phim là từ tiền ăn trầu để dành của ngoại. Khi ấy, nó mới học chụp máy ảnh cơ. 

Nhìn quanh nhà, không thấy ngoại đâu, nó leo lên gác, đã thấy ngoại ngồi đó, trong căn gác cũ, với cái đi-văng trải chiếc chiếu  ưa nằm, nắng rọi qua khung cửa chỗ ngoại hay ngồi vá áo. Rổ kim chỉ đơm nút đặt trên sàn gác gỗ ghép bằng những cây gỗ to khá sần sùi vì mọt ăn, rổ trầu cau cũ kỹ đặt quánh vôi. 

Tất cả là vật dụng quen thuộc đó là của ngoại, chỉ quyển kinh là của me. Người ta tụng, ngoại nghe, nhớ được gì thì lặp lại theo đó. Ngoại chỉ nhớ trọn vẹn mấy câu Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam mô Quan thế Âm Bồ Tát. Ngoại không đọc được sách kinh. Ngoại không biết chữ.

Nó lên phim, chụp mấy tấm, để nhớ. Nó không ngờ, bộ hình đầu tiên này cũng là lần duy nhất nó được chụp cho ngoại, cũng là lần hiếm hoi trong đời ngoại được chụp hình.

Sau lần chụp ấy, lưng ngoại còng hẳn luôn rồi. Cái lưng cả một đời ngược xuôi quang gánh trên vai buôn bán khắp vùng Tiên Phước về Đại Lộc, Tam Kỳ (Quảng Nam) nuôi nấng cả đàn con thơ cuối cùng chỉ giữ được đứa con gái út. Cái vai của bao tháng ngày tất tả tháng gánh hàng đi bộ cả ngày trời, nhiều lần chân trần quảy quang gánh chạy giặc, có khi gánh cả con mình, mải miết đi qua bao đồi núi đồi mà chẳng biết ngày mai ra sao.

6 năm sau khi nó chụp hình, thì ngoại quảy quang gánh, gánh hàng đi một chuyến đi dài nhất đời mình. Ngày ngoại gánh chuyến đi dài như đất trời có con gái ngoại bên cạnh bịn rịn nắm lấy tay trước khi chia xa, mà không có thằng cháu ngoại thương yêu nhất. Nếu có điều gì làm nhoi nhói mỗi khi nhớ về ngoại trong suốt hơn 20 năm qua, thì đó là đám tang ngoại nó không về được, để đưa ngoại đi về quê lần cuối cùng, trong một mùa lễ Phật đản.

Me hay nói ngoại đã siêu thoát từ lâu rồi, cúng giỗ chỉ là cách để nhớ người thân, đơn giản vậy thôi. Dạ thì rứa, mà nó cũng phải viết ra mấy dòng cho lòng nhẹ.

Ngoảnh lại, 30 năm xa quê như giấc mộng, 21 năm xa ngoại nhanh như một giấc mơ tan. Chừng ấy năm miệt mài xa xứ, nó vẫn luôn nhớ câu ngoại dặn dò năm xưa khi xách vali lên tàu vô Sài Gòn trọ học, và nó giữ gìn như một trong những chiếc neo đối nhân xử thế cho mình giữa cuộc đời đầy thử thách, dập dềnh: “Vô trong nớ, lọa nước lọa céi, sống reng cho người toa họ thương, nghe con!” (Vào trong ấy, lạ nước lạ cái, sống sao cho người ta họ thương, nghe con).

Lê Minh Hạ (Bình Thạnh, TPHCM)

 

 

Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức.

Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt.

- 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt.

- 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt.

- 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt.

- 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. 

Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây


 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI