Bài dự thi Những bức ảnh trong đời: Mẹ, con gái và áo cóm

08/11/2023 - 10:16

PNO - “Áo cóm của người Thái mình đẹp quá, mà mẹ chưa có cơ hội chụp cái ảnh thật đẹp với nó. Mẹ rất muốn 2 mẹ con mình cùng chụp ảnh với áo cóm...".

Mùa hè năm nay, sau khóa học giáo dục quốc phòng của Học viện Ngoại giao khá căng thẳng, tôi trở về nhà. Mẹ đón tôi, xoa dịu và vỗ về như ngày thơ ấu. Ba mẹ về với nhau hai mươi mấy năm, vừa trồng rau, nuôi heo vừa thu mua tôm cá nhỏ lẻ quanh nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tròn đôi mươi, mẹ đã lấy chồng, rồi từ đó, ước mơ của mẹ là “con lớn lên biết nhiều chữ để không vất vả như mẹ”. 

Mùa hè, nước cạn, không có nhiều tôm, cá để mẹ mang ra chợ, mẹ lại lo. Một ngày, khi 2 mẹ con tranh thủ nhặt nhạnh những con tôm khô còn lại trong nhà để bán, bỗng nhiên mẹ nói với tôi: “Áo cóm của người Thái mình đẹp quá, mà mẹ chưa có cơ hội chụp cái ảnh thật đẹp với nó. Mẹ rất muốn 2 mẹ con mình cùng chụp ảnh với áo cóm, con ạ”.

Mẹ con tác giả trong trang phục cóm của dân tộc Thái. Nhìn ảnh, bạn có nghĩ mẹ tác giả là một bà nông dân thứ thiệt, chuyên nuôi heo, trồng rau không?
Mẹ con tác giả trong trang phục cóm của dân tộc Thái. Nhìn ảnh, bạn có nghĩ mẹ tác giả là một bà nông dân thứ thiệt, chuyên nuôi heo, trồng rau không?

Váy áo cóm của dân tộc Thái, hay còn gọi là “xỉn xửa cỏm”. Xưa, tự tay các bà, các mẹ, các chị dệt vải để rồi may ra những bộ váy áo cóm đặc sắc. Váy được sử dụng vải Thái tự dệt rồi nhuộm bằng lá tràm, cho một màu váy đen đặc trưng.

Váy may thành dạng ống, dài chấm gót chân, đôi khi được tô điểm bởi các họa tiết hoa lá bằng kim tuyến lấp lánh. Váy được mặc và giữ lại bằng thắt lưng màu xanh buộc ngang eo. Cái thắt lưng được gia công hết sức tỉ mẩn từ bàn tay của người phụ nữ và được làm từ vỏ một loại cây đay, có lẽ còn ít ai biết đến.

Áo cóm thường màu trắng, vàng, phần cổ áo hình trái tim trông đơn giản mà đầy quyến rũ. Điểm nhấn của áo là hàng cúc từ cổ áo đến hết thân áo được đính tay bằng những hạt cườm tròn trắng, có khi là một hàng cúc bạc hình con bướm. 2 phụ kiện quan trọng để tạo nên “cái hồn” của bộ váy áo cóm là xà tích (sợi dây trắng bằng kim loại mỏng trang sức cho chiếc váy đen, 2 đầu buộc vào đai thắt lưng) và khăn piêu.

Vì tính tiện dụng cao, váy áo cóm được phụ nữ Thái diện khi lên nương, ra ruộng, đi chợ và đặc biệt khi tham gia các lễ hội truyền thống, thậm chí được chọn làm trang phục mặc khi về nhà chồng.

Nghe mẹ kể, tôi cảm nhận được, váy áo cóm dù đã trải qua bao năm, qua bao thế hệ, vẫn luôn là linh hồn của dân tộc Thái. Hình ảnh những người phụ nữ mặc váy đen, xà tích buông chéo qua hông, áo ôm sát tôn lên đường cong thướt tha, quyến rũ, trên đầu đội chiếc khăn piêu đã trở thành “chuẩn mực” của nét đẹp dân tộc Thái. 

Ngày nay, trong làng có nhiều tiệm may trang phục cóm, còn có những kiểu váy áo cách tân nhiều màu sắc, nhiều loại vải khác nhau. Váy áo cóm xưa hay nay, tuy có đôi nét đổi khác nhưng vẫn đồng nhất ở vẻ đơn giản, mộc mạc mà duyên dáng.

Mẹ tôi giữ gìn rất cẩn thận trang phục cóm Thái, cất kỹ trong rương. Mẹ để dành cho ngày tết, lễ hội… nên áo của mẹ luôn mới tinh. Còn tôi, mỗi lần về nhà, đi đâu cũng chỉ dùng váy áo cóm. 

Tôi thực hiện ngay và luôn mong muốn của mẹ. 2 mẹ con cùng rộn ràng diện váy áo cóm. Tôi gọi anh thợ chụp ảnh chuyên nghiệp để 2 mẹ con có được những tấm ảnh “Mẹ, con gái và áo cóm” để đời. 

Lường Thanh Hường (Sơn La)

Tác phẩm tham gia cuộc thi Những bức ảnh trong đời vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. 

Xem thêm chi tiết về cuộc thi trên website: phunuonline.com.vn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI