Hè năm nay, chúng tôi đưa con về quê ngoại ở Cam Lộ, Quảng Trị. Nghe tiếng xe dừng, ba mẹ tôi chạy ùa ra cổng, ríu rít hỏi han. Sau màn chào hỏi, mẹ chỉ tay bảo vợ chồng tôi qua nhà hàng xóm cất đồ. “Mùa hè trời nóng, nhà mình lại đang sửa chữa, bên đó mát mẻ, chỗ ngủ nghỉ phù hợp và tiện nghi hơn” - mẹ tôi nói.
Vốn dĩ, đây là ngôi nhà của ông bà Giáo, nhưng từ ngày ông bà mất, không có ai ở, con cháu ở xa đã quyết định giao lại chìa khóa và quyền sử dụng ngôi nhà cho ba mẹ tôi.
Trên tường, gần ô cửa sổ trổ ra vườn, treo bức ảnh ố màu thời gian chụp bà Giáo đang đứng giữa sân. Mái tóc bạc phơ, ánh nhìn nheo nheo, nở nụ cười hiền hậu. Tôi còn nhớ hôm ấy, khí trời se lạnh, màu nắng mật ong vàng ruộm đang trùm kín lên khu vườn. Như mọi hôm, bà đang cặm cụi sau nhà nhưng khi nghe tôi cất tiếng gọi báo có người đến thăm, bà liền vừa nheo mắt vừa bước ra sân để nhìn cho rõ.
Người cháu từ xa trở về, lâu ngày gặp lại, tiện tay bấm máy chụp cho bà một tấm hình. Không ngờ, chính cú máy không sắp đặt hôm ấy lại là bức chân dung cuối cùng của bà còn sót lại cho đến ngày hôm nay.
|
Bức ảnh bà Giáo đứng trước sân, do một người cháu chụp cách đây hơn 10 năm. Bức ảnh hiện được treo cạnh cửa sổ ở căn nhà cũ, nhắc nhớ tác giả về những năm tháng được bà chăm lo, dạy dỗ |
Căn nhà xưa trải qua thời gian dài vắng bóng tay người chăm sóc đã hư hao, mất mát hầu hết đồ đạc, tài sản. Những tập ảnh gia đình mà bà từng tỉ mỉ giữ gìn cũng chỉ còn sót lại vỏn vẹn vài tấm, khép vừa chặt một khung hình treo tít lên tường cao.
Đã lâu rồi tôi mới lại được ngắm nhìn bà - người bà dù không họ hàng, ruột thịt nhưng lại thân thuộc, gắn bó cùng tôi suốt những năm tháng ấu thơ.
Gia đình bà Giáo có 4 người con đều lập nghiệp, sinh sống ở xa. Vì không thích cảnh xô bồ thành phố nên ông bà chọn đón tuổi xế chiều giữa tình làng nghĩa xóm.
Sau khi ông mất, bà Giáo qua nhà gặp ba mẹ tôi, “mướn” tôi sang ở hẳn cùng bà. Bà sẽ lo ăn, bao nuôi mọi chuyện học hành.
Tính bà Giáo rất tỉ mỉ. Tôi nhớ mãi đêm đầu tiên ngủ cùng, bà đã chỉ tôi cách gấp mền, tém mùng. Bà thao tác không nhanh, không chậm. Với bà, khi nào chiếc mùng màu xanh da trời được tém ngay ngắn, tạo thành 4 góc vuông vức theo 4 góc giường là xem như đạt yêu cầu.
Bà dạy tôi bất kỳ việc gì, dù nhỏ hay lớn, đều phải làm đến nơi đến chốn. Điều ta cần chú ý không phải là đánh giá từ bên ngoài mà chính là sự cẩn thận, lòng tự trọng của bản thân.
Từ chiếc giá treo áo quần, chỗ để dao thớt… bà Giáo luôn cất gọn gàng, đến nỗi dù đèn trong nhà có tắt thì khi cần vẫn có thể tìm thấy thứ mình cần. Làm việc cầu toàn, chỉn chu, nhưng đối đãi với bà con, chòm xóm, bà Giáo lại rất vô tư, từ tính. Hễ thấy ai ngặt nghèo khó khăn, bà đều hỗ trợ, cưu mang không phân biệt lý do hay hoàn cảnh.
|
Tác giả về lại căn nhà từng sống cùng bà Giáo - ngôi nhà có “thùng kẹo Thạch Sanh” hết vơi lại đầy bà thưởng cho tác giả mỗi khi học bài xong, làm được việc tốt |
Hồi ấy, trong số bạn cùng trang lứa, có rất nhiều đứa ghen tị khi nghe tôi kể về sự tích chiếc “thùng kẹo Thạch Sanh” của bà Giáo. Con cháu bà mỗi lần về thăm đều tặng bà thuốc bổ, miến, phở, kẹo bánh, sữa bột... Tất cả được bà cất vào chiếc thùng nhôm có nắp đậy chắc chắn. Chiếc thùng ấy cứ vơi rồi lại đầy.
Mỗi tối, sau khi học bài xong, tôi sẽ được bà thưởng cho 1 thanh kẹo sô cô la nhân đậu, vài chiếc bánh quy phô mai hoặc 1 ly sữa ấm. Nhờ sự ưu ái, chăm lo của bà, chỉ trong vài tháng, từ một cô bé đen nhẻm, gầy nhom, tóc tai xơ xác, tôi trở nên “có da có thịt”, trắng trẻo, xinh xắn. Ba mẹ tôi rất mừng.
Giờ trở về, được ngồi lại trong căn nhà ấu thơ xào xạc gió, trong tôi vẫn vẹn nguyên những cảm xúc và kỷ niệm. Tôi nhớ và mãi mãi biết ơn bà Giáo. Những điều ngọt ngào từng có với bà chính là “vốn liếng” giúp tôi vững bước hơn trên đường đời.
Tác giả dự thi: Hoàng Diệu Thông (TP Huế)
Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức. Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về: - Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. - Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt. - 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt. - 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt. - 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt. - 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ Nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây |