Cải thiện môi trường đầu tư TPHCM - một yêu cầu cấp thiết

Bài cuối: Xác định đúng hướng đi để tạo sự đột phá

11/06/2021 - 11:37

PNO - Loạt bài TPHCM cải thiện môi trường đầu tư - Một yêu cầu cấp thiết khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 26/5 đã thu hút sự quan tâm của độc giả, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia... Những ý kiến dưới đây sẽ khép lại loạt bài này.

 

Loạt bài nhiều kỳ về cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 18/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp về vấn đề này và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Bài 1: Xem nhà đầu tư là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất

Bài 2: Thủ tục định giá, cho thuê đất làm khó doanh nghiệp

Bài 3: Nhà đầu tư bất động sản nản lòng, Nhà nước thất thu

Bài 4: Doanh nghiệp "đốt đuốc" tìm vốn rẻ

Bài 5: Gỡ nút thắt cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Bài 6: Doanh nghiệp Việt vẫn “đứng bên lề” ngành công nghiệp hỗ trợ

Bài 7: Để TP. Thủ Đức trở thành “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư

Tiến sĩ Phạm Thị Bích Ngọc - chuyên gia kinh tế, Trường đại học Hoa Sen: 

Xem TPHCM như một “lõi phát triển”


 Phóng viên: Bài toán đặt ra cho TPHCM trong giai đoạn hiện nay là gì, thưa bà?

 Tiến sĩ Phạm Thị Bích Ngọc: Bài toán của TPHCM vẫn là hướng đi. TPHCM phải đi theo xu thế phát triển chung của cái gọi là “big city”, một thành phố lớn bắt đầu lan tỏa, hướng ra các thành phố vệ tinh xung quanh.

Trước đây, TPHCM đã đi đầu với lý thuyết phát triển “lót ổ cho nhà đầu tư” qua việc hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp đầu tiên, khu công nghệ cao, công viên phần mềm và đã thúc đẩy mạnh tăng trưởng. Việc tập trung cho hướng này đã tạo ra sức hút đối với nguồn nhân lực cả nước nhưng đồng thời cũng trở thành điểm nghẽn cho sự phát triển của TPHCM, đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng. Do vậy, hướng đi tiếp theo là nên đẩy dần các ngành công nghiệp ra các thành phố vệ tinh. Bài toán tổng thể là giải quyết chuỗi phát triển này: Đẩy sản xuất ra những vùng xung quanh để lõi trung tâm phát triển theo hướng xanh hơn, sáng tạo hơn.

Bên cạnh việc trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng cho toàn khu vực phía Nam, trung tâm tài chính, TPHCM nên đẩy mạnh những ngành dịch vụ không cần nhiều nhân lực mà chủ yếu sử dụng giải pháp công nghệ như mô hình của Silicon Valley (Mỹ). TPHCM nên có chiến lược để trở thành trung tâm giáo dục cho cả khối Đông Nam Á, nơi đào tạo và cung ứng nhân lực cao cấp cho khu vực. Từ đó, chúng ta sẽ lôi kéo được các doanh nghiệp, các trường đại học lớn trên thế giới đầu tư và TPHCM như là một cái “hub” (lõi phát triển) cung ứng giải pháp, tư vấn, đào tạo… Đưa ra cái nhìn như thế bởi tôi thấy hiện nay, thương hiệu của TPHCM để thu hút và định hướng các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài còn chưa rõ nét.

* Thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp là rào cản đối với việc thu hút đầu tư. Bà có thể đề xuất giải pháp tháo gỡ?

- Có một câu hỏi quan trọng là, các nhà hoạch định chính sách có thực sự muốn làm hay không? Ngay bên cạnh chúng ta, Singapore họ đã số hóa hết rồi. Chỉ cần học hỏi người ta và mời chuyên gia về để ứng dụng thôi. Người ta nói sự phát triển là đứng trên vai người khổng lồ mà. Ở góc nhìn của tôi, chừng nào khu vực công sử dụng được nguồn nhân lực cao cấp, tức là những người có năng lực cao tham gia được vào chuỗi ấy, dùng được giải pháp công nghệ và đưa được hệ thống đó đến người dân, mới giải quyết được các vướng mắc về thủ tục, nhũng nhiễu.

* Còn về dòng vốn đầu tư trong nước, theo bà, làm sao để nó cũng được luân chuyển tốt hơn khi doanh nghiệp chúng ta đang rất khó khăn do dịch bệnh?

- Việc giãn nợ, hỗ trợ lãi suất ngân hàng hay các gói kích cầu chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng là hiệu ứng lan tỏa. Khi giải bài toán để khơi thông đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì chúng ta phải đồng thời đề nghị họ kết nối với doanh nghiệp địa phương trong các hoạt động sản xuất, cung ứng và cả kinh doanh trên thị trường toàn cầu. Cái đó gọi là sự lan tỏa ngược. Đầu tư nước ngoài cần cộng hưởng cùng doanh nghiệp địa phương phát triển và qua đó, doanh nghiệp địa phương vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa học hỏi để cải thiện năng suất làm việc lẫn tư duy kinh doanh.

* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM:

Doanh nghiệp cần tăng cường phản ánh về sự chậm trễ

Hiện nay, vẫn còn một số thủ tục chưa được ứng dụng công nghệ thông tin một cách tốt nhất. Các bộ, ngành Trung ương cần có quy định về triển khai những phần mềm ứng dụng để khi có dữ liệu từ một doanh nghiệp đến đăng ký hoặc thao tác tra cứu thì những thông tin đó liên thông đến các sở, ngành, cơ quan quản lý địa phương như hải quan, thuế. Đồng thời, cần tập trung công khai, minh bạch cơ sở dữ liệu dùng chung. Các doanh nghiệp nên tăng cường phản ánh các hiện tượng chậm trễ, nhũng nhiễu cho các cơ quan giám sát qua kênh đường dây nóng của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.

Nam Anh (ghi)

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Cành (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM):

Tăng đầu tư công để thu hút FDI 

Chi đầu tư công giảm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và tốc độ tăng trưởng. Thực tế, tốc độ tăng thu hút vốn FDI và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM đang có xu hướng giảm. TPHCM có một thời gian dài tăng trưởng nóng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng kiểm soát chưa tốt khiến môi trường bị ô nhiễm ngày càng nhiều, cản trở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Mật độ dân cư lớn, cơ sở hạ tầng không được đầu tư đúng mức khiến hệ thống giao thông đô thị bị quá tải, ùn tắc, ngập lụt, làm tăng chi phí xã hội, giảm sức thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Đó là những nguyên nhân làm giảm tốc độ thu hút đầu tư. TPHCM đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế theo chiều sâu, hạn chế các dự án gây ô nhiễm môi trường, chọn lọc dự án công nghệ cao và sạch. 
Để thu hút đầu tư, TPHCM cần hoàn thiện công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế số, đặc biệt là quy hoạch phát triển ngành kinh tế gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phải có tính ổn định, tránh quy hoạch treo và cần công bố thông tin minh bạch cho các NĐT.

TPHCM cần thông qua phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật số để giảm chi phí vận chuyển, chi phí giao dịch cho NĐT. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, có thể đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức đầu tư hợp tác công tư để phát triển hạ tầng. TPHCM cũng cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn, được phân bổ ngân sách hợp lý trên tổng số thu để đầu tư phát triển, tái tạo nguồn thu. Thực tế những năm qua cho thấy, khi đầu tư công tăng, đầu tư tư nhân và FDI cũng tăng theo.

Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tạo ra lực kéo cho đầu tư tư nhân.
TPHCM cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, hoàn thiện chính quyền số, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số dịch vụ công; cần có chương trình phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; cần thay đổi công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với xu hướng dịch chuyển các luồng vốn đầu tư quốc tế; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tăng cường hoạt động marketing địa phương cả trong và ngoài nước. 

T.Hoa (ghi)

Phó giáo sư-tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:

Chọn chất chứ không chọn lượng

Thu hút đầu tư nước ngoài vào TPHCM có chậm lại, ngoài nguyên nhân chung, còn có nguyên nhân hạ tầng giao thông, môi trường đô thị yếu kém. Một yếu tố nữa là đất “sạch” cho khu công nghiệp đã hết. TPHCM đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất lúa, đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đô thị. Muốn như vậy, cần phải điều chỉnh một số quy hoạch nội bộ và cần đẩy nhanh tốc độ. Có đất “sạch”, mới thu hút được NĐT. 

Hiện TPHCM đang ưu tiên thu hút NĐT theo hướng công nghiệp công nghệ cao, tích hợp công nghệ 4.0, ít sử dụng lao động; ưu tiên NĐT có kết nối với doanh nghiệp trong nước tạo ra sự gắn bó với ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên dự án phát triển đô thị quy mô lớn (diện tích đất đầu tư từ 10ha trở lên)… 

Mới đây, UBND TPHCM đưa ra yêu cầu, khi các NĐT hết thời hạn hoạt động, thuê đất trong Khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận, phải có đổi mới về máy móc công nghệ, mới được gia hạn thuê đất... Việc ưu tiên này chắc chắn sẽ tạo kết quả không được như ý, thời gian đầu không tăng được về lượng NĐT, tức số dự án đầu tư sẽ tăng chậm lại nhưng ngược lại sẽ tăng về chất. Thời gian qua, FDI đầu tư vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nhiều nhưng sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa để giúp các thành phần kinh tế ở nước ta phát triển rất mờ nhạt, trong khi họ được ưu đãi đủ thứ về đất đai, môi trường, nguồn nhân lực giá rẻ.

Tôi cho rằng, TPHCM cần phải thu hút NĐT FDI xanh, sạch, chất lượng và có tính lan tỏa. Việc xét lại các NĐT là đang đi đúng hướng và TPHCM nên tiếp tục phát huy bởi hiện nay, thành phố đang rất đông dân, nếu vẫn thu hút NĐT dùng công nghệ cũ, sử dụng nhiều lao động thì lao động sẽ tăng, gây áp lực đến hạ tầng.  

Thanh Hoa (ghi)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI