Với 3 triệu người nhiễm và 4,8 triệu người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, những thiệt hại, những nỗi đau mà người Việt Nam phải gánh chịu là vô cùng to lớn. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) - đã trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Nhiều gia đình, dòng tộc không còn thế hệ kế tiếp
Phóng viên: Thưa thượng tướng, theo số liệu đã được công bố, Việt Nam có 3 triệu nạn nhân và 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC) nhưng chỉ có vài trăm ngàn người được hưởng chế độ, chính sách. Ông từng nói, trong diện hưởng chính sách, nạn nhân CĐDC là đối tượng còn nhiều vướng mắc nhất. Xin ông nói rõ hơn về những vướng mắc đó?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Vướng mắc thứ nhất là không đủ hồ sơ chứng nhận có tham gia kháng chiến và bị nhiễm CĐDC. Phần lớn cựu chiến binh còn thiếu loại giấy tờ, hồ sơ này.
|
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam |
Hai là, trong các loại bệnh được hưởng, tiểu đường týp 2 của người nhiễm CĐDC và người dân bình thường có những yếu tố khác nhau. Có một số bệnh khác như viêm dây thần kinh cấp tính thì người ta cho rằng bệnh đó chỉ diễn ra trong thời điểm anh đi viện thôi. Nói chung, vẫn còn những bệnh mà người ta chưa có căn cứ để kết luận là bệnh nhân có nhiễm CĐDC hay không.
Còn một điểm vướng mắc nữa là, bây giờ, khi thực hiện Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, đã có một số người ở một số địa phương không còn được hưởng chế độ dành cho nạn nhân CĐDC. Như ở tỉnh Thái Bình, có mấy ngàn người đang được hưởng chế độ nhưng khi thực hiện Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, họ bị loại ra.
Hội đã đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét, giải quyết chế độ đối với những người tham gia kháng chiến do không may mất giấy tờ, theo hướng phải đối xử công bằng, không bỏ sót những người có công với đất nước. Hội cũng đã kiến nghị nghiên cứu và công bố những vùng bị phơi nhiễm, những đơn vị tham gia trong chiến trường, những chiến trường đó bị phơi nhiễm, bị địch rải CĐDC nhiều lần. Đó là một trong những cách khoanh vùng đối tượng nhiễm CĐDC. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần, vì cùng một chiến trường, có một số người lại không bị nhiễm.
* Xin ông điểm lại các di họa mà CĐDC để lại cho những gia đình cựu chiến binh, trong đó có các đồng đội cũ của ông?
- Rất nhiều gia đình, dòng tộc không còn thế hệ kế tiếp. Trong số các đồng đội của tôi, nhiều gia đình không thể có con. Có gia đình có đến sáu người con cùng nhiễm CĐDC, tất cả đều không thể tự chăm sóc bản thân và không sống được lâu, hầu hết chỉ đến khoảng 30-40 tuổi. Những trường hợp như thế nhiều lắm.
|
Một nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai ở H.Thanh Miện, tỉnh Hải Dương |
* Số người được hưởng chính sách hỗ trợ còn quá ít so với số bị nhiễm, bị ảnh hưởng của CĐDC. Vậy, phải làm sao để họ cũng nhận được sự hỗ trợ, thưa ông?
- Tôi cho rằng, một là, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông, để cả xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hai là, với những cựu chiến binh bị ảnh hưởng, bị phơi nhiễm CĐDC, cần phải giải quyết chế độ, chính sách thật tốt. Ba là, cần đặc biệt xem xét hỗ trợ đối với những gia đình có nhiều con cùng bị nhiễm CĐDC. Bốn là, với những người chưa có kết luận nhiễm CĐDC nhưng thực tế lại mắc những bệnh liên quan thì cần phải giải quyết. Ví dụ như, những cựu binh ung thư đâu sống được bao lâu nữa mà yêu cầu người ta phải có đủ hồ sơ, giấy tờ? Còn những trường hợp đang được hưởng chế độ mà bị cắt thì cần phải giám định lại cho người ta, xem người ta có đủ tiêu chuẩn không, xem con cái người ta có chịu hậu quả của CĐDC không. Đó là những vấn đề rất cụ thể.
Hiện có khoảng 300.000 cựu chiến binh và gần 100.000 người con là nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ trợ cấp, số còn lại bị mất giấy tờ hoặc không chứng minh được bệnh tật. Ngoài cựu chiến binh, còn một số lượng lớn nạn nhân CĐDC là thường dân bị phơi nhiễm, phần lớn là người dân ở phía Nam; số người này mới đây đã được trợ cấp, khoảng 3 triệu đồng/tháng, là tiền trợ cấp xã hội chứ không phải như diện chính sách, có công.
Dioxin gây ô nhiễm nguồn nước
* Thưa ông, với những vùng đất và môi trường bị nhiễm CĐDC, việc xử lý ô nhiễm gặp những khó khăn gì?
- Hiện nay, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp để dioxin không khuếch tán ra môi trường. Người ta đào hố rộng cỡ sân vận động, sâu khoảng 2-3m, dưới đáy và xung quanh lót một lớp nhựa, sau khi đổ đất ô nhiễm xuống thì phủ lên một lớp nhựa nữa, sau đó đổ bê tông. Hố chôn lấp này giống như cái kho chứa đất nhiễm dioxin. Nhưng trước khi được chôn lấp, trong mấy chục năm, chất độc đã ảnh hưởng đến lớp trầm tích rồi.
Bên cạnh đó, cũng có những vùng đất bị nhiễm dioxin được xử lý theo công nghệ của Mỹ (như ở sân bay Đà Nẵng). Sau khi xử lý, đất được san lấp trở lại và có thể canh tác được. Công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin của Mỹ là đào đất ô nhiễm lên, gom lại rồi dùng điện làm nóng đất để thu dioxin ở dạng bốc hơi. Cách làm này không thể áp dụng ở vùng đầm lầy, nước đọng. Ở các vùng đầm, ao, hồ, chất độc dioxin đã lắng xuống lớp trầm tích, làm ô nhiễm đến 4m chiều sâu. Do đó, để xử lý triệt để là rất khó. Nếu muốn xử lý triệt để, phải rút hết nước trong hồ, sau đó vét lớp bùn của hồ và sử dụng công nghệ làm sạch đất như đã làm ở sân bay Đà Nẵng.
* Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất của Mỹ đã đền bù cho lính Mỹ nhiễm CĐDC khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Thế nhưng, việc đền bù thiệt hại cho những nạn nhân nhiễm CĐDC ở Việt Nam chưa được thực hiện. Mỹ mới hỗ trợ 20 triệu USD. Ông có thể nói rõ về khoản tiền này?
- Nói rõ đó không phải là đền bù thiệt hại mà là để xây dựng các trung tâm phục hồi chức năng, trợ cấp cho nạn nhân ở tám tỉnh. Hiện phía Mỹ đã sử dụng hết 20 triệu USD và sẽ triển khai hơn 30 triệu USD nữa trong năm 2021. Trong tháng Giêng vừa qua, Mỹ đã cam kết hỗ trợ 65 triệu USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại cho mục đích này.
Uông Ngọc (thực hiện)