Hậu trường làm sách: 1001 chuyện chưa kể H

Bài cuối: Những giá trị trở về

20/07/2021 - 15:22

PNO - Có những cuốn sách, nguồn tư liệu quý nằm yên lặng trăm năm ở các thư viện, cửa hiệu sách cũ cách Việt Nam nửa vòng trái đất, “lưu lạc” qua những gánh ve chai, và tình cờ được nhà nghiên cứu tìm thấy. Câu chuyện trở về của những cuốn sách cũ đôi khi là một hành trình thật sự rung động…

LTS: Một cuốn sách đến tay bạn đọc có thể là cả một hành trình dài của những người làm sách trong cuộc tìm kiếm bản thảo, thương thuyết bản quyền. Những cuộc “đấu giá” căng thẳng, phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài; có khi mất hàng năm ròng để thuyết phục tác giả đồng ý in sách, rồi bị “phỗng tay trên” đối với tác phẩm ăn khách… Thậm chí, có những cuốn sách mà bản thảo gốc lưu lạc trăm năm từ nửa vòng trái đất, cuộc tìm kiếm để mang được những giá trị trở về với độc giả hôm nay là cả một hành trình không hề dễ dàng. Đằng sau những cuốn sách, là 1.001 những chuyện chưa kể của người làm sách… 

Bài 1: Gian nan cuộc "săn" bản quyền

Bài 2: Làm sách thời dịch bệnh

“Một vòng trái đất” tìm bản gốc

Khi cầm trên tay ấn phẩm tái bản mới nhất Nam nữ bình quyền của giáo sư Đặng Văn Bảy (Hoành Sơn, 1903-1983, Nhà xuất bản Phụ Nữ), người viết vô cùng xúc động. Tác phẩm gốc đã lưu lạc gần trăm năm ở xứ người, dưới dạng microfilm và nằm lặng yên ở Thư viện Quốc gia François Mitterrand (Pháp), cho đến khi được tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tìm thấy. Nhờ sự ủy thác của gia đình giáo sư Đặng Văn Bảy và mảnh giấy ghi mã số giống như ký hiệu thư viện của cuốn sách, tiến sĩ Lê Thị Minh Lý đi tìm trong hy vọng mong manh ở các cửa hiệu sách cũ trên phố Tolbiac (quận 13, Paris). Cho đến sát giờ phải bay về Việt Nam mới may mắn tìm thấy được những bản microfilm của cuốn sách, trên đó có dòng chữ viết tay “Sai gon 22/10/1928”…

“Tôi đọc mải miết và ghi chép, hình ảnh tác giả hiện lên trên từng trang sách, một nhà giáo trẻ trí tuệ, đang trăn trở với vận mệnh đất nước, với thân phận của mỗi cuộc đời. Nam nữ bình quyền đã vẽ nên một bức tranh sinh động về đời sống, về văn hóa và các mối quan hệ xã hội đầu thế kỷ XX” - chia sẻ của tiến sĩ Lê Thị Minh Lý trong bài viết Tác phẩm nam nữ bình quyền từ góc nhìn di sản văn hóa, in trong tập sách tái bản.

Nam nữ bình quyền được xem là cuốn sách đầu tiên viết về vấn đề bình đẳng nam nữ tại Việt Nam. Sách được in lần đầu tại nhà in Tam - Thanh (Đa Kao, Sài Gòn) vào năm 1928, trong bối cảnh vấn đề nữ quyền còn đang được tranh luận trên khắp các diễn đàn báo chí quốc ngữ lúc bấy giờ. Tác phẩm mang tư tưởng cách tân, cất tiếng nói mạnh mẽ về những vấn đề bình đẳng nam nữ này, ngay sau đó bị thực dân Pháp cấm phát hành. Suốt gần một thế kỷ, không ai biết bản gốc cuốn sách này còn được lưu giữ ở đâu, lưu lạc phương nào. 

Một trong những tác phẩm cũng từng bị thực dân Pháp thu hồi, tiêu hủy là tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt của tác giả Lê Hoằng Mưu. Biết tác phẩm từng in trên báo Nông cổ mín đàm (1912), phó giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Nhơn đã tìm khắp các thư viện trong nước, nhưng các số báo không đầy đủ. Cuối cùng, những người nghiên cứu đã tìm thấy phần đầu của Hà Hương phong nguyệt ở Thư viện Quốc gia Pháp. 

30 năm đầu thế kỷ XX là một giai đoạn đặc biệt của văn học, văn hóa Việt Nam. Rất nhiều công trình biên khảo, nghiên cứu văn học, văn hóa sau này dựa vào nguồn tư liệu của báo chí lúc bấy giờ. Ở các thư viện trong nước hiện có khá nhiều đầu báo quốc ngữ, nhưng cũng có không ít đầu báo/số báo hoàn toàn không còn được lưu trữ. Độc giả hôm nay có thể dễ dàng cầm trên tay những ấn bản sách rất đẹp, đầy đủ nội dung, giấy trắng tinh tươm. Nhưng cuộc trở về của những giá trị cũ có khi là cả một hành trình dài tìm kiếm không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu, nhà làm sách tâm huyết.

Tìm Việt Nam trong nguồn tư liệu Pháp ngữ

Nổi bật trong dòng sách của Omega Plus Books trong những năm gần đây có các tác phẩm thuộc tủ sách Pháp ngữ mà đơn vị này, phải nói là có công đầu khai phá. Tựa sách đầu tiên ra mắt Xứ Đông Dương. Cuốn sách này được nhà sử học Chương Thâu giới thiệu đến anh Nguyễn Cảnh Bình, người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Omega Plus. Đến giờ, tủ sách Pháp ngữ đã kết thúc giai đoạn 1, với 16 tựa, cung cấp rất nhiều tư liệu mới về văn hóa - lịch sử Việt Nam từ góc nhìn của người ngoại quốc: Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam, Hội kín xứ An Nam, Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV, Một chiến dịch ở Bắc kỳ…

Không chỉ có những bản dịch tiếng Việt, mà những bản sách gốc quý hiếm cũng đã được các nhà làm sách tìm thấy. Trong phiên đấu giá sách quý hiếm mới đây, Đông A giới thiệu đến bạn yêu sách những bản sách có tuổi đời gần hoặc hơn 100 năm trước: Ở Bắc kỳ 1883-1885, Một chiến dịch ở Bắc kỳ Các loài chim xứ Đông Dương. Những trang sách xưa cũ, giấy ố vàng đã trở thành những ấn bản đặc biệt ý nghĩa đối với các nhà sưu tập. 

Nam kỳ nhựt trình đã được tìm thấy
Nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy mất rất nhiều năm mới có thể hoàn thành công trình nghiên cứu Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Trẻ). Lý do là trong số bốn đầu báo quốc ngữ mà ông cần khảo sát, thiếu mất tư liệu của tờ Nam kỳ (hay còn gọi là Nam kỳ nhựt trình, 1897 - 1900). 

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, tờ báo này hoàn toàn không có trong hệ thống thư khố trong nước lẫn ngoài nước. Kiên nhẫn tìm kiếm suốt nhiều năm từ nguồn sách báo cũ “lưu lạc trong dân gian”, cuối cùng nhà nghiên cứu cũng đã có được một nửa số báo Nam kỳ, với khoảng 60 tờ (gồm ba số đầu tiên và 57 số cuối cùng). Nhờ vậy mà ông đã dựng lên được một diện mạo khá đầy đủ của bốn tờ báo được xuất bản ở Sài Gòn, trong buổi đầu của báo chí quốc ngữ (bên cạnh Gia Định báo, Thông loại khóa trình và Phan Yên báo). 

Để có được những bản sách quý như vậy là hành trình tìm kiếm suốt hơn 10 năm của anh Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đông A. Từ năm 2008 đến nay, gần như năm nào anh cũng sang châu Âu để tìm hiểu về việc làm sách, cũng như sưu tầm các bản sách quý. Có cuốn được bạn đọc, các nhà sưu tầm giới thiệu rồi đi khắp nơi tìm mua. Có cuốn tình cờ bắt gặp khi lang thang ở một hiệu sách cổ ở Paris, hoặc tham gia hội sách nhỏ ở Bỉ dành cho các nghệ nhân đóng sách. “Cảm giác thật xúc động khi đang ở đất nước xa lạ, lại bắt gặp một cuốn sách viết về quê hương, xứ sở mình thời đã qua. Đặc biệt, đó lại là những tác phẩm đã ra đời từ cách đây cả trăm năm, chứa đựng nhiều tư liệu và hình ảnh giá trị, không dễ gì tìm thấy” - anh Trần Đại Thắng chia sẻ.

Theo các nhà làm sách, nguồn tư liệu Pháp ngữ viết về Việt Nam và Đông Dương hiện nay vẫn còn rất nhiều, rất phong phú. Omega Plus, Đông A, Nhã Nam đều đã “vào cuộc” khai thác. “Sự đón nhận mạnh mẽ bất ngờ từ người đọc giúp chúng tôi nhận ra, đã đến thời điểm cần xuất bản sách về lịch sử, cũng như các tri thức nền tảng khác một cách bài bản, hệ thống. Chúng tôi cũng tìm hiểu và lựa chọn thêm ở các nguồn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện số Gallica, Viện Viễn Đông Bác cổ… Tủ sách Pháp ngữ thời kỳ đầu chủ yếu tập trung vào lịch sử Việt Nam thời kỳ Đông Dương, phần lớn là những ấn phẩm hết bảo hộ bản quyền và có thể tự do khai thác” - bà Trần Hoài Phương - Giám đốc sản xuất, Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam - cho biết. Hiện tủ sách Pháp ngữ của Omega Plus đã bước sang giai đoạn thứ hai, theo chia sẻ của đơn vị là sẽ hướng tới những góc khuất và các thời đoạn khác của lịch sử chưa được khai thác nhiều. 

Những cuốn sách “lưu lạc” trăm năm đã được tìm thấy, trở về với bạn đọc Việt Nam
Những cuốn sách “lưu lạc” trăm năm đã được tìm thấy, trở về với bạn đọc Việt Nam

Việc cùng nhau tìm kiếm tư liệu, chuyển ngữ, phát hành các tựa sách hay về Việt Nam qua góc nhìn của người nước ngoài là điều rất đáng quý. Nhưng thời gian qua đã có trường hợp các nhà làm sách “giẫm chân nhau” khi cùng lúc ba đơn vị phát hành một tựa sách. Theo tâm tư của một nhà làm sách, mỗi đơn vị nên có định hướng và đặc thù riêng để tránh trùng nhau trong việc khai thác nguồn tư liệu Pháp ngữ trong thời gian tới. Đó có lẽ cũng là điều cần thiết, và như vậy, chính độc giả sẽ là người hưởng lợi. 

Lục Diệp

 

 

 
 
 
 
 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI