Đến với biển đảo Tây Nam để tình quân dân thêm gắn bó

Bài cuối: Những chuyến hải trình yêu thương thầm lặng

13/12/2024 - 06:20

PNO - Nhiều năm qua, những hải trình yêu thương từ thành phố mang tên Bác đến với quân dân vùng biển đảo Tây Nam và nhà giàn DK1/10 đều đặn khởi hành. Trong những chuyến đi ấy, ngoài chuyện động viên, thăm hỏi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM còn mang theo những công trình như một sự tiếp sức và kết nối nghĩa tình.

Mang đi hơi ấm hậu phương

Đến trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau), dạo quanh đơn vị, thấy không ít món quà thân thương mà đoàn đại biểu TPHCM đã tặng trong những lần thăm trước. Đáng mừng là các công trình, phần quà đều hữu dụng cho cuộc sống của anh em chiến sĩ. Chẳng hạn như vườn rau có mái che cung cấp thêm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày.

Lần này, trên tàu KN 290 ra đảo, TPHCM tiếp tục mang theo “hơi ấm” từ đất liền. Để “hơi ấm” ấy thực sự có giá trị thiết thực, trước chuyến đi, đoàn đã khảo sát điều kiện thực tế của các đơn vị rồi mới lựa chọn quà. Theo đó, ngoài máy lọc nước RO, vườn rau mái che, các công trình sinh hoạt, học tập, huấn luyện, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên tàu còn có những món quà thắm đượm nghĩa tình hậu phương - tiền tuyến.

Đoàn đại biểu TPHCM bàn giao máy lọc nước cho các chiến sĩ trên đảo Nam Du
Đoàn đại biểu TPHCM bàn giao máy lọc nước cho các chiến sĩ trên đảo Nam Du

Đó là những chiếc bánh bao, bánh phu thê, bánh giò... được các đại biểu làm ngay trên tàu. Khuya hôm đó, lúc đồng hồ sắp sang ngày mới, đại biểu Lê Huỳnh Châu - giáo viên nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM, phụ trách lớp dạy làm bánh trên tàu - vẫn lục đục lo cho những mẻ bánh bao vừa mới ra lò. Thầy Châu nói những lớp dạy làm bánh “dã chiến” trên tàu cho anh nhiều cảm xúc. Đây là lần đầu tiên anh hướng dẫn làm bánh giữa biển khơi. Có những vụng về, bỡ ngỡ từ nhóm học trò bất đắc dĩ, nhưng sự mới mẻ, mộc mạc ấy lại tạo nên nhiều tiếng cười, gắn kết các đại biểu và anh em chiến sĩ trên tàu gần nhau hơn.

Trong khi nồi bánh giò đang đỏ lửa thì ở gian gần đó, các đại biểu đang chăm chút cho từng tấm thiệp, vẽ từng chiếc túi vải, tô màu cho những bức tranh để sớm hôm sau mang tặng chiến sĩ ở từng điểm đảo. Hành trình có rất nhiều hoạt động. Dù mệt nhưng các đại biểu đều cảm thấy vui vì được góp phần cho thành công của chuyến hải trình ý nghĩa.

32 năm sống trên xã đảo Thổ Châu (tỉnh Kiên Giang), ông Lê Trường Giang - 70 tuổi - xúc động khi nhiều năm qua, bà con, chiến sĩ trên đảo nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan, đơn vị, trong đó có đoàn đại biểu từ TPHCM.

Ông Giang cho biết ngày mới ra đảo, khó khăn chồng chất nên nhiều bà con không trụ được. Khoảng 5-6 năm nay, nhờ Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nên không gian sống có phần khang trang và sạch đẹp hơn. “Đời sống bà con dù còn nhiều khó khăn, vì chuyện làm ăn không phải ai cũng thành công, nhưng nhận được sự quan tâm, thật tâm thấy ấm lòng. Được quan tâm, động viên, bà con sẽ ở lại bám đảo, giữ đảo, từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên” - ông Giang nói.

Trở về với tình yêu lớn

Trên chuyến công tác đến với biển đảo Tây Nam 2024, hơn 160 đại biểu TPHCM đã có những ngày “sống khác”: tạm xa rời cuộc sống phố thị với công việc thân quen để vào vai những họa sĩ, diễn viên múa, hát, thí sinh của các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, làm phụ bếp, nấu ăn... để hòa nhập với cuộc sống trên tàu. Hành trình không hề thảnh thơi nhưng đong đầy niềm vui, kỷ niệm và thật đáng nhớ.

Thầy Lê Huỳnh Châu dạy làm bánh trên tàu
Thầy Lê Huỳnh Châu dạy làm bánh trên tàu

Trở về sau chuyến đi, anh Nguyễn Nhật Bằng - Phó bí thư Đoàn Trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM - cảm thấy tự hào vì được là “mảnh ghép” của hải trình yêu thương. “Chuyến đi thực sự để lại trong tôi quá nhiều cảm xúc. Tôi xúc động, tự hào trào dâng khi lần đầu được đặt chân lên những hòn đảo xa xôi và nhà giàn DK1/10. Sự gian khổ và tinh thần bền bỉ vượt qua của các chiến sĩ, của bà con nhân dân trên đảo là bài học quý giá để khi trở về với công việc, học tập mình sẽ phải nỗ lực nhiều hơn. Trách nhiệm của mỗi người sau chuyến đi còn là lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương, đất nước” - anh Bằng nói.

Nhiều đại biểu cũng trở về với một trái tim lớn. Họ vững tin hơn khi biết rằng, nơi biển đảo linh thiêng của Tổ quốc, các chiến sĩ vẫn ngày đêm, từng phút từng giây canh giữ biển trời. Mọi người, ai cũng ý thức và trân trọng những gì mình đang có để sống trách nhiệm hơn.

Trong chuyến đi lần này, Thành đoàn TPHCM được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động trên tàu và ở mỗi điểm đến. Chiếm 1/3 trong tổng số đại biểu là các bạn trẻ. Sự năng nổ và bao quát trong các hoạt động cho thấy sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của các bạn. Chị Trần Thu Hà - Phó bí thư Thành đoàn TPHCM - cảm thấy vinh dự khi tuổi trẻ thành phố được tham gia chuyến hải trình.

Từ chuyến đi với những trải nghiệm đáng quý, chị hy vọng mỗi đại biểu trở về sẽ truyền động lực cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thành phố, nỗ lực phấn đấu, làm tốt nhất trong từng vai trò, nhiệm vụ, để trở thành hậu phương vững chắc.

Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu - cho rằng, chuyến hành trình về với biển đảo vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện nghĩa tình sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với tinh thần là của cả nước, cùng cả nước và vì cả nước. Ông tin, TPHCM mang ra hơi ấm nghĩa tình và mang về niềm tin sâu sắc vào bộ đội hải quân Việt Nam, các lực lượng vũ trang và các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI