Phụ huynh mong trường nghĩ đến người học
Những mâu thuẫn cũ về học phí online chưa kịp lắng xuống thì nhiều trường quốc tế thông báo mức học phí cho năm học mới 2021-2022. Dĩ nhiên, sự điều chỉnh luôn theo hướng tăng theo lộ trình. Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) đưa ra mức học phí năm học 2021-2022 cao nhất là 821 triệu đồng/năm, cao hơn 45 triệu đồng so với năm ngoái cho cùng khối lớp.
Còn Trường Quốc tế Mỹ (TAS) xác định học phí của khối cao nhất tăng từ 632 triệu lên 656 triệu đồng. Cụ thể, năm học 2021-2022, lớp Một - Ba học phí hơn 480 triệu đồng/năm, lớp Bốn - Năm khoảng 490 triệu đồng/năm, cấp THCS và THPT dao động 546 - 656 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng phí tuyển sinh, phí nhập học.
Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) có mức học phí tiểu học dao động trên dưới 570 triệu đồng/năm, tăng khoảng 25 triệu đồng. Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn có mức học phí cao nhất của lớp Năm tăng từ 503 triệu lên 528 triệu đồng cho năm học mới 2021-2022, lớp Một từ 444 lên 466 triệu đồng… Trường Quốc tế Úc (AIS) có mức học phí khối 12 là 699 triệu đồng/năm, tăng 53 triệu đồng so với năm học vừa kết thúc.
|
Giáo viên dạy online trong mùa dịch - ảnh: Thanh Thanh |
Tương tự, Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) công bố học phí năm học 2021-2022 từ lớp Một - 12 từ 185 - 462 triệu đồng/năm. Đối với chương trình Cambridge quốc tế toàn phần, mức cao nhất là ở khối 12 với gần 497 triệu đồng/năm, tăng 52 triệu đồng so với năm trước. Trường Quốc tế Á Châu cũng thông báo học phí năm học 2021-2022 từ lớp Một - Năm tăng 15%, lớp Sáu - Bảy tăng 14%, lớp Tám tăng 13%, lớp Chín tăng 12%, lớp 10 - 12 tăng 11%.
Làm một cuộc khảo sát nhỏ dễ thấy rằng, hầu hết các trường ngoài công lập đều tăng học phí từ 5-20% hoặc giữ nguyên mức học phí trước mùa dịch. Đang dịch đã khó khăn nhưng chưa thấy trường nào thông báo sẽ giảm học phí. Nhiều phụ huynh đã lên tiếng về việc nhà trường không đặt mục tiêu sẻ chia khó khăn với phụ huynh trong thời điểm này.
Một số phụ huynh Trường Quốc tế Á Châu cho rằng, trong thời điểm khó khăn chung, phụ huynh sẽ không đòi hỏi trường phải đầu tư thêm cơ sở vật chất hay tăng chất lượng, chương trình vì hiểu rằng trường cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Vì vậy, phụ huynh mong trường tạm dừng tăng học phí hoặc tăng với tỷ lệ thấp. Khi dịch bệnh qua đi, nhà trường có thể tiếp tục lộ trình tăng học phí của mình sẽ hợp lý hơn, phụ huynh sẽ tiếp tục cùng đồng hành.
Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường Quốc tế Á Châu, cho biết: Trong các trường quốc tế, Trường Quốc tế Á Châu có mức học phí rất thấp. Hằng năm, trường đều đầu tư rất nhiều để duy trì tiêu chuẩn trường quốc tế theo tiêu chí kiểm định của các tổ chức giáo dục uy tín thế giới, phát triển các hoạt động, tiện ích phục vụ chăm sóc học sinh, nâng cao chất lượng dạy - học... Thay vì phải điều chỉnh học phí một lần, trường đã cố gắng chia nhỏ, thực hiện điều chỉnh dần qua từng năm để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho phụ huynh.
Cũng theo ông Tư, năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến, học sinh phải học trực tuyến, trường rất khó khăn, nhưng vẫn cố gắng hết sức vừa đầu tư rất nhiều về công nghệ, hạ tầng và đội ngũ để triển khai hình thức dạy học trên internet mà vẫn miễn 100% học phí cũng như không thu bất cứ khoản phí dịch vụ nào khác để hỗ trợ phụ huynh. Trong khi đó, hầu hết các trường khác đều thu học phí online. Trường cũng tăng thêm nhiều hình thức hỗ trợ phụ huynh như giảm học phí khi đóng tiền nguyên năm, học sinh chuyển cấp, những trường hợp có nhiều con học ở trường... Các trường buộc phải hướng đến người học, đồng hành cùng phụ huynh vượt qua khó khăn. Mong phụ huynh hiểu và chia sẻ cùng nhà trường.
Phải đặt lợi ích của người học lên cao nhất
Câu chuyện học phí vốn rất nhạy cảm, nhất là vào thời điểm này. Chúng ta không thể chủ quan yêu cầu các trường phải thắt lưng buộc bụng để miễn giảm học phí bất chấp những điều kiện khách quan. Phụ huynh cũng cần sòng phẳng với những nhà đầu tư giáo dục, các thầy cô đang cố gắng dạy học trong khi gia đình họ chắc chắn cũng nằm trong guồng xoáy khó khăn của đại dịch. Vấn đề là nhà trường phải có trách nhiệm chứng minh cho người học thấy sự tăng giá dịch vụ là xứng đáng với giá trị nhận lại.
|
Học phí trường tư cần đặt trên sự chia sẻ để hành xử - Ảnh minh hoạ |
Đại diện các trường khẳng định việc tăng học phí mỗi năm nằm trong lộ trình phát triển của nhà trường, dùng để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng chương trình, giáo viên. Lộ trình và tỷ lệ điều chỉnh thường đã thống nhất với phụ huynh trước khi nhận học sinh vào trường. Nói đơn giản hơn là học phí tăng là để đầu tư cho người học thụ hưởng qua từng năm.
Nói thì dễ nhưng rõ ràng một chuyện đơn giản và cấp thiết nhất trong mùa dịch là duy trì chất lượng dạy học vẫn không như kỳ vọng. Đó là khi lợi thế về dạy học trải nghiệm không còn, việc dạy online cũng không thực sự hiệu quả.
Anh H.N., phụ huynh lớp Năm Trường dân lập Quốc tế Việt Úc, thẳng thắn: “Tôi hiểu giai đoạn này tất cả đều khó khăn nên phải chia sẻ. Phụ huynh cho con học trường quốc tế, trường tư thục vì con được nhiều hoạt động trải nghiệm, kỹ năng, được chăm chút hơn ở trường công. Khi dịch xảy ra, tôi không đòi hỏi phải giảm học phí, chấp nhận ít được trải nghiệm hơn nhưng chất lượng giáo dục không thể giảm. Làm sao để dạy online hiệu quả là việc nhà trường phải đảm bảo cho người học. Dịch đã kéo dài hai năm rồi, các trường phải có kinh nghiệm để tổ chức dạy hiệu quả”.
Theo các nhà sư phạm, bản thân các trường rất cố gắng để kéo gần khoảng cách giữa dạy online và dạy trực tiếp bằng nhiều cách.
Tiến sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà, cho hay: Dạy online khó hơn nhiều dù kiến thức đã nằm sẵn trong đầu giáo viên. Bình thường, giáo viên trực tiếp giao tiếp sẽ nhìn, cảm nhận và đánh giá học sinh hiểu tới đâu, làm bài thế nào để kịp thời kêu lên bảng, sửa bài… Chuyển sang dạy online, giáo viên phải nói và hành động gần như liên tục nhưng vẫn khó quản chất lượng. Sau tiết dạy, thầy cô phải vào Zalo trả lời, giải thích cho từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm đến giờ phải đi nhắc các em vào học, kiểm tra bài làm. Tổ trưởng bộ môn, ban giám hiệu đăng nhập vào các lớp online dự giờ… Tất cả cùng cố gắng để đạt hiệu quả tốt nhất trong điều kiện cụ thể.
Các giáo viên dạy môn khoa học, toán cho biết gặp rất nhiều khó khăn. Bình thường được dạy thực hành sinh động khi chuyển sang dạy học gián tiếp phải liên tục vẽ hình, dùng thiết bị, nghĩ ra nhiều cách nói… để minh họa, giảng giải cho học sinh dễ hiểu. Không ít đơn vị chấp nhận trả thêm phí để thuyết phục giáo viên người nước ngoài dạy online ngoài giờ hành chính (thường là buổi tối) để phụ huynh có thể học cùng con. Có trường đang xây dựng phần mềm dạy online riêng chuẩn bị cho những tình huống tương lai…
Có thể thấy giữa cảnh khó khăn không mong muốn, chỉ cần đặt lợi ích của người học lên vị trí cao nhất thì phụ huynh sẽ dễ dàng thông cảm, đồng hành cùng nhà trường; còn nhà trường cũng nỗ lực để giữ chất lượng dạy học và có được sự tin tưởng của phụ huynh.
Chọn trường quốc tế cần có kế hoạch tài chính dài hơi
Hiệu trưởng một trường phổ thông quốc tế tại TP.Thủ Đức cho biết: “Việc tăng học phí đối với khối tư thục là không bất ngờ. Phụ huynh cho con học trường quốc tế đều biết mỗi năm sẽ có sự điều chỉnh học phí theo một tỷ lệ nhất định, đã được tư vấn trước khi nhận học sinh. Như trường tôi sẽ điều chỉnh tăng tối đa 8%/năm”.
Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, đó là sự thỏa thuận của từng trường, không có quy định chung cho tất cả, vì vậy sẽ có trường tăng nhiều, đột ngột. Vì vậy, khi phụ huynh lựa chọn loại hình giáo dục cho con cần lập kế hoạch dài hơi, không thể tính từng năm, tránh việc gặp tác động về kinh tế sẽ ảnh hưởng, làm gián đoạn việc học của con.
“Hai năm nay, ở trường tôi, nhiều phụ huynh gặp khó khăn phải xin chuyển con sang các trường công lập hoặc trường tư không có yếu tố nước ngoài. Năm nay, có khoảng 11% học sinh không thể theo tiếp vì lý do này. Bởi vậy, để chia sẻ cùng nhau, các trường thường tạo ra chính sách đóng học phí theo gói để phụ huynh có thể giảm nhẹ chi phí, thu học phí học online cũng phải giảm so với học trực tiếp…”, vị này nói.
|
Gia Tuệ