Nửa thế kỷ tiên phong của ngành giáo dục TPHCM

Bài cuối: Kỳ vọng học sinh TPHCM được học trong môi trường hạnh phúc

25/04/2025 - 05:52

PNO - Đổi mới, sáng tạo không ngừng nhằm tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh là mục tiêu của ngành giáo dục TPHCM. Các nhà quản lý, nhà giáo đã nêu ra nhiều giải pháp để thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu này.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Tạo môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh

TPHCM đã đưa ra kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, mục tiêu đề ra là đổi mới, phát triển toàn diện học sinh TPHCM, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực...

Để làm được điều này, cần nỗ lực xây dựng từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục, chương trình và thay đổi tư duy kiến tạo, không ngừng đổi mới trong dạy và học, lẫn quản lý. Về đội ngũ giáo viên, TPHCM có nguồn lực giáo viên năng động, sáng tạo và rất giỏi chuyên môn nhờ những chính sách, cơ chế đặc thù thu hút người giỏi. Từ năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM đã tuyển dụng giáo viên từ nguồn sinh viên xuất sắc.

Đặc biệt, chủ trương giáo dục của TPHCM là đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học sinh được trang bị các kỹ năng, nâng cao khả năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế. Trường học còn là nơi để các em phát triển năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc, hội họa…

Chúng ta không dừng lại ở dạy kiến thức mà tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, phát huy được năng lực, sở trường riêng.

TPHCM cũng đã triển khai bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: con người, dạy học và hoạt động giáo dục, môi trường giáo dục. Hiện đã có 100% trường triển khai các tiêu chí này, nhằm nâng cao chất lượng dạy học, tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh.

Biến trường học thành ngôi nhà thứ hai để các em thích thú khi tới trường, giảm tải áp lực nhưng vẫn nâng cao chất lượng. Đó là mục tiêu lâu dài của ngành giáo dục thành phố.

Ông CAO THANH BÌNH - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM:

Lấy học sinh làm trung tâm, đừng chạy theo thành tích

Muốn đổi mới, sáng tạo, xây dựng môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh trước hết chúng ta phải xác định rõ học sinh là trung tâm. Từ thầy cô, nhà quản lý đến phụ huynh và xã hội phải tâm niệm việc làm sao để học sinh thực sự hạnh phúc ở trường, gia đình và hạnh phúc trong học tập.

Đổi mới, trước hết là tuyệt đối không chạy đua theo thành tích, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh sáng tạo. Giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình mới, thiết kế bài giảng phải cân nhắc thời lượng giữa lý thuyết và thực hành, cần tăng thời lượng thực hành. Giúp học sinh tăng kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào học tập; tăng khả năng nhận biết các vấn đề xã hội, ứng dụng thực tiễn. Phải để học sinh tự tin nói lên chính kiến của mình.

Tiếp tục đổi mới ra đề thi. Không phải học gì thi nấy mà phải dạy theo hướng vận dụng kiến thức, đề thi vì vậy cũng phải ra theo hướng này. Tạo điều kiện cho học sinh tăng cường làm việc nhóm, tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa; tăng cường đưa các bộ môn như nhạc cụ dân tộc, sử ca học đường, những nét đẹp của thế giới vào sinh hoạt chuyên đề, đi thực tế nhiều hơn… để các em có cảm nhận riêng.

Điều quan trọng là tìm cách giảm áp lực học tập cho học sinh. Các em đã học 2 buổi/ngày ở trường thì phải giảm việc giao bài tập về nhà, không ép học sinh đi học thêm, tạo điều kiện để tăng vận động. Mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất 1 môn thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để các em được phát triển toàn diện và cảm thụ được nét đẹp của cuộc sống.

Bà NGUYỄN XUÂN AN - Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3):

Chú trọng sức khỏe tinh thần học sinh

TPHCM là đô thị năng động, văn minh, hiện đại, với nhiều thành tựu về công nghệ thông tin và giáo dục tiên tiến. Nhờ đó, học sinh có cơ hội tiếp cận công nghệ từ sớm, học tập trong môi trường giàu tương tác và chương trình học đa dạng. Bên cạnh đó là sự quan tâm của gia đình.
Dù vậy, học sinh vẫn phải đối mặt với những thách thức trong học tập và cuộc sống. Sau đại dịch COVID-19, sức khỏe tinh thần của các em bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, việc có một chuyên viên tâm lý học đường thường trực rất quan trọng.

Hiện nay, các trường đã có người hỗ trợ công việc này nhưng chưa đồng đều, có nơi vẫn thiếu hoặc phải thuê hợp đồng. Nếu có cơ chế để mỗi trường có 1 giáo viên hoặc nhân viên chuyên trách tâm lý sẽ hiệu quả hơn.

Việc xây dựng không gian học tập xanh - sạch - đẹp và gần gũi cũng cần được thực hiện như một cách để xây dựng trường học hạnh phúc. Khi trường học hạnh phúc thì thầy cô được thấu hiểu, học sinh được tỏa sáng. Đây là nơi học sinh không chỉ đi học, mà còn được sống trong yêu thương, khám phá bản thân và phát triển toàn diện.

Đến năm 2030, chắc chắn công nghệ số đã được đẩy mạnh trong giáo dục. Hướng tới môi trường học tập tốt nhất, giáo viên phải thay đổi phương pháp dạy và học, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ song hành cùng trường học hạnh phúc sẽ giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu, biết sử dụng công cụ số một cách khoa học, hiệu quả. Muốn như vậy, bắt buộc nhà trường phải có chuyên đề giáo dục học sinh cách sử dụng công nghệ một cách thông minh, an toàn. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải phát hiện và bồi dưỡng thêm cho những em có tài năng, hướng các em trở thành công dân tốt, nhân tài của đất nước.

Bà PHẠM THÚY HÀ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4):

Tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp

Tôi kỳ vọng thành phố sẽ phát triển mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc và trang thiết bị hiện đại cho trường học hơn nữa. Bởi nhiều trường ở những địa phương khó khăn vẫn chưa có đủ máy móc, trang thiết bị, gây cản trở cho học sinh trong việc tiếp cận kiến thức, giáo viên cũng bị hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy học.

Thành phố cần tạo điều kiện hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn có trang thiết bị học tập trực tuyến, thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả. Đồng thời, hướng đến miễn phí bảo hiểm y tế cho học sinh. Hãy để học sinh được học tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế với mức phí thấp hoặc không phải trả phí; tăng cường giáo dục các kỹ năng mềm, kiến thức thực tế thay vì chỉ dạy nặng lý thuyết…

Về giáo viên, thành phố cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực đáp ứng nhu cầu đổi mới nhưng nên miễn phí. Hiện có rất nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các lớp kỹ năng cho giáo viên nhưng đều tốn phí nên thầy cô rất ngại đăng ký tham gia.

Đội ngũ giáo viên trẻ phải được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động, thực hiện tốt chuyển đổi số. Đội ngũ giáo viên lâu năm thì có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh. Nếu 2 đối tượng này cùng bổ trợ cho nhau sẽ tạo nên một đội ngũ thực sự hoàn hảo.

Cô giáo HUỲNH THỊ KIM KIỀU - môn tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè):

Tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận công nghệ

Học sinh thành phố được tiếp cận internet từ sớm, biết cách tìm tòi, chuẩn bị bài trước nên khi vào học, giáo viên chỉ cần gợi mở để nâng cao hơn. Các em ngày càng giỏi, nếu giáo viên không tự trau dồi mỗi ngày, học hỏi qua internet sẽ không theo kịp các em. Những bài giảng trên lớp cũng phải lồng ghép trò chơi để các em yêu thích, hứng khởi.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên lớn tuổi hiện vẫn tiếp cận khá chậm với công nghệ thông tin. Vì vậy, tôi mong thành phố sẽ có nhiều khóa học về AI, công nghệ số… cho những giáo viên này để “bắt kịp” học trò.

Giáo dục ngày nay hướng tới dạy học sinh kỹ năng sống, tư duy tự phản biện, trình bày quan điểm... Về mặt kiến thức và kỹ năng, học sinh đã phát triển rất tốt, nhưng chúng ta cần chú trọng hơn về mặt đạo đức. Cần nhiều hơn nữa những tiết học giáo dục đạo đức cho học sinh. Có thể lồng ghép vào các môn học hoặc sinh hoạt mỗi tháng 1 lần dưới sân cờ, để chuyên gia chia sẻ về những câu chuyện thực tế, giúp học sinh thẩm thấu từng chút.

Việc này cũng đòi hỏi phụ huynh và giáo viên, nhà trường cần có sự gắn kết mật thiết với nhau. Nếu học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên sẽ liên hệ với gia đình để cùng đưa ra giải pháp giáo dục học sinh. Ở thời đại mạng xã hội phát triển, giáo viên có rất nhiều áp lực. Tôi mong phụ huynh có thể cảm thông, đồng hành cùng giáo viên nhiều hơn để môi trường giáo dục ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc.

Nguyễn Loan - Trang Thư (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI