Kỷ niệm 91 năm ngày truyền thống dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2021) - Những người không chọn việc nhẹ nhàng

Bài cuối: Hết sức, hết lòng nói thật, làm thật

15/10/2021 - 06:31

PNO - Cống hiến cả thanh xuân cho đất nước, ở tuổi 80, nữ đại tá Hà Thị Tố Nga vẫn miệt mài tìm mộ liệt sĩ, làm thiện nguyện.

Tự trích tiền tích lũy 20 triệu đồng, chị Lê Thị Ngọc Nga còn vận động sự đóng góp của người khá giả để tặng hàng ngàn phần quà cho các hộ sống trong 1.400 phòng trọ ở khu phố mình. 

Từ bài thơ, quyết đi tìm hài cốt nhân vật

Trong căn phòng dành để tiếp đón thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt, bà Hà Thị Tố Nga (tổ 5, khu phố 1, phường 24, quận Bình Thạnh) xúc động kể tên từng trường hợp hy sinh mà bà hỗ trợ tìm được hài cốt. Gần 20 năm qua, đã có rất nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào ở căn phòng này. Không chỉ lo ăn ở, phương tiện đi lại, hỗ trợ kinh phí, bà còn cùng họ đi tìm hài cốt liệt sĩ. 

Đại tá Hà Thị Tố Nga (ngồi) trong dịp về thắp hương cho 52 liệt sĩ tại  Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ cầu Rạch Chiếc
Đại tá Hà Thị Tố Nga (ngồi) trong dịp về thắp hương cho 52 liệt sĩ tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ cầu Rạch Chiếc

Lần giở quyển nhật ký đã mờ nét mực, bà Tố Nga nhớ lại cơ duyên đưa đẩy bà đến với công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ: “Một lần đọc bài thơ Thầy giáo đi bộ đội của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về thầy giáo Nguyễn Tân Việt, tôi rất xúc động, tìm hiểu và biết thầy Việt hy sinh năm 1972 ở mặt trận phía Nam nhưng vẫn chưa tìm được đơn vị, hài cốt, mộ phần. Thời chiến tranh khốc liệt, rất nhiều gia đình chỉ nhận được tờ giấy báo tử chứ không biết người thân của mình nằm lại ở đâu”.

Sau khi đọc bài thơ, bà tìm đến đài tưởng niệm 4.000 liệt sĩ ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm kiếm thông tin về người thầy liệt sĩ. Tỉnh đội mách bà tìm gặp ông trung đoàn trưởng đã về hưu, nhưng trong danh sách liệt sĩ lại không có tên trung úy Nguyễn Tân Việt. Liên lạc lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa thì biết quê liệt sĩ ở tỉnh Hải Dương nhưng không rõ huyện, xã nào. Bà Tố Nga gửi thông tin về địa phương, mới biết ông ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách. Từ đó, bà lần tìm được anh trai của liệt sĩ Nguyễn Tân Việt là ông Nguyễn Văn Kẻ. Giấy báo tử không còn kể từ ngày cha mẹ ông Kẻ qua đời khiến hành trình khôi phục danh sách liệt sĩ của bà Tố Nga càng khó khăn hơn. 

Từ TPHCM, bà nhờ người quen tìm đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương tìm giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Tân Việt rồi nhờ ông Kẻ đến sao lưu giấy tờ, gửi vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho mình. Có được giấy báo tử, bà trực tiếp đưa đến Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 33. Danh sách được khôi phục, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Tân Việt nằm ở vị trí số 609. Hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tân Việt sau đó được gia đình đưa về quê lo hương khói.

“Những năm tháng ấy, tôi ôm điện thoại suốt, bởi để tìm được một ngôi mộ liệt sĩ, phải gọi hàng trăm cuộc đi khắp nơi” - bà Tố Nga kể. Sau liệt sĩ Nguyễn Tân Việt, bà Tố Nga lại đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Ri - chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, giúp con trai của liệt sĩ này - vốn chào đời khi ông Ri đã vào Nam chiến đấu - tìm được nguồn cội của mình sau 50 năm. 

Bà Hà Thị Tố Nga tham gia kháng chiến từ năm 1965. Đến năm 1988, bà giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân Đội (Viettel). Năm 1991, bà được phong hàm đại tá đồng thời giữ chức vụ giám đốc công ty. Năm 1999, bà nghỉ hưu. Ngoài đi tìm hài cốt liệt sĩ, bà còn thường xuyên giúp đỡ các cựu chiến binh gặp khó khăn. Nhận thấy trung tâm chuyên cấp thuốc, điều trị cho những người nghiện ma túy, bệnh nhân HIV, bệnh lao ở khu phố mình thường xuyên tụ tập đông người, có nhiều nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, bà đã hỗ trợ tiền để lắp đặt hệ thống camera an ninh. Bà cũng tự nguyện đóng góp 4 triệu đồng và vận động người dân đóng góp để phủ kín hệ thống camera trên toàn khu phố.

Vận động người khá giúp người khó

Mỗi ngày, chị Lê Thị Ngọc Nga - Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú - rời khỏi nhà từ sáng sớm, đến hơn 19g mới trở về. Chị Ngọc Nga cùng các cán bộ khu phố rà soát, lập danh sách người gặp khó khăn do dịch bệnh, đi phát lương thực, nhu yếu phẩm. Chị nói: “Việc nào cũng cần làm ngay, nhất là lương thực, thực phẩm”. Suốt bốn tháng qua, chị đóng cửa shop thời trang và dành toàn thời gian để làm công tác hỗ trợ người dân. 

Khu phố 5 hiện có khoảng 1.400 phòng trọ. Thấy nhiều người khó khăn, chị Ngọc Nga tự trích tiền tích lũy hơn 20 triệu đồng và vận động thêm bạn bè, người khá giả trong khu phố đóng góp, mua gạo, nhu yếu phẩm trao tận tay từng gia đình. Chị Phí Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tây Thạnh - cho biết: “Cô Nga từng là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú nên mọi phong trào, hoạt động chăm lo cho phụ nữ yếu thế, trẻ em tại khu phố đều được cô Nga tiếp sức”. 

Lúc còn trẻ, chị Ngọc Nga tình nguyện tham gia tòng quân, làm công tác thông tin cho Quân khu 7. Khoảng bốn năm sau, do hoàn cảnh gia đình, chị phục viên, chuyển sang đi làm cho công ty tư nhân. Năm 1993, chị vào làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại UBND phường 8, quận 4. Một năm sau, chị tham gia ban chấp hành hội phụ nữ phường và làm công tác phụ nữ cho đến khi nghỉ hưu non năm 53 tuổi do có bệnh. 

Sau khi về hưu, chị Ngọc Nga dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ già. Khoảng bốn năm trở lại đây, chị quay lại tham gia hoạt động tại địa phương, sinh hoạt tại chi bộ khu phố 5. Trong đợt bùng phát dịch lần đầu vào năm 2020, chị Ngọc Nga đã khởi xướng phong trào đảng viên chăm lo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị kể: “Lúc nghe tôi phát động, nhiều người tỏ ý dè dặt vì nghĩ nhiều người không đồng tình. Nhưng kết quả thật bất ngờ: trong buổi sinh hoạt chi bộ, 60 đảng viên đã đóng góp 20 triệu đồng, dùng mua 100 phần quà phát cho người dân”. Chị đúc kết: “Với mỗi việc, tôi đều hết lòng, hết sức, làm thật, nói thật nên được mọi người quý mến, mọi việc suôn sẻ”.

Kinh nghiệm của chị Ngọc Nga cũng chính là cẩm nang thành công cho cán bộ làm công tác dân vận. 

Thu Lê - Thiên Ân

 

 
TIN MỚI