Khi “tấm khiên” chống bão miền Trung tơi tả

Bài cuối: Gắn với lợi ích của dân, sẽ giữ được rừng phòng hộ

16/11/2020 - 06:21

PNO - "Tại sao vẫn người dân đó mà chính sách này thì người ta bảo vệ rừng, còn chính sách kia thì người ta lại đi trộm hoặc phá hoại? Giao rừng cho dân vừa đảm bảo được chức năng phòng hộ, vừa giữ được rừng. Đó là vấn đề chính sách".

 

Rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển có những chức năng quan trọng riêng nhưng chúng đều đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng. Báo Phụ Nữ TPHCM có cuộc trao đổi với giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung (Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng) cùng phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy (Khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Tây Nguyên) về những vấn đề của rừng phòng hộ ở nước ta hiện nay.

Bài 1: Nơm nớp lo biển nuốt nhà

Bài 2: Hồ tôm, ruộng rau “thổi” bay rừng dương ven biển

Rừng đặc biệt quan trọng đối với miền Trung

Phóng viên: Thưa hai ông, bão lũ, thiên tai liên tục trút xuống miền Trung trong hơn một tháng qua khiến chúng ta phải nhiều lần nhìn lại thực trạng rừng phòng hộ ở Việt Nam hiện nay. Xin hai ông phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy: Tôi nghĩ, nói một cách công bằng thì thiên tai trong năm nay vượt trên mức trung bình của nhiều thập niên, gây sự khốc liệt về lượng mưa, về gió bão, đôi khi vượt quá khả năng phòng hộ của rừng, thậm chí của cả rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, có rất nhiều vấn đề về hệ thống rừng phòng hộ, hệ thống bảo tồn các lưu vực. Các lưu vực cần phải được tính toán để có được rừng tự nhiên che phủ để bảo đảm tốt nhất chức năng phòng hộ đầu nguồn.

Tôi nhấn mạnh là rừng tự nhiên. Cần và nên công bằng như vậy chứ không nên khẳng định tất cả đều do sự khốc liệt của thiên tai, thời tiết.

Vai trò của rừng phòng hộ với lưu vực là vô cùng quan trọng vì không có một hệ thống nào phòng hộ lưu vực tốt bằng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Mất rừng thì việc điều hòa nguồn nước, giữ nước, điều tiết nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Với những lưu vực có lượng nước lớn mà rừng tự nhiên bị mất nhiều, độ che phủ thấp thì việc để mất rừng chính là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.

Hậu quả của việc mất rừng tự nhiên là vô cùng nghiêm trọng, như những ngày qua chúng ta đã chứng kiến và đối mặt.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung: Dải đất miền Trung hẹp, từ biển lên đến đỉnh núi cao nhất chưa đến 100km. Như tỉnh Hà Tĩnh, biển giáp với dãy Trường Sơn, từ đỉnh núi cao nhất ra biển chỉ 40km nên độ dốc rất cao. Lượng nước mưa trên đỉnh dãy Trường Sơn là bằng nhau. Độ dốc cao như thế là rất nguy hiểm về lũ quét, sạt lở.

Cũng do đặc điểm này mà việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn để làm thủy điện ở khu vực miền Trung là việc cần đặc biệt lưu ý, không phải sông có tiềm năng bao nhiêu công suất thì làm bấy nhiêu. Yếu tố đầu tiên của thủy điện là phải an toàn, sau đó mới đến công suất.

* Còn với rừng phòng hộ ven biển thì sao?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy: Rừng phòng hộ ở miền núi, cao nguyên có tác dụng cơ bản là điều tiết nước đầu nguồn (cấp nước vào mùa khô và chống dòng chảy quá lớn vào mùa mưa gây xói mòn, lũ lụt, sạt lở ở vùng hạ du). Còn rừng ven biển có chức năng lớn nhất là chống cát bay, sau đó là cản bớt sức gió bão. Như cây phi lao chống cát bay và giảm sức gió rất lớn. 

Chúng ta đã có hệ thống rừng phòng hộ ven biển với một số cây khá tốt, chịu được cát, mặn… Tuy nhiên, việc phòng hộ ven biển cũng cần phải tính toán như rừng phòng hộ đầu nguồn. Chúng ta cần một đai rừng lớn bao nhiêu, ở đâu, quy mô ra sao. Đây cũng là một tính toán khá phức tạp liên quan đến khả năng di chuyển của cát, của gió hằng năm.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung: Ven biển miền Trung thỉnh thoảng mới có một đồng bằng rất nhỏ, còn đại đa số là núi đá ra đến tận biển, đặc biệt từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào, đất không thoải, không có bùn nên không thể có rừng phòng hộ “chuẩn” (các rừng sú, vẹt, đước ngập mặn) như miền Bắc hay miền Nam. Rừng phòng hộ ven biển miền Trung, do yếu tố địa hình nên cũng không thành dải mà chỉ như da báo.

Do đó, rừng phòng hộ đầu nguồn miền Trung sẽ quan trọng hơn rừng phòng hộ ven biển miền Trung.

Hai nữa là rừng phòng hộ ven biển thường có chức năng bảo vệ đê biển để nước biển không xâm lấn đồng ruộng, làng mạc, chống cát bay. Mục tiêu rừng phòng hộ ven biển miền Trung khác với mục tiêu rừng phòng hộ của miền Bắc và miền Nam.

Rừng tự nhiên ven biển trước đây là những cây bản địa, rừng đó không cao, chỉ khoảng 5-7m. Các loài cây đó không chắn gió tốt nhất nhưng lại là loài cây tự nhiên sinh ra để phù hợp với loại đất đó.

Hiện nay, nước ta vẫn giữ được những rừng “nguyên sinh” ven biển như thế ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và đặc biệt là ở Quảng Trị. Người Pháp mang cây phi lao sang trồng từ khi nước ta còn là thuộc địa, và phi lao là cây chắn gió, chắn cát tốt nhất, cả thế giới đã công nhận.

Thực tế, Việt Nam đã trồng thành công rừng phi lao, nhất là ở Quảng Bình - trên bãi cát rộng đến 5km (phần lớn diện tích vốn là ruộng nương bị cát bay vùi lấp). Việt Nam làm tốt đến mức quốc tế đề nghị Việt Nam tổ chức hội nghị để các quốc gia đến nghe báo cáo, tham quan.

Rừng ven biển suy kiệt do không ai chăm sóc, bảo vệ

* Chúng ta không chỉ mất rừng tự nhiên đầu nguồn. Rừng phòng hộ ven biển cũng đang rơi vào cảnh suy giảm cả chất lượng lẫn số lượng do thiên tai phá hủy, do con người không chăm sóc hoặc không bảo vệ, thậm chí phá bỏ hoặc chuyển đổi thành dự án… 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung: Từ trước đến nay, Việt Nam đã được quốc tế giúp rất nhiều dự án trồng rừng, ít nhất cũng phải có 30-40 dự án. Nhưng không phải tất cả dự án đều có hiệu quả như nhau, do năng lực của người tổ chức dự án và người dân tham gia dự án. Có những dự án, lúc trồng thì rất tốt, nhưng sau đó chỉ vài năm, đã trở lại trạng thái ban đầu. Họ hỗ trợ mình bằng tiền, còn kỹ thuật là của mình. Đặc biệt, sự quan tâm của người bảo vệ rừng là điều cần nói nhất. 

Sự quan tâm bảo vệ rừng gồm hai khía cạnh: một là chính sách và người nhà nước bảo vệ rừng (trạm kiểm lâm, hạt lâm nghiệp, lâm trường), hai là người dân hưởng thụ. Có những chỗ, người dân được hưởng lợi từ rừng phòng hộ ven biển. Ví dụ, rừng phòng hộ ven biển Thái Bình, Nam Định, khi rừng ngập mặn trồng đến đâu thì có hiệu quả và người ta thu được những sản vật đến đó (ngao, sò), bởi khi có rừng ngập mặn thì các loài đó tự nhiên quay về sống và sinh sôi rất tốt.

Có thể một tỉnh chỉ có mấy ngàn héc-ta trồng rừng ven biển nhưng cứ trồng đi trồng lại, cứ bắt đầu thành rừng lại bị suy thoái là vì không ai bảo vệ, không ai chăm sóc nó. Rừng của dự án này chết rồi, lại đi xin các dự án khác.

Có nhiều đơn vị cũng ngán, họ nói thẳng là rất muốn giúp để chúng ta hình thành rừng phòng hộ ven biển, nhưng giúp rồi các ông có bảo vệ được rừng đâu. Cũng phải thừa nhận lỗi này là do chính sách của chúng tôi: chưa xã hội hóa được rừng phòng hộ ven biển. Còn rừng trồng trên núi thì đã xã hội hóa được, đã giao sổ đỏ cho các hộ dân. 

Cảnh đổ ná t ven biển ở TP.Hội An sau bão số 13 ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG
Cảnh đổ nát ven biển ở TP. Hội An sau bão số 13 - Ảnh: Lê Đình Dũng

* Đây có phải là bài toán về mối quan hệ giữa rừng và cộng đồng? Trước đây, phó giáo sư đã thành công với dự án “Giao rừng cho cộng đồng” ở tỉnh Đắk Nông từ năm 2005. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy: Mối quan hệ giữa rừng và cộng đồng (người dân) rất quan trọng vì không có cơ quan nhà nước nào giữ rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng tốt bằng người dân. Người dân là lực lượng rất lớn, lại là người bản địa, sống gần rừng… Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện việc này rất kém.

Khi có dự án, nguồn tài chính thì thu hút được người dân tham gia nhưng khi hết dự án, hết tiền thì chúng ta không có một cơ chế nào để cộng đồng có trách nhiệm và hưởng lợi cũng như gắn với các quyền khác (ví dụ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng…). Do đó, người dân không quan tâm, thậm chí còn trở thành những người phá khu rừng đó. 

Điều này không chỉ xảy ra ở ven biển mà ở cả Tây Nguyên và vùng núi cũng vậy. Hiện nay, luật, chính sách đề cập nhiều đến vai trò của người dân và cộng đồng làm chủ rừng, nhưng việc thực thi nó thì chúng ta làm rất chậm, rất ít, thậm chí chưa quan tâm. Do đó, sự tham gia, vai trò tích cực của người dân giảm dần và bị bỏ qua, dẫn đến không có sự tham gia của người dân với việc trồng rừng, giữ rừng.

Hơn nửa thế kỷ, chuyện quản lý rừng của ta chỉ là tập trung vào Nhà nước nên rừng tự nhiên hầu như bị suy kiệt hoặc bị mất. Từ đó, ta mới rút ra rằng, nếu chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ bảo vệ rừng mà không thu hút được người dân tham gia là thiếu sót lớn.

Về dự án “Giao rừng cho cộng đồng”, khi đó Nhà nước đã có cơ chế để dân hưởng lợi nhưng lại chưa được thực thi. Giai đoạn đó là khoảng năm 2005-2015, một số tỉnh đồng ý thí điểm, cả Đắk Nông, Đắk Lắk và một số nơi khác, người dân được quyền tiếp cận các lâm sản như các công ty lâm nghiệp nhà nước. Họ có thể khai thác gỗ bền vững để có nguồn tài chính phục vụ nhu cầu đời sống của họ.

Tuy nhiên, các khu rừng giao cho họ khá nghèo gỗ nên sau một thời gian thì không thể tiếp tục sử dụng lâm sản đó như một nguồn thu, nguồn lợi nên dự án cũng có những hạn chế. Song qua đó, cộng đồng cũng có những nhận thức về giá trị của rừng và họ tiếp tục củng cố các khu rừng đó cho các thế hệ tiếp theo.

Cần có chính sách xã hội hóa 

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung: Với chính sách giao rừng cho người dân như hiện nay, 2/3 diện tích rừng do người dân quản lý, bảo vệ, Nhà nước chỉ quản lý, bảo vệ 1/3. Đây cũng là bài học đối với trồng rừng phòng hộ, dân giúp phòng hộ nguồn nước, phòng hộ gió bão, đê biển thì dân phải được hưởng lợi.

Có một thời gian, người dân tranh nhau hưởng lợi, nhưng là hưởng lợi của chung nên không ai hỗ trợ ai và chỉ nghĩ đến việc hưởng lợi nên giữ rừng không được bao lâu. 

Câu chuyện rừng phòng hộ ven biển hiện nay chính là như thế. Còn rừng trồng trên cạn thì đã xã hội hóa được, đã giao sổ đỏ cho các hộ gia đình. Ví dụ, khi các hộ trồng được thì sẽ tự chăm sóc bằng tối đa khả năng, vì họ được hưởng kết quả cuối cùng.

Từ dự án 327 năm 1992 trở đi, chúng ta đã rút ra bài học: nếu xã hội hóa được nghề rừng thì Nhà nước không phải can thiệp, toàn bộ công chăm sóc và giữ rừng là do người dân bỏ ra và được hưởng lợi.

Có những chỗ, rừng phòng hộ ven biển được trồng đi trồng lại đến 3-4 lần là do mình không giao cho ai, không ai được hưởng từ rừng ấy nên không ai chăm sóc rừng.

Còn nếu áp dụng như chính sách trồng rừng trên núi là giao sổ đỏ cho người dân thì sẽ khác. Nếu được hưởng lợi thì giao gì, người ta cũng nhận, còn nếu không được hưởng lợi thì dân sẽ không nhận bất cứ cái gì.

Tại sao vẫn người dân đó mà chính sách này thì người ta bảo vệ rừng, còn chính sách kia thì người ta lại đi trộm hoặc phá hoại? Giao rừng cho dân vừa đảm bảo được chức năng phòng hộ, vừa giữ được rừng. Đó là vấn đề chính sách.

Rừng phi lao ven biển của H.Tuy An bị chết khô
Rừng phi lao ven biển của huyện Tuy An bị chết khô

* Với rừng phòng hộ ven biển, cây phi lao là cây chống cát bay tốt nhất, đồng thời cũng là cây có sức cản gió bão lớn nhất. Thế nhưng, cây phi lao lại không có giá trị kinh tế. Nếu áp dụng chính sách giao sổ đỏ rừng phòng hộ ven biển cho dân như rừng ở miền núi, Tây Nguyên thì làm thế nào để người dân mặn mà với việc giữ rừng, vừa có thể hưởng lợi, làm kinh tế?

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lung: Phi lao có đặc tính là mọc trên cát, cây cao bao nhiêu thì rễ dài ra bấy nhiêu, tán rộng chừng nào thì rễ rộng chừng nấy. Phi lao tốt nhưng gỗ phi lao lại không có giá trị gì ngoài làm củi. Nên sau này, nhiều nhà khoa học nước ta đã đi khắp thế giới để tìm xem ngoài phi lao, còn có cây nào có tác dụng chống cát bay, chắn gió như cây phi lao mà lấy được gỗ không, thì có cây keo lưỡi liềm, bạch đàn có thể dùng làm cột nhà. 

Nhưng vẫn phải trồng xen với phi lao vì hiệu quả của cây phi lao tốt hơn. Phải trồng cây phi lao trước trên cát, nhờ phi lao, cát mới có lớp mùn, dần dần thành đất cát thì cây khác mới sống được.

Nếu đã giao cho dân, mỗi hộ dân phụ trách diện tích bao nhiêu thì việc trồng phi lao chắn gió, chống cát bay vẫn có thể đảm bảo, đồng thời dân vẫn được hưởng lợi từ việc trồng xen cây keo lưỡi liềm hay bạch đàn. 

Nếu giao những ô đất cát ven biển ấy, mỗi hộ khoảng 2-3ha để trồng phi lao cải tạo đất, rồi có thể đào ao nuôi thủy sản, trồng khoai, trồng rau thì người dân hoàn toàn có thể sống trên đất cát ấy mà vẫn có được rừng. Nhà nước có thể hỗ trợ vốn chăn nuôi, đào ao nuôi thủy sản. Và vùng cát ấy có thể gọi là vùng kinh tế mới, vùng này vẫn nằm trong cái xã mà dân sinh sống chứ không phải ở đâu xa.

Còn nếu dân không làm theo quy hoạch, phá hết rừng để chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản thì Nhà nước có thể thu hồi lại, giao cho người khác làm tốt hơn. Tức là, để có cơ hội phát triển kinh tế trên đất rừng phòng hộ ven biển, trước tiên, người dân cần phải đảm bảo việc xây dựng và giữ rừng phòng hộ đó đã.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy: Về rừng phòng hộ nói chung, chúng ta đã có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đây là một sự tiến bộ mà chúng ta học từ các nước. Tuy nhiên, có một số cái mà chúng ta cũng cần phải cải thiện thêm. Ta gọi là dịch vụ thì có bên bán và bên mua. Bên bán là người giữ rừng, họ bán dịch vụ giữ rừng của họ, họ quản lý rừng càng tốt thì chất lượng dịch vụ đó càng cao và được chi trả càng nhiều. Bên mua là bên hưởng thụ thì cũng phải trả mức giá dựa trên chất lượng đó. 

Theo tôi, hiện nay, chúng ta chưa quan tâm đến chất lượng rừng liên quan đến việc chi trả. Có một số nơi được chi trả dịch vụ môi trường rừng tương đối cao nhưng nhiều nơi nhận mức không đáng kể lắm, chưa đủ để thu hút người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng.

* Xin cảm ơn hai ông. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI