Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ
Để phát triển hệ sinh thái kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (SME), các DN lớn như Vingroup, FPT, Vinamilk cần phát huy vai trò tiên phong, hợp tác với các SME trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, họ có thể hỗ trợ các SME trong chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển.
Về cơ chế, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển, giúp khu vực kinh tế này được tiếp cận công bằng với các nguồn lực như đất đai, tín dụng và cơ hội tham gia các dự án lớn của Nhà nước. Đồng thời, cần nâng hiệu quả các chương trình hỗ trợ SME thuộc khối kinh tế tư nhân, hỗ trợ họ huy động vốn qua thị trường chứng khoán và trái phiếu DN. Nhà nước cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giúp DN giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khởi nghiệp (startup) về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để DN tư nhân tham gia lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Brook Taylor - Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital:
Mạnh dạn giao các dự án lớn cho doanh nghiệp tư nhân
Chúng ta có những DN tư nhân lớn, nhưng đa số vẫn phụ thuộc vào bất động sản, tài chính, hiếm có DN tư nhân lớn đủ năng lực sản xuất, có thương hiệu nổi bật trên toàn cầu, có thể cạnh tranh với DN các nước. Chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Lực lượng này đông nhưng không có động lực để chuyển lên thành DN, không nâng cấp quản trị của mình.
Thời gian tới, DN tư nhân cần được mạnh dạn giao nhiều trách nhiệm hơn, tham gia nhiều hơn vào các dự án mang tính chiến lược, các dự án quan trọng của quốc gia như đường sắt cao tốc, năng lượng, sân bay. Điều này sẽ nâng cao năng lực và khẳng định vai trò của khối DN này. Song song đó, cần có chiến lược tăng cường chất lượng quản trị, ứng dụng công nghệ để nhóm DN tư nhân có quy mô nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, cần có chiến lược thúc đẩy nhóm DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh để họ lớn lên thành DN. Thuế, phí quản trị, thủ tục cho nhóm đối tượng này phải rất đơn giản, thân thiện.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Thành lập quỹ hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp rủi ro
Khả năng huy động vốn của khối DN tư nhân còn hạn chế. Các DN tư nhân vẫn đang áp dụng mô hình tiếp cận vốn theo kiểu kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tức là chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng, bỏ qua các hình thức huy động vốn đa dạng khác của kinh tế thị trường. Điều này là do các DN thiếu tài sản thế chấp theo yêu cầu của ngân hàng và DN chưa chú trọng việc trình bày phương án kinh doanh khả thi, nên các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng khi xem xét.
Các DN tư nhân cũng đang gặp vấn đề về năng lực tiếp thu và nắm bắt công nghệ mới, sản phẩm còn dựa nhiều vào thủ công. Một thực tế đáng quan ngại là nhiều DN Việt Nam có xu hướng hoạt động không chính thức do lo ngại về sự minh bạch trong lĩnh vực tài chính và thuế. Điều này cản trở sự phát triển của DN tư nhân, khiến các hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành DN siêu nhỏ hoặc nhỏ, còn các DN nhỏ gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô thành DN vừa. Về môi trường đầu tư, ta thường nghe nói đến thể chế, nhưng cần lưu ý rằng thể chế cho DN nhà nước khác với DN tư nhân và khác với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hay 8 triệu hộ nông dân kinh doanh. Do đó, cần xác định rõ từng đối tượng để có chính sách cải cách thể chế phù hợp.
Từ những vấn đề trên, theo tôi, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ. Chúng tôi cũng đề xuất Nhà nước thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư rủi ro cho DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp và DN mới tham gia thị trường. Quỹ này sẽ cung cấp nguồn vốn với lãi suất phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, DN và người gửi tiền. Nếu 1 dự án cơ sở hạ tầng có tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, theo quy định của pháp luật, DN phải đóng góp ít nhất 20%, tức là 200 tỉ đồng. Đối với các DN lớn, đây có thể không phải là con số lớn, nhưng với DN nhỏ, 200 tỉ đồng là con số rất lớn. Do đó, nhất thiết phải có quỹ hỗ trợ đầu tư rủi ro thì DN tư nhân mới dám tham gia.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV
Chia doanh nghiệp tư nhân thành 2 nhóm để hỗ trợ
Lực lượng nòng cốt và chủ lực trong Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) chủ yếu là DN tư nhân. HUBA và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiếp nhận nhu cầu vay vốn từ cả phía cung và cầu. Hiện nay, HFIC không phân biệt quy mô DN để xét cho vay vốn nhưng đang ưu tiên cho DN tư nhân hơn DN nhà nước. Quan điểm của HFIC là phân tán rủi ro bằng cách cho vay nhiều dự án nhỏ (từ 5-10 tỉ đồng) thay vì tập trung vào vài dự án lớn (hàng trăm tỉ đồng), lãi suất thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay, HFIC chỉ mới giải ngân vốn cho khoảng 4-5 đơn vị. Trong thời gian tới, HFIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân, cho phép DN dùng những tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp. Ví dụ, một bệnh viện vay vốn để mua thiết bị nội soi, máy tầm soát ung thư, máy scan có thể thế chấp bằng chính những thiết bị đó hoặc chủ xe buýt có thể dùng xe buýt điện sẽ mua để thế chấp vay vốn thay thế xe buýt chạy bằng xăng dầu.
Với những mối quan tâm và kiến nghị lớn nhất của DN, chúng tôi nhận thấy các vấn đề thường được chia thành các nhóm gồm chính sách, đất đai, thanh kiểm tra, bảo hộ mậu dịch. Để giải quyết, cần xây dựng chính sách bình đẳng giữa DN tư nhân với DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giữa DN lớn và DN nhỏ; các DN tư nhân phải được tiếp cận đất đai công bằng với DN nhà nước và DN FDI; cần hạn chế tới mức thấp nhất việc thanh tra, kiểm tra DN tư nhân; nên có chính sách bảo hộ mậu dịch để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.
Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị phân nhóm chính sách hỗ trợ cho DN tư nhân thành 2 nhóm: nhóm DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ về tài chính; nhóm DN đầu ngành cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để tham gia các dự án lớn, từ đó dẫn dắt, tạo cơ hội cho các DN nhỏ và vừa khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)
Thanh Hoa - Mai Ca