(sáng 23/5) Tìm giải pháp phát triển dịch vụ đường thủy TPHCM

Bài cuối: Có quy hoạch và chiến lược đồng bộ, nhà đầu tư sẽ tham gia

23/05/2022 - 08:50

PNO - Theo các chuyên gia, giao thông thủy của TPHCM đang thiếu nhất quán trong quản lý và trong chiến lược phát triển.

Cho thuyền chạy nhưng lại đóng bến

Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc là doanh nghiệp đầu tiên khai thác tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi đi thuyền trên tuyến kênh này, du khách được thưởng thức món ăn đồng quê, nghe kể chuyện lịch sử Sài Gòn trong tiếng đờn ca tài tử. Dọc hai bên bờ có các điểm đến như Thảo Cầm Viên, chùa Vạn Thọ, chùa Vĩnh Nghiêm, Quan âm tu viện, chùa Khmer, chùa Pháp Hoa…

Trong hành trình tour, thuyền đi qua chín cây cầu. Dưới mỗi cây cầu, nhà đầu tư cho trang trí đèn và những bức vẽ thú vị về Sài Gòn xưa và nay. Trước khi lên bờ, khách được thả hoa đăng kèm theo lời ước nguyện. Anh Trần Quang Duy (Q.7) nhận xét: “Tôi đã đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng đường bộ nhiều lần, nhưng khi trải nghiệm bằng đường thủy, tôi thấy khác lạ, thấy TPHCM thật đẹp”.

Để khai thác tuyến du lịch đường thủy này, Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc đã xây hai bến thuyền, một ở gần cầu Thị Nghè (Q.1) và một ở gần chùa Candaransi (Q.3). Sau gần bảy năm, tuyến du lịch này đã thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là khách quốc tế. Dịch bệnh xảy ra, công ty phải ngưng hoạt động, cuối năm 2021, công ty bắt đầu vận hành trở lại tour du lịch này.

Tuy nhiên, trong khi Sở Giao thông Vận tải cho phép thuyền hoạt động thì Sở Xây dựng yêu cầu tạm ngưng hoạt động của nhà vệ sinh, quán cà phê, bãi gửi xe ở bến thuyền. Điều này khiến lượng khách đi tuyến này sụt giảm nghiêm trọng.

Tuyến du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện đang mất khách vì bến đón trả khách không được mở phục vụ nước uống, nhà vệ sinh - ẢNH: P.T.
Tuyến du lịch đường thủy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện đang mất khách vì bến đón trả khách không được mở phục vụ nước uống, nhà vệ sinh - Ảnh: P.T.

Ông Phan Xuân Anh - Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc - nói: “Có dịch vụ dưới thuyền mà không có hạ tầng trên bến thì rất khó thu hút khách. Trước đây, xuất phát từ lời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đường thủy trong nội thành của các cơ quan chức năng, chúng tôi bỏ tiền đầu tư phương tiện và bến thuyền. Đến nay, các cơ quan chức năng đột ngột thay đổi quan điểm và cách quản lý khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn”.

Gầm cầu thấp, thuyền chui khó lọt 

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - nhận định giao thông và du lịch đường thủy ở TPHCM khó lòng “cất cánh” với cách làm manh mún như hiện nay. Chẳng hạn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo rất tốt nhưng các cầu bắc qua kênh này lại được xây quá thấp nên khi tàu thuyền qua cầu Trần Khánh Dư, khách phải xuống hầm để quản lý thuyền tháo lan can, mới qua được. Những lúc nước lên, tàu thuyền không thể qua lọt gầm cầu. Gầm cầu Lê Văn Sỹ thì quá thấp, không tàu bè nào chui lọt.

Ông nói: “Khi đầu tư xây cầu, nhà đầu tư sợ tốn kém nên xây cầu thấp khiến giao thông toàn tuyến bị đứt đoạn, nhất là đoạn rạch Thị Nghè ra đến sông Sài Gòn - nơi có cảnh quan đẹp và nhiều di tích lịch sử. Bây giờ, muốn phát triển đường thủy thì phải tính đến chuyện xây dựng lại các cây cầu này một lần nữa, rất tốn kém”.

Ông cho rằng, cũng do tư duy manh mún nên mới có chuyện cho rằng giao thông thủy không liên quan đến các công trình phụ trợ trên bờ. Thực tế, nếu không có các điểm nhấn kiến trúc hai bên bờ, không có các điểm tham quan, dịch vụ, khu vui chơi ở các bến thuyền thì không thể thu hút khách đi đường thủy. Khách đi tàu thuyền dưới nước nhưng khi lên bờ, phải có các phương tiện giao thông đường bộ kết nối thuận tiện. Việc quản lý theo kiểu ngành nào biết ngành đó như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp và hạn chế nhu cầu của người dân.

“Chính quyền TPHCM cần đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng bến bãi, cầu cảng công cộng để phục vụ giao thông và du lịch đường thủy. Nếu có những chính sách thoáng, đặc biệt là việc sử dụng đất công để xây dựng bến bãi thì có thể thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chính quyền thành phố chỉ cần xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ, tôi tin sẽ có rất nhiều doanh nghiệp muốn nhảy vào đầu tư, khai thác. Phát triển tốt đường thủy thì không chỉ giảm tải cho đường bộ mà còn thúc đẩy du lịch, kinh tế, văn hóa phát triển” - ông Nguyễn Minh Hòa góp ý.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM - cho rằng lãnh đạo TPHCM cần có quyết tâm cụ thể trong việc phát triển giao thông và du lịch đường thủy, thể hiện rõ bằng việc xây dựng một chiến lược phát triển đồng bộ về nhiều mặt. Giao thông thủy không chỉ là chuyện của riêng ngành giao thông mà còn là bài toán về xây dựng, du lịch, môi trường, kinh tế... 

Theo ông, về lâu dài, cần cải tạo các tuyến kênh nội đô nhằm phát triển giao thông thủy và du lịch. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố cần có quyết tâm lớn để khai thác hiệu quả hơn 80km sông Sài Gòn từ H.Củ Chi đến H.Cần Giờ bằng cách phát triển tốt cả phương tiện lưu thông dưới nước lẫn khai thác không gian công cộng, dịch vụ hai bên bờ. Ông dẫn chứng, sông Chao Phraya (Thái Lan) đoạn qua Bangkok dài 33km nhưng có 34 bến lên xuống dọc sông. Đây là nơi cung cấp nguồn tiền rất lớn cho Bangkok bởi mỗi điểm đến trên sông là một nơi vui chơi, giải trí, du lịch rất thu hút khách.

Cần có những “cánh cửa” mở ra sông

Kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng để phát triển giao thông thủy, trước hết TPHCM cần sớm hoàn thành quy hoạch các vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố. Đó là những “cánh cửa” mở ra sông, tăng sự tiếp cận của người dân với loại hình lưu thông trên sông nước. Khi đã có quy hoạch, hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa, hướng tới việc xây dựng mỗi vị trí dừng chân trên bờ thành một khu dịch vụ đa dạng, thu hút khách và kết nối hiệu quả với phương tiện công cộng đường bộ.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đa dạng hóa các loại hình buýt đường thủy, taxi thủy phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch. Trong đó, làm trước các tuyến buýt sông, taxi sông đã có trong quy hoạch như từ trung tâm quận 1 tỏa đi các quận 7, 12, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, TP.Thủ Đức. 
TPHCM cũng cần đẩy nhanh quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn và đề án phát triển dịch vụ kinh tế ven sông. Tuy là đô thị sông nước nhưng hiện thành phố còn nghèo nàn về không gian công cộng ven sông. Phải quy hoạch đường ven sông có tầm nhìn dài hạn, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắm, vui chơi, ẩm thực… Làm sao để có con đường dọc bờ sông đẹp chạy từ quận 1 đến huyện Củ Chi, là điểm nhấn của thành phố cũng như không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân và du khách. Khi đã có quy hoạch bài bản, sẽ xác định chỗ nào Nhà nước đầu tư, chỗ nào tư nhân tham gia và tin chắc các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đầu tư.

Đầu tư cho giao thông thủy còn quá ít

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, có tổng cộng 218 cầu thì 102 cầu không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ cần có. Việc xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét chưa được quan tâm thích đáng, chi phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế. Tỷ trọng đầu tư cho đường thủy trong 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho giao thông đường bộ (gần 1.500 tỷ đồng, so với gần 27.300 tỷ đồng).

Cũng theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đến nay, TPHCM vẫn chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa; chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông, kênh rạch phục vụ du lịch. Theo tính toán, từ nay đến năm 2050, TPHCM cần hơn 21.000 tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy phục vụ vận tải hành khách và hàng hóa.

Mong chờ tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa nhất trí cho Công ty TNHH Greenlines DP mở tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại, thời gian chạy khoảng 5-6 giờ. 
Ông Trần Song Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Greenlines DP - cho biết công ty đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, xây dựng luồng tuyến, giá vé, các hạ tầng khác. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp cảng Bến Đầm (H.Côn Đảo) từ năm 2017 đến nay vẫn chưa xong nên lượng tàu được phép cập bến còn hạn chế. 

Được biết, nhu cầu đến Côn Đảo du lịch, nghỉ dưỡng khá lớn nhưng hiện chỉ có hai hãng hàng không là Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác đường bay đến Côn Đảo, dùng máy bay nhỏ, giá vé đắt. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI