Nữ điều dưỡng và những đóng góp lặng thầm trong đại dịch

Bài cuối: Chỗ dựa cho những bệnh nhân nặng

24/12/2021 - 06:26

PNO - Trong đại dịch, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức, TPHCM ) như ngôi nhà lớn của cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Các F0 (người mắc COVID-19) được chị em điều dưỡng chăm sóc như người thân của mình. Không ít bệnh nhân sống một mình trước khi nhập viện.

Những bệnh nhân không gia đình 

Gần một năm qua, nhân viên y tế tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hầu như không về nhà. Y bác sĩ, điều dưỡng ngày đêm túc trực, níu giữ mạng sống cho người bệnh với quyết tâm “còn người thì còn nỗ lực, còn nỗ lực thì còn hy vọng”.

Bức ảnh kỷ niệm cuối cùng chụp điều dưỡng Lê Thị Kiều Em cùng một bệnh nhân mà chị gọi bằng chú
Bức ảnh kỷ niệm cuối cùng chụp điều dưỡng Lê Thị Kiều Em cùng một bệnh nhân mà chị gọi bằng chú

Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát tại TPHCM đến nay, chị Lê Thị Kiều Em - điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Điều dưỡng trưởng Khoa 9B, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - đã trải qua nhiều vị trí: lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi chăm sóc bệnh nhân và quản lý điều dưỡng Khoa 9B. Hiện chị vẫn tình nguyện ở lại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 vì “còn người bệnh, về nhà cũng ngồi không yên”.

Chị Kiều Em tâm sự: “Nếu mắc bệnh thông thường, mỗi bệnh nhân có đến hai, ba người nhà vào chăm, chưa kể số người đến thăm. Với người mắc COVID-19, họ chỉ vào bệnh viện một mình và nếu có triệu chứng nhẹ thì có thể gọi điện thoại về nhà. Ở đây là bệnh viện tuyến cuối dành cho người bị bệnh rất nặng nên bệnh nhân hầu như mất liên lạc với người thân”.

Giọng chị chùng xuống khi kể về từng bệnh nhân của mình. Cụ ông hơn 80 tuổi được chuyển đến lúc chiều muộn, cứ ngỡ ông cụ không qua khỏi nhưng ông đã kiên cường vượt qua. Qua trò chuyện, cụ cho biết lâu nay, cụ chỉ sống một mình và cụ chỉ nhớ tên một người cháu. “Từ người cháu này, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tìm được hai người cháu nữa và người cháu thứ ba mới đúng là cháu họ gần của ông. Người này có vợ con, ngại rước ông về trong cảnh dịch giã nên bệnh viện đành gửi cụ vào viện dưỡng lão” - chị Kiều Em nhớ lại.

Từ ngày được chuyển vào đây, một bệnh nhân gần 50 tuổi mà chị Kiều Em thường gọi bằng chú chỉ nằm lặng lẽ, ánh mắt đầy ưu tư, không nói cho nhân viên y tế số điện thoại hay bất cứ thông tin gì về mình. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chị Kiều Em biết được chú từng mở một tiệm may, dịch bệnh làm cửa tiệm phá sản, chú còn nợ mấy tháng tiền thuê nhà.

“Chú nói muốn về quê vì cha mẹ già lắm rồi, không biết bây giờ ra sao. Tôi nói chú ráng đi, khi chú hết bệnh, tụi con sẽ đưa chú về. Thế là chú cố gắng từng ngày. Nhưng do bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, vài ngày sau, bệnh chú trở nặng, chú mất. Chú mất khi đang có lại tinh thần lạc quan, ham sống và tôi cảm thấy mình bất lực”.

Vừa nghe chị Kiều Em hỏi địa chỉ nhà để xe bệnh viện đưa về, một nữ bệnh nhân vừa khỏi bệnh khóc nức nở. Dỗ dành mãi, bà mới nói không có nơi để về. Gia đình bà có năm người, thuê trọ ở TPHCM kiếm sống qua ngày. Cả năm người đều mắc COVID-19, trong đó bốn người gồm chồng, con và cháu của bà đã không qua khỏi. Ở đây, bà không còn người thân; ở quê cũng vậy. Sau nhiều ngày tìm kiếm, may mắn người cháu ở một tỉnh xa đã chấp nhận đón bà về.

Còn sức, còn cố gắng 

Vừa kết thúc tua trực đêm, chị Phan Thanh Loan - điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm trưởng tua trực Khoa ICU số 2A, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - khá mỏi mệt. Khoa ICU số 2A là nơi các bệnh nhân COVID-19 nằm ở ranh giới giữa sự sống và cái chết. Bất cứ nhân viên y tế nào khi đã vào tua trực đều không thể chợp mắt bởi tính mạng bệnh nhân rất mong manh, có người còn xin bút giấy để viết di thư cho gia đình. 

Điều dưỡng Phan Thanh Loan cùng ê-kíp đưa thai phụ mắc COVID-19 đến phòng mổ
Điều dưỡng Phan Thanh Loan cùng ê-kíp đưa thai phụ mắc COVID-19 đến phòng mổ

Lúc cao điểm dịch, bệnh nhân nặng rất đông, nhân viên y tế mệt rã rời vì không chỉ lo chuyên môn mà còn động viên, đút ăn, thay tã cho bệnh nhân. “Chúng tôi nói với nhau, tuy sức người có hạn nhưng còn sức thì còn cố gắng, còn người sẽ còn hy vọng, hãy làm tất cả những gì có thể cho bệnh nhân. F0 rất cô đơn, không có người nhà bên cạnh nên mình phải xem họ như người thân” - điều dưỡng Thanh Loan kể.

Dù rất cố gắng, chị Thanh Loan và đồng nghiệp đã không ít lần phải gói lại di vật, di thư của những bệnh nhân không may qua đời. Nhiều lần, theo yêu cầu của bệnh nhân, chị mang giấy viết đến giường để bệnh nhân ghi lại lời dặn dò với người thân trước phút lâm chung. Một bệnh nhân nam 34 tuổi chuyển nặng, hành trang cuối đời chỉ có hai bức ảnh, một tấm chụp cả gia đình, một tấm chụp đứa con trai nhỏ. Ngày nào anh cũng lấy ảnh ra xem. Ngày anh đi, tay anh vẫn còn cầm chặt ảnh người thân.

Nhưng ở Khoa ICU số 2A không chỉ có chuyện buồn. Nhiều bệnh nhân đã hồi phục, xuất viện. Có bệnh nhân hứa khi về nhà sẽ giảm cân, chăm tập thể dục hơn; có bệnh nhân hẹn khi nhà mở quán ăn trở lại, sẽ mời bác sĩ, điều dưỡng đến ăn. Và ở khoa, cũng có cả tiếng khóc trẻ con chào đời. Chị Thanh Loan từng chứng kiến ba thai phụ chiến thắng COVID-19, mẹ tròn con vuông. Chị Loan cười: “Lúc đó, tôi và đồng nghiệp thấy ấm lòng lắm. Mầm sống bé nhỏ ấy mang đến cho chúng tôi nhiều quyết tâm và hy vọng về ngày mai”.

Gần một năm chưa về nhà, chị Thanh Loan vẫn gọi điện cho mẹ, xin được ở lại bệnh viện làm việc đến hết tết. 
 

 Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI