Ở nơi “gác cửa sức khỏe” cho dân

Bài cuối: Cần chính sách tốt để hút người giỏi về trạm y tế

01/03/2022 - 06:23

PNO - Ông L.K. bị thoát vị đĩa đệm cột sống thể nặng. Nhiều năm trước, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM là nơi ông thường xuyên lui tới để điều trị bệnh nhưng gần hai năm nay, ông chọn đến Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh.

Trạm y tế kiểu mẫu

Trước đây, như nhiều người khác, ông K. nghĩ rằng, trạm y tế chỉ là nơi phòng, chống dịch bệnh và chích ngừa chứ không có chức năng chữa bệnh. Thêm nữa, “Trạm Y tế phường 22 trước đây rất lụp xụp, nhìn là không muốn vô” - ông K. chia sẻ. Do đó, khi cần khám, chữa bệnh, ông đến bệnh viện; khi nhức đầu, sổ mũi, ông ra tiệm thuốc tây mua uống mà không ghé đến trạm y tế của phường. 

Cuối năm 2019, ông K. đi ngang Trạm Y tế phường 22, ngỡ ngàng khi thấy trạm được xây khang trang, cao mấy tầng. Ông cũng nghe nhiều người truyền tai về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà do trạm này triển khai. Ngày nọ, thấy trong người mệt mỏi, ông đến trạm để được thăm khám. “Lúc vào đây, tôi rất bất ngờ vì thấy chỗ để xe gọn gàng, phòng ốc tinh tươm. Trạm có nhiều phòng chuyên khoa độc lập với trang thiết bị đầy đủ. Tôi đi thử một vòng, thấy trạm như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ” - ông K. kể. 

Mỗi ngày, phòng đông y của Trạm Y tế P.22, Q.Bình Thạnh khám và điều trị cho 30 bệnh nhân
Mỗi ngày, phòng đông y của Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh khám và điều trị cho 30 bệnh nhân

Cũng theo ông K., từ đó, mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe, ông đều ra trạm y tế. Đặc biệt, ông rất thích thú khi tham quan phòng đông y - nơi có máy điện xung, máy kéo giãn cột sống, máy hiệu ứng nhiệt, châm cứu: “Tôi chuyển hẳn việc điều trị từ Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM về đây. Mà hình như bác sĩ ở đây mát tay vì tôi thấy bệnh đỡ nhiều”. Y sĩ Nguyễn Thanh Phong - phụ trách phòng đông y của trạm - cho hay, mỗi ngày, phòng tiếp nhận 30 bệnh nhân đến khám và điều trị.

Hôm chúng tôi đến, Trạm Y tế phường 22 khá nhộn nhịp. Chỉ trong một buổi sáng, các phòng chuyên khoa đã khám chữa cho hơn 20 bệnh nhân, ngoài hành lang luôn có khoảng mười người đang chờ. Các bác sĩ, nhân viên y tế niềm nở, vui vẻ trò chuyện với từng bệnh nhân.

Anh N.V.V. tay ôm đầu, máu từ vết thương trên đầu chảy loang xuống cánh tay. Đang thăm hỏi một bà mẹ đưa con đến tiêm chủng, chị Ngô Thị Minh Thu - Trưởng trạm Y tế phường 22 - liền chạy đến sơ cấp cứu cho anh V. Sau khi sát khuẩn, làm sạch vết thương và khâu ba mũi cho bệnh nhân, chị Minh Thu ân cần: “Anh cố gắng đừng để ướt vết thương; nếu phải gội đầu thì sau khi gội xong, nhớ đến đây xử lý liền”. Anh V. kể, anh làm phụ hồ cho một công trình gần đây, bị cây xà gồ rớt trúng đầu. May mà trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, anh lưu địa chỉ của trạm nên lúc bị tai nạn, liền đến đây, rất tiện.

Không phải ngẫu nhiên mà Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh lại thu hút nhiều người dân đến vậy. Theo chị Minh Thu, Trạm Y tế phường 22 là mô hình điểm trạm y tế hoạt động theo hướng y học gia đình. Theo đó, năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 21 hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư quy định cơ sở y học gia đình là cơ sở tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa. Mô hình y học gia đình được kỳ vọng giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện tuyến trên. Được chọn lựa thí điểm theo mô hình này, thời gian qua, Trạm Y tế  phường 22 được đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng bài bản.

Ngoài nhân lực cơ hữu, trạm còn liên kết với các bệnh viện để phối hợp khám, chữa bệnh hiệu quả ngay tại cơ sở. Bệnh án của bệnh nhân được điện tử hóa để các bác sĩ dễ dàng theo dõi, liên thông, chuyển viện trong các trường hợp bệnh nặng. “Một may mắn của trạm là sau đợt dịch bệnh vừa qua, người dân trong phường biết và đến trạm khám, chữa bệnh rất nhiều, bao gồm khám, chữa các di chứng thể nhẹ sau khi mắc COVID-19” - chị Minh Thu cho hay.

Khó giữ chân người giỏi

Trạm Y tế phường 22, quận Bình Thạnh có tổng cộng 9 nhân viên và 2 bác sĩ đa khoa. Theo chị Minh Thu, trong dịch bệnh, có những ngày, phường ghi nhận 300 ca mắc COVID-19 (F0) khiến nhân sự ở trạm liên tục bị quá tải công việc. Sắp tới, khi trạm hoạt động theo mô hình y học gia đình bên cạnh đảm trách 18 chương trình chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế cho gần 70.000 dân của phường, nhân sự của trạm cơ bản đáp ứng được công việc. Điều mà chị Minh Thu lo lắng nhất chính là 2 bác sĩ đang công tác tại trạm dưới dạng hợp đồng, bởi chính sách đãi ngộ vẫn phải trông chờ cấp trên.

Bác sĩ Đinh Quang Nhân (chuyên khoa 1 nội tổng quát) cho hay, ông về công tác tại Trạm Y tế phường 22 từ tháng 9/2021. Trước đó, ông làm việc cho một phòng khám đa khoa lớn ở TPHCM. “Dịch bùng phát, tôi xung phong đi chống dịch, chứng kiến đội ngũ nhân viên y tế cơ sở quá cực nên quyết định làm việc theo diện hợp đồng với trạm để đỡ đần cho đồng nghiệp” - bác sĩ Nhân kể. 

Bác sĩ Đinh Quang Nhân trò chuyện với các bệnh nhân đến khám bệnh ở Trạm Y tế P.22
Bác sĩ Đinh Quang Nhân trò chuyện với các bệnh nhân đến khám bệnh ở Trạm Y tế phường 22

Theo ông, điều khiến ông vui và hạnh phúc nhất khi công tác ở trạm là được tiếp xúc với rất nhiều người dân, hiểu và gần gũi họ. Với tính chất công việc, ông có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Ông trải lòng: “Nhiều người có thu nhập thấp, làm nghề bán vé số, đạp xích lô, lượm ve chai đổ bệnh nhưng không có tiền đến bệnh viện nên vào trạm y tế. Thậm chí, họ thích vào trạm hơn bởi không phải chầu chực cả ngày như khi vào bệnh viện. Giúp được họ khiến tôi thấy công việc của mình rất có ý nghĩa”.

Yêu công việc ở trạm, nhưng bác sĩ Đinh Quang Nhân thừa nhận, chỉ có thể gắn bó với y tế cơ sở cho đến khi thấy không thể sống được với mức lương hiện tại: “Tôi không đòi hỏi, nhưng thu nhập phải đủ sống thì mới an tâm cống hiến. Có lẽ ai cũng vậy thôi”. Theo ông, lương thực nhận chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 1/4 so với mức lương của bác sĩ ở phòng khám đa khoa, nhưng công việc lại áp lực, nặng nhọc hơn rất nhiều. Y tế cơ sở là tuyến gần gũi người dân nhất nên ông mong chính quyền TPHCM không chỉ có các chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực mà còn có chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng hiệu quả hơn. 

Chính quyền địa phương “gỡ khó” cho y tế cơ sở

Vừa qua, quận 11 dẫn đầu các quận, huyện của TPHCM về tốc độ tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân. Theo bác sĩ Vương Anh Tài - Trưởng phòng Y tế quận 11 - ngay khi UBND thành phố triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, UBND quận chủ động vận động hệ thống y tế tư nhân và lực lượng y, bác sĩ về hưu trong quận vào cuộc. Sau đó, chính đội ngũ này tiếp tục cùng với các trạm y tế cố định chăm sóc, điều trị cho người mắc F0 tại nhà khi các lực lượng hỗ trợ của Sở Y tế TPHCM, quân y của Bộ Quốc phòng rút về. 

TP.HCM vừa thực hiện chương trình tăng cường nguồn bác sĩ trẻ cho các trạm y tế phường xã để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở
TPHCM vừa thực hiện chương trình tăng cường nguồn bác sĩ trẻ cho các trạm y tế phường xã để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở

Đến nay, ngành y tế quận 11 vẫn duy trì 9 trạm y tế lưu động, trong đó một số trạm phụ trách đến hai phường, đảm bảo đủ 16 đội y tế lưu động/16 phường để hỗ trợ 16/16 trạm y tế cố định. “Việc nới lỏng biện pháp cách ly kéo theo số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Phần lớn bệnh nhân không trở nặng nhưng việc duy trì các trạm y tế lưu động là cần thiết, nhằm có sự tập trung theo dõi, chăm sóc và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đặc biệt là với F0 có bệnh nền, thuộc nhóm nguy cơ cao” - bác sĩ Vương Anh Tài chia sẻ.

 

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Không để y tế cơ sở đơn độc

Công tác chống dịch vừa qua tại TPHCM một lần nữa nhấn mạnh vai trò của y tế cơ sở. Bên cạnh đề án nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, trong thời gian qua, Sở Y tế TPHCM còn mạnh dạn đề xuất một số cơ chế mang tính đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND TPHCM để củng cố, nâng cao năng lực cho các trạm y tế. Cụ thể, sở đã soạn thảo nghị quyết để trình UBND TPHCM về việc cho phép các trạm y tế được hợp đồng với bác sĩ nghỉ hưu, bổ sung dược sĩ, hộ lý và các cơ chế hỗ trợ thu nhập để nhân viên các trạm y tế an tâm công tác. 

Việc củng cố, nâng cao chất lượng của y tế cơ sở là trách nhiệm, ưu tiên hàng đầu của ngành y tế TPHCM trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm này. Tờ trình đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được lấy ý kiến từ các bộ, sở, ban, ngành liên quan. Tới đây, kỳ họp HĐND TPHCM sẽ xem xét, thảo luận và nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ mở ra cánh cửa quan trọng cho sự phát triển của y tế cơ sở.

Nếu củng cố được năng lực của y tế cơ sở, chúng ta sẽ chủ động được trong nhiều hoạt động khác. Trước hết, đó là chăm sóc sức khỏe cho người dân, quản lý sức khỏe những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây, triển khai thực hiện các chương trình sức khỏe khác, đồng thời chủ động được nguồn lực trong trường hợp cấp bách liên quan đến dịch bệnh. 

Đối với những cơ chế chính sách không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố, Sở Y tế TPHCM vẫn tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành liên quan, như kiến nghị Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc của trạm y tế tương đồng với danh mục thuốc của bệnh viện tuyến trên khi chăm sóc bệnh nhân nội trú. Hiện nay, ngành y tế quy định các trạm y tế chỉ có bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh nhưng để trạm y tế phát triển, cần nhiều nhân viên khác, như kỹ thuật viên xét nghiệm, y sĩ đông y… Chúng tôi cũng rất kỳ vọng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi theo hướng nhân viên y tế công tác ở các trạm y tế càng xa trung tâm thì mức lương phải càng cao.

 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Cần có nhiều chính sách thu hút bác sĩ giỏi

Y tế cơ sở ví như hệ thống “gác cửa” sức khỏe cho người dân. Qua đại dịch, chúng ta đã thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Do đó, y tế cơ sở cần phải được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngành y tế TPHCM hiện có nhiều chương trình hành động để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, trong đó có chương trình đưa bác sĩ trẻ về trạm. 

Theo tôi, để tăng cường, phát huy năng lực cho các trạm y tế, trước tiên, phải có nhiều chính sách thu hút bác sĩ giỏi. Để làm được điều này, trước hết, phải có sự phân bổ hợp lý tỷ lệ bác sĩ ra trường về y tế cơ sở so với bác sĩ về các bệnh viện. Các em về cơ sở cũng phải được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu công việc và nhận được các chính sách đãi ngộ về tiền lương, cơ hội học tiếp chuyên khoa, thậm chí học cao học, tiến sĩ. Hai là, cần có chính sách hỗ trợ hoạt động chuyên môn của y tế cơ sở, bao gồm bảo hiểm y tế, thuốc, trang thiết bị và sự hỗ trợ của hệ thống y tế tuyến trên, sao cho có sự luân chuyển, phối hợp nhịp nhàng giữa tuyến cơ sở và tuyến quận huyện, các bệnh viện. 

Ba là, có chính sách liên quan đến người sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, tức người dân. Người dân phải được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở y tế cơ sở, có nhiều gói dịch vụ và nếu được thì nên miễn phí cho họ. Ví dụ như một năm, người dân được khám sức khỏe miễn phí hai lần nếu đăng ký khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Sau đó, cần hướng tới việc bác sĩ ở cơ sở lập hồ sơ theo dõi sức khỏe để người dân được chăm sóc kịp thời và liên tục, khi cần thì chuyển lên bệnh viện tuyến trên. 

Trong đợt dịch vừa qua, nếu không có hệ thống y tế cơ sở thì bệnh nhân phải chuyển lên tầng điều trị 2, 3 rất nhiều, có thể dẫn đến một tỷ lệ tử vong khủng khiếp. Do vậy, tăng cường y tế cơ sở không chỉ đáp ứng tình hình mới mà là giải pháp căn cơ nhằm kiện toàn hệ thống y tế, phân bố lại luồng bệnh nhân một cách hợp lý theo hướng bảo vệ và chăm sóc ban đầu tại cơ sở, sau đó mới tới tuyến trên. 

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nhân sự ở y tế cơ sở không có chuyên môn sâu. Thực chất, đây là tư duy tồn tại từ lâu và cần phải có thời gian để xóa bỏ nó, tức là lấy lại lòng tin của người dân. Ngành y tế cần quan tâm triển khai những hoạt động thiết thực và hiệu quả để người dân tin tưởng giao sức khỏe của mình cho trạm y tế chăm sóc. Cái cốt lõi nhất để tăng cường y tế cơ sở và niềm tin trong người dân là triển khai mạng lưới bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế cơ sở, vốn gần người dân nhất. Song song đó, cần tăng cường hơn nữa hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tại nhà và chỉ có y tế cơ sở mới làm được điều này.

Tuyết Dân (ghi) 

Phong Vân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI