Nhắc âm nhạc dân gian, thì âm nhạc đó phải sống được vững bền trong dân gian. Nhưng có loại hình đã biến mất. Có loại hình sân khấu hóa, không còn ẩn tàng hòa nhịp cùng hơi thở của đời sống người dân lao động nữa. Dân ca Nghệ Tĩnh có lẽ là một cá biệt. Đô thị hóa “tận răng” từng ngóc ngách làng mạc cũng không “đô thị hóa” nổi một loại hình diễn xướng có từ lâu đời, ăn vào văn hóa sông Lam núi Hồng ấy.
Không biết vì sao, khi đi thật xa khỏi cái chốn quê ấy, neo lại cuối cùng, lại là hình ảnh bọn trẻ con theo gót các chị, các mẹ, các bà, đi trong những đêm trăng sáng giữa đồng, bập bẹ tập tành hát mấy câu ví dặm. Câu hát “răng mà thương mà nhớ” đó, bất chợt nghe khiến tim rụng rơi giữa chốn phố phường xa lạ, mới vỡ òa một điều, rằng Người cũng như bao con dân xứ Nghệ, câu ví dặm như máu thịt mẹ cha, như đất đai tiên tổ…
Ngôi nhà mộc mạc đơn sơ của gia đình Bác Hồ ở làng Sen
1.
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có tám anh chị em. Khi mẹ lớn lên, ông ngoại đã thôi diễn tuồng trong dân gian, yên phận với chức trưởng họ. Nghe người làng lâu lâu vẫn nhắc “ông nhà bây xưa tê diễn tuồng cổ hay lắm”. Trong trí óc của mẹ, giờ chỉ còn thấp thoáng cảnh ông múa, ca, đi đi lại lại giữa sân, cờ lệnh màu vàng màu đỏ giắt sau lưng và hình ảnh bà ngoại kéo võng hát ru bốn đứa em ngủ. Đó là những buổi trưa tháng Sáu, tháng Bảy, gió Lào về sém da sém thịt. Rát rựa từ ngoài sân vào tận trong nhà.
Ngày đó, lũ trẻ con chúng tôi theo mẹ, dì, các bà, các o trong làng đi nghe hát ví, hát dặm. Ví, dặm có nhiều điệu, tùy từng địa phương. Riêng ví, có thể kể ra như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo, ví giận thương... Bài vui cũng nhiều, bài buồn không ít. Trữ tình quê hương, tình yêu đôi lứa, lao động sản xuất, lời răn dạy làm người, ơn nghĩa sinh thành… Bất cứ ai cũng tìm thấy ở đó một mảnh hồn của mình.
Quê tôi hay tổ chức các cuộc thi văn nghệ quần chúng vào những ngày lễ lớn. Trước ngày thi chính thức vài ngày, các làng thường có buổi tổng duyệt trước cho dân làng xem. Người làng này kéo nhau sang làng khác để xem rôm rả. Ngày đó, đi bộ xem là chủ yếu, làm chi có xe máy bon bon như bây giờ.
Nhưng cũng vì vậy mà tôi được đi trong những mùa trăng sáng nhất, đẹp nhất (có lẽ của cuộc đời mình). Người các làng đi thành từng tốp. Trai gái, già trẻ đủ cả. Mấy thanh niên nghịch ngợm, đáo để, thể nào cũng sẽ khơi màn bằng mấy câu hò “chào sân”, sau đó, là mấy bài ví ghẹo hoặc hát giao duyên. Hai bên cứ ghẹo qua ghẹo lại như thế. Nói cười vang cả một vùng.
Hoặc trong những lần “tổng động viên” đào mương đắp kênh, làm thủy lợi, đám thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân thường được “triệu tập”. Mẹ tôi nhớ lại, có khi người huyện này sang huyện kia giúp, đi hàng tuần, xa thì có khi cả tháng mới về. Và trong những lần đó, thể nào, cũng không thiếu vắng tiếng hát dân ca. Hát đối từ rú (núi) ni sang rú bên tê. Hoặc từ đồng bên ni sang đồng bên tê.
Mà không chỉ Phủ Diễn của tôi, cái chuyện hay làm hay hát như một cái nếp thân quen ở các huyện khác của xứ Nghệ. Như làng Thượng Yên thuộc huyện Quỳnh Lưu quê bạn tôi trước đây, sau mùa thu hoạch bông, dân làng thường tổ chức kéo sợi, dệt vải. Các xa kéo sợi thường hoạt động vào ban đêm, nhất là vào những đêm trăng sáng, và thường tập trung ở một gia đình nào đó để kéo sợi.
Đó cũng là lúc các bà, các chị cất lên những câu hò, điệu hát. Các nam thanh niên đi chơi trăng hóng mát, nghe giọng hát phường vải, cũng cất lên những bài hát ghẹo vui tai. Điệu hát mà các phường vải làng Thượng Yên thường dùng là hát ví, hát dặm, hát cò lả, trống quân…
Một bô lão của xứ kể tôi nghe, không như bây giờ, dân xứ Nghệ xưa kia biết sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền như sáo tre, nhị, kèn, đàn bầu, đàn tranh, tì bà, đàn nguyệt, hồ quyền... Có lúc, những người thạo các loại nhạc cụ này tụ lại thành một phường, gọi là phường bát âm, tham gia các buổi hội hè, đình đám làm tăng phần vui nhộn, khi thì phục vụ các buổi lễ tế làm tăng vẻ tôn nghiêm, trang trọng.
Nói xong, ông tiếc thườn thượt cái không khí một thuở dân ca ấy.
Làng Sen quê Bác
2.
Nói tiếc là tiếc cái không khí chòm xóm yên vui quây quần sau lũy tre làng. Tiếc cái không khí lao động, hát ca say sưa khi ấy. Chứ thực tình, trong các loại diễn xướng dân gian ở nước ta, còn nơi nào giữ được cái tình dân ca nối dài như dân ca xứ Nghệ nói chung và ví, dặm nói riêng?
Nhắc âm nhạc dân gian, thì âm nhạc đó phải sống được vững bền trong dân gian. Nhưng có loại hình đã biến mất. Có loại hình sân khấu hóa, không còn ẩn tàng hòa nhịp cùng hơi thở của đời sống người dân lao động nữa. Dân ca Nghệ Tĩnh có lẽ là một cá biệt. Đô thị hóa “tận răng” từng ngóc ngách làng mạc cũng không “đô thị hóa” nổi một loại hình diễn xướng có từ lâu đời, ăn vào văn hóa sông Lam núi Hồng ấy. Về Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, đi khắp các thôn cùng ngõ hẻm, vẫn nghe người xứ Nghệ hát ví, dặm. Từ những bài cổ, cho tới những bài mới được soạn sau này.
Đặc trưng của loại hình diễn xướng dân gian này là gì, để nó có thể bắt rễ lâu và sâu đến như vậy? Nhiều nhà nghiên cứu, ca - nhạc sĩ và cả những người nông dân chân trần đều có những lý giải từ góc nhìn của mình. Song, tôi vẫn thích nhất câu trả lời của nhạc sĩ An Thuyên, đó là nỗi buồn. Buồn tận đáy.
Từ cái hồn dân ca đó, có thể có được những lát cắt, có thêm một góc nhìn về con người xứ Nghệ. Rằng, đó là nơi mà con người biết sống thật và nói ra được nỗi buồn thăm thẳm của mình… Có lẽ vì thế, dẫu đi xa, nhiều người con vẫn cứ ám ảnh với nỗi buồn sâu thẳm đó của dân ca Nghệ Tĩnh, vẫn cứ sống với nỗi buồn đó trong hai tiếng quê hương.
Và có lẽ, vì vậy, cả cuộc đời đi xa làm cách mạng, trong những năm cuối đời, Bác lại muốn nghe một câu hò, ví, dặm. Các đồng chí Trung ương tìm người đến hát cho Bác nghe. “Ở Nghệ An, cháu có biết hát ví phường vải không? Tôi thưa, cháu chỉ nghe nói chứ chưa phân biệt được ví phường vải với ví đò đưa, ví dặm ra sao cả. Bác giải thích, ngày xưa ở quê ta hay trồng dâu nuôi tằm quay tơ dệt vải, rồi hát đối đáp bên này một câu, bên kia một câu gọi là hát phường vải…”. Bà Thái Thị Kiều Anh, quê Diễn Châu, lúc đó công tác tại Ty Bưu điện tỉnh Nghệ An, ra Hà Nội dự Hội diễn đơn ca nghiệp dư trẻ toàn quốc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, vào cuối năm 1968, giáp tết Nguyên đán kể lại kỷ niệm gặp Bác. Bảy tháng sau, Bác ra đi mãi mãi.
Chuyện Bác Hồ thèm nghe một khúc hát dân ca xứ Nghệ sau này được nhạc sĩ Trần Hoàn đưa vào trong ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa, bằng giai điệu ví dặm Nghệ Tĩnh. Lời bài hát có đoạn: “Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu hò xứ Nghệ/ Bởi làng Sen day dứt trong tim”…
Thì ra, phút giây cuối cùng, lá rụng về cội. Ước muốn sau cùng, lại là bài ca của đất mẹ.