Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TPHCM tổ chức xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM giai đoạn 1975-2025. Đây là những cá nhân có công trạng và đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM từ năm 1975 đến nay. Đồng thời, phải có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín cao và tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực hoạt động và xã hội. Vừa qua, TPHCM đã công bố danh sách đề cử để lấy ý kiến rộng rãi. Danh sách gồm 60 cá nhân ở 7 lĩnh vực chính: chính trị, quản lý nhà nước (bao gồm ngoại giao); hoạt động xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông; kinh tế; quốc phòng - an ninh; và dân tộc, tôn giáo.
Trong đó, có 9 văn nghệ sĩ, gồm có: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há, NSND - soạn giả Viễn Châu, NSND Kim Cương, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NSND - đạo diễn Phạm Khắc, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Báo Phụ nữ TPHCM sẽ giới thiệu lại với quý bạn đọc những dấu ấn nổi bật của những tên tuổi được đề cử này. Từ đó, giúp mọi người nhìn lại những cống hiến của họ cũng như đóng góp của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM 50 năm qua. Bài 1: NSND Phùng Há suốt đời vì nghệ sĩ nghèo Bài 2: NSND Viễn Châu - không chỉ là “vua vọng cổ” Bài 3: GS.TS Trần Văn Khê: một đời vì âm nhạc dân tộc Bài 4: NSND Kim Cương: xứng danh “kỳ nữ” Bài 5: Xuân Hồng - nhạc sĩ của những khúc ca mùa xuân Bài 6: Diệp Minh Châu - Nhà điêu khắc luôn khắc hình Bác trong tim Bài 7: Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - Người để lại giá trị trên mọi “mặt trận văn hóa” Bài 8: Trịnh Công Sơn và một Sài Gòn - TPHCM nhiều nhớ thương |
 |
Trong các đề cử cá nhân tiêu biểu đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM 50 năm qua ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và báo chí truyền thông, thì NSND Phạm Khắc (1939 - 2007) là người duy nhất hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh - truyền hình - Ảnh: HTV |
Ngày 1/8/2004, bộ phim tài liệu Mekong ký sự lên sóng và lập tức trở thành “hiện tượng” truyền hình, mặc dù không được xếp vào khung “giờ vàng”. Lần hiếm hoi, một bộ phim tài liệu thu hút đông đảo bạn xem đài không thua các phim truyện “giờ vàng” ăn khách. Chưa kể, HTV đã cho phát hành đĩa và tiêu thụ đến hơn 60.000 bản (một mức kỷ lục) ngay trong lúc phim vẫn đang phát sóng.
Như một điều tất yếu, Mekong ký sự trở thành chủ nhân của giải Cánh diều vàng 2005 cho thể loại phim tài liệu và hàng loạt giải thưởng uy tín khác. Với sự mở đường của Mekong ký sự, những Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa, Ký sự Amazon, Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác, Trở lại Volga, Bên dòng Missisipi, Ký sự Tân Đảo, Hành trình theo dấu ba vua… lần lượt lên sóng HTV, dần định hình một dòng phim ký sự khám phá “made in Vietnam”. Và công đầu dĩ nhiên thuộc về NSND Phạm Khắc - chủ biên và tổng đạo diễn của Mekong ký sự.
 |
NSND Phạm Khắc (giữa) và ê kíp làm phim Mekong ký sự - Ảnh: HTV |
Tham gia cách mạng từ năm 1956, Phạm Khắc là một trong số ít nhân tố được đào tạo chính quy về báo chí và điện ảnh từ chiến khu vào năm 1963. Năm 1964, ông theo chân các chiến sĩ giải phóng về quay phim tại đồng bằng sông Cửu Long, làm nên bộ phim đầu tay Chiến thắng đồn Cây Điệp, cũng là bộ phim đầu tiên về đồng bằng sông Cửu Long thời đánh Mỹ, và chính thức trở thành phóng viên chiến trường.
Ông quay nhiều trận đánh, như chiến dịch Đông Xuân (1963 - 1964) với chiến thắng Bình Giã, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với các trận đánh tên đường phố Sài Gòn… Trong đó, bộ phim tài liệu Chiến thắng Bình Giã được đại tướng Nguyễn Chí Thanh đánh giá rất cao dù chỉ xem qua bản dựng nháp. Chiến thắng Bình Giã cũng là tác phẩm điện ảnh giải phóng duy nhất nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng (năm 1965).
 |
Chiến thắng Bình Giã - Ảnh: TTXVN |
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận xét tài năng và nghệ thuật của Phạm Khắc đi theo sự gan dạ của ông. Hình ảnh Phạm Khắc vừa cầm máy quay phim vừa cầm súng lăn xả giữa chiến trường gây ấn tượng rất mạnh. Như ở trận Bình Giã, có một chiếc xe của giặc thất trận chạy rớt xuống sông, và Phạm Khắc đã chạy theo để quay được cảnh đắt giá ấy.
Năm 1970, Phạm Khắc nhận lệnh “vượt Trường Sơn” ra Bắc, công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp tục làm nên những thước phim huyền thoại: Cuộc đọ sức 5 ngày đêm (giải I về nghệ thuật Liên hoan phim quốc tế Praha), Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (Bông Sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần II). Phạm Khắc cũng là phóng viên quay phim ở Hội nghị Paris.
Sau khi tu nghiệp đạo diễn truyền hình tại Cộng hòa dân chủ Đức, Phạm Khắc về công tác tại TPHCM từ năm 1976, cho ra đời hơn 30 phim tài liệu, như: Sư đoàn 9 anh hùng, Quân đoàn 4 tuổi 20, Lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long, Hòn đảo ngọc, Chuyện kể Yuk Sarết, Tiếng vọng đồng quê, Gặp lại Ấp Bắc, Khi đàn sếu trở về… và đỉnh cao là bộ phim tài liệu dài nhất Mekong ký sự (70 tập).
Năm 1991, với vai trò là phó giám đốc HTV, Phạm Khắc thành lập Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) trực thuộc HTV và là giám đốc đầu tiên của hãng. Năm 1996, ông trở thành giám đốc HTV, tiếp tục có nhiều cống hiến phát triển ngành truyền hình TPHCM.
 |
NSND Phạm Khắc góp công sáng lập Cuộc đua Xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM - Ảnh: HTV |
NSND Phạm Khắc cũng là một trong những người sáng lập Cuộc đua Xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM. Ra đời từ năm 1989, với việc kết thúc vào đúng 11g30 ngày 30/4 hàng năm tại hội trường Thống Nhất, đây không chỉ là sự kiện ý nghĩa kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, mà đến nay đã trở thành giải đua xe đạp có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn và sâu rộng nhất Việt Nam, đóng góp tích cực cho thể thao nước nhà.
Với tất cả những đóng góp của mình cho nền phim tài liệu và truyền hình, Phạm Khắc được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” năm 1984 và danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” năm 1997. Ông nhận danh hiệu “Anh hùng lao động” năm 2000.
Đông A