Đề cử 50 cá nhân tiêu biểu TPHCM giai đoạn 1975-2025

Bài 8: Trịnh Công Sơn và một Sài Gòn - TPHCM nhiều nhớ thương

31/03/2025 - 09:16

PNO - Ở Sài Gòn - TPHCM, dấu ấn của Trịnh Công Sơn không chỉ có tại căn nhà trong con hẻm Phạm Ngọc Thạch mà lan tỏa nhiều nơi. Để rồi đến tháng Hai (ngày sinh nhạc sĩ), tháng Tư (ngày mất của nhạc sĩ) hay nhiều thời điểm khác trong năm, bên dưới hàng me, góc phố, nhạc Trịnh vẫn âm ỉ “sống” cùng thời gian.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TPHCM tổ chức xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM giai đoạn 1975-2025. Đây là những cá nhân có công trạng và đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM từ năm 1975 đến nay. Đồng thời, phải có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín cao và tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực hoạt động và xã hội.

Vừa qua, TPHCM đã công bố danh sách đề cử để lấy ý kiến rộng rãi. Danh sách gồm 60 cá nhân ở 7 lĩnh vực chính: chính trị, quản lý nhà nước (bao gồm ngoại giao); hoạt động xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông; kinh tế; quốc phòng - an ninh; dân tộc, tôn giáo.

Trong đó, có 7 văn nghệ sĩ: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há, NSND Viễn Châu, NSND Kim Cương, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Báo Phụ nữ TPHCM sẽ giới thiệu lại với quý bạn đọc dấu ấn nổi bật của những tên tuổi được đề cử này. Từ đó, giúp mọi người nhìn lại những cống hiến của họ cũng như đóng góp của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM 50 năm qua.

Bài 1: NSND Phùng Há suốt đời vì nghệ sĩ nghèo

Bài 2: NSND Viễn Châu - không chỉ là “vua vọng cổ”

Bài 3: GS.TS Trần Văn Khê: một đời vì âm nhạc dân tộc

Bài 4: NSND Kim Cương: xứng danh “kỳ nữ”

Bài 5: Xuân Hồng - nhạc sĩ của những khúc ca mùa xuân

Bài 6: Diệp Minh Châu - Nhà điêu khắc luôn khắc hình Bác trong tim

Trong danh sách được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đưa ra để người dân cùng xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM (1975-2025) có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ở phần tóm tắt sự nghiệp, cố nhạc sĩ được giới thiệu “là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc và nằm trong danh sách những nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam có lượng đĩa bán chạy nhất. Nhạc của ông được nhiều ca sĩ thể hiện, gắn liền tên tuổi với hàng trăm ca khúc của ông. Ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một diễn viên và ca sĩ. Trưa 30/4/1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn và phát biểu, kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trong danh sách bầu chọn là một sự công nhận của thành phố với những đóng góp của ông cho âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và diễn viên Lương Triều Vỹ (thứ hai từ trái sang), đạo diễn Trần Anh Hùng (bìa trái) và diễn viên Trần Nữ Yên Khê vào năm 1997, tại TPHCM. Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long
Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và diễn viên Lương Triều Vỹ (thứ hai, từ trái sang), đạo diễn Trần Anh Hùng (bìa trái) và diễn viên Trần Nữ Yên Khê vào năm 1997, tại TPHCM, bức ảnh do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chụp

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên ở Huế nhưng phần lớn cuộc đời ông gắn bó với Sài Gòn - TPHCM. Cũng tại thành phố này, sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ có nhiều khởi sắc, được công chúng yêu mến.

Năm 19 tuổi, tại Sài Gòn, Trịnh Công Sơn viết bài nhạc đầu tiên trong sự nghiệp. Ca khúc Ướt mi khi đó được dành tặng Thanh Thúy - một giọng ca đồng hương xứ Huế, vào Sài Gòn lập nghiệp, đi hát ở các phòng trà. Dần theo thời gian, nhiều ca khúc khác được ông viết thể hiện một Sài Gòn hoa lệ nhưng bình yên, nên thơ từ đêm mưa rơi cho đến những khung trời xanh hoa mộng. Trịnh Công Sơn có rất nhiều bạn và không ít trong số đó trở thành tri kỷ trong âm nhạc với ông.

Ở Sài Gòn, nhiều người thường xuyên lui tới nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3. Theo lời kể, ở đầu con hẻm này có một quán cà phê cóc, là nơi lui tới của giới văn nghệ sĩ tứ phương. Quán nhỏ xíu nhưng không khi nào vắng khách bởi những câu chuyện thơ ca, nhạc họa khó thể nào mà dứt được. Cũng tại quán cóc này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp gỡ bạn bè, hàn huyên tâm sự, chốc chốc thì vào nhà ở cuối hẻm.

Thời cùng ca sĩ Khánh Ly đi hát miễn phí ở nhiều chương trình dành cho học sinh, sinh viên, đây có lẽ là khoảng thời gian thanh xuân nhất của cả hai bởi họ được mang lời ca, tiếng hát phục vụ đông đảo khán giả. Ca sĩ Khánh Ly kể 10 năm đi hát miễn phí cùng Trịnh Công Sơn dù khổ cực, không nhận về đồng tiền nào nhưng bà thấy hạnh phúc vì được sống trong bầu không khí âm nhạc tươi mới, cảm xúc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dịp tụ họp bạn bè vào năm 1996, tại nhà riêng
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong dịp tụ họp bạn bè vào năm 1996 tại nhà riêng - Ảnh chụp lại ảnh tư liệu của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long

Ở cột mốc 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ôm đàn và hát bài Nối vòng tay lớn. Trước khi thể hiện, ông xúc động kêu gọi mọi người ở lại xây dựng đất nước rằng bấy lâu, chúng ta mơ ước độc lập, tự do, thống nhất thì nay đã đạt được tất cả kết quả đó. “Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước chúng ta” - nhạc sĩ nói.

Sau năm 1975, Trịnh Công Sơn vẫn sống và sáng tác tại TPHCM. Thời gian này, ông viết nhiều bài nhạc, gửi gắm nhiều thông điệp kêu gọi trí thức đừng rời thành phố mà đi. Nhưng ông không hô hào mà có cách viết rất tình, rất thơ mộng. Như ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên, được viết theo lời gợi ý của đồng chí Võ Văn Kiệt, với mong muốn mời gọi thanh niên ở lại dựng xây thành phố. Nhưng nếu không tiết lộ câu chuyện hậu trường này, nhiều người không hề nhận ra vì giai điệu ca khúc du dương, lời nhạc rất đỗi tình: “Em còn nhớ hay em đã quên/Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng/Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân/Nhớ đèn đường từng đêm thao thức/Sáng cho em vòm lá me xanh” (trích Em còn nhớ hay em đã quên).

Trong nhiều chia sẻ của các nghệ sĩ, không ít người nói rằng họ từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “rủ rê” đến Sài Gòn - TPHCM lập nghiệp. Nhiều người được Trịnh Công Sơn hỗ trợ, giúp đỡ nhưng ở nhiều mối quan hệ, nhạc sĩ giữ vai trò gắn kết mọi người với nhau, tạo thành một cộng đồng văn nghệ sĩ cùng yêu mến Sài Gòn - TPHCM.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001) được biết đến là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn tới âm nhạc Việt Nam. Hiện chưa có thống kê cụ thể số nhạc phẩm mà ông sáng tác, chỉ ước tính không dưới 600 ca khúc, trong đó khoảng hơn 1/3 số này được đông đảo công chúng biết đến.

Ông từng là hội viên Hội Âm nhạc TPHCM, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó tổng biên tập phụ san Thế giới Âm nhạc (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Minh Tú (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI