Đề cử 50 cá nhân tiêu biểu TPHCM giai đoạn 1975-2025

Bài 7: Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - Người để lại giá trị trên mọi “mặt trận văn hóa”

30/03/2025 - 07:54

PNO - Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt có đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng đổi mới...

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), TPHCM tổ chức xét chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM giai đoạn 1975-2025. Đây là những cá nhân có công trạng và đóng góp nổi bật, để lại dấu ấn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM từ năm 1975 đến nay. Đồng thời, phải có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín cao và tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực hoạt động và xã hội.

Vừa qua, TPHCM đã công bố danh sách đề cử để lấy ý kiến rộng rãi. Danh sách gồm 60 cá nhân ở 7 lĩnh vực chính: chính trị, quản lý nhà nước (bao gồm ngoại giao); hoạt động xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông; kinh tế; quốc phòng - an ninh; và dân tộc, tôn giáo.

Trong đó, có 7 văn nghệ sĩ, bao gồm: nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há, NSND Viễn Châu, NSND Kim Cương, giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Báo Phụ nữ TPHCM sẽ giới thiệu lại với quý bạn đọc những dấu ấn nổi bật của những tên tuổi được đề cử này. Từ đó, giúp mọi người nhìn lại những cống hiến của họ cũng như đóng góp của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM 50 năm qua.

Bài 1: NSND Phùng Há suốt đời vì nghệ sĩ nghèo

Bài 2: NSND Viễn Châu - không chỉ là “vua vọng cổ”

Bài 3: GS.TS Trần Văn Khê: một đời vì âm nhạc dân tộc

Bài 4: NSND Kim Cương: xứng danh “kỳ nữ”

Bài 5: Xuân Hồng - nhạc sĩ của những khúc ca mùa xuân

Bài 6: Diệp Minh Châu - Nhà điêu khắc luôn khắc hình Bác trong tim

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (1926 – 2007) nguyên là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, vừa là nhà báo, nhà văn và có nhiều công lao trong việc xây dựng nền văn hóa mới. Ông cũng là người từng giúp Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ đạo trong “Xé rào, bung ra”, cổ vũ đổi mới…

Ông tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Năm 1946, ở tuổi 20, chàng thanh niên Trần Bạch Đằng được giao phụ trách tờ báo Chống xâm lăng của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông trở thành Tổng biên tập báo Nhân dân miền Nam của Trung ương Cục.

Nhà báo Trần Bạch Đằng thời trẻ. Ảnh: Thành ủy TPHCM
Nhà báo Trần Bạch Đằng thời trẻ - Ảnh: Thành ủy TPHCM

Trước năm 1975, ông lần lượt đảm nhận các vai trò quan trọng: Bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục và Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau giải phóng, ông vừa công tác ở Trung ương, vừa giúp Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt chỉ đạo trong “Xé rào, bung ra”, viết báo cổ vũ đổi mới. Những bài viết của ông trong thời đổi mới đã có sức mạnh động viên, khuyến khích nhân tố tích cực, đấu tranh không khoan nhượng ý thức/tư tưởng bảo thủ, lạc hậu, quan liêu bao cấp.

Từ thực tế cuộc sống và tình hình phát triển của đất nước, nhà báo Trần Bạch Đằng đã viết ra hàng trăm bài báo, về những vấn đề mà Đảng và nhân dân quan tâm. Nhạy cảm của người làm báo cùng óc quan sát nhạy bén, tư duy sâu sắc đã cho ngòi bút của ông luôn khai thác, gợi mở những vấn đề lớn của xã hội.

Tập sách được nhà xuất bản Trẻ in lần thứ nhất vào năm 2004
Tập sách được nhà xuất bản Trẻ in lần thứ nhất vào năm 2004

Quyển sách Đổi mới đi lên từ thực tế của nhà báo Trần Bạch Đằng được nhà xuất bản Trẻ in lần đầu vào năm 2004, tập hợp 100 bài viết đặc sắc nhất của ông, gắn liền với thực tế đổi mới và đi lên của đất nước ta từ năm 1975-2000.

Cuốn sách gồm 3 phần: Thôi thúc của đổi mới, Gian nan buổi đầuChín năm cho một cuộc hồi sinh đã phần nào khắc họa diện mạo của đất nước và tinh thần của nhân dân trong những năm đầu sau giải phóng cho đến năm 2000.

“Gia tài báo chí” của nhà báo Trần Bạch Đằng sau này còn có hàng trăm bài báo sắc sảo, ngòi bút không khoan nhượng trước những vấn đề lớn của xã hội, ông luôn sẵn sàng lên tiếng phê phán tiêu cực và có nhiều kiến nghị/đề xuất góp phần đưa đất nước đi lên.

Ván bài lật ngửa là dấu ấn đặc sắc của nhà văn Trần Bạch Đằng - ở lĩnh vực văn học lẫn điện ảnh
Ván bài lật ngửa là dấu ấn đặc sắc của nhà văn Trần Bạch Đằng - ở lĩnh vực văn học lẫn điện ảnh

Nhiều năm sau ngày nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đi xa, nhiều người vẫn nhắc nhớ ông với những lời gan ruột như là tâm niệm của cả đời ông, rằng “Làm thế nào để đất nước tiếp tục đi nhanh hơn trên con đường đổi mới; Làm thế nào để Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo và cán bộ/đảng viên luôn gần dân, được dân tin dân mến…”

Không chỉ trên phương diện báo chí mà dấu ấn của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng còn để lại trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Cả cuộc đời ông dành tấm lòng và sự nhiệt huyết cho sự phát triển của đất nước, chăm lo giáo dục sâu sát hỗ trợ hoạt động hỗ trợ Thành đoàn, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, nhà xuất bản Trẻ, Trường Đoàn…

"Một người cộng sản đích thực, một cây bút trí tuệ, tài hoa" là hình ảnh mà người đời nhớ về ông - một nhà cách mạng lão thành giàu nhiệt huyết, một nhà báo với "trái tim nóng và cái đầu lạnh", một nhà văn và một nhà thơ với những tác phẩm còn mãi giá trị để lại cho đời.

Cuốn sách về Trần Bạch Đằng
Cuốn sách Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam bộ được in vào năm 2019 để tưởng nhớ ông - Ảnh: Lục Diệp

Ở lĩnh vực văn chương, ông để lại dấu ấn sâu sắc với bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa (với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý); cùng nhiều tác phẩm khác: Bác Sáu Rồng (1975), Một ngày của bí thư tỉnh ủy (1985), Viết về những người đã khuất (1990)…Bên cạnh đó là các kịch bản phim: Ông Hai Cũ (1985), Dòng sông không quên (1989), Ván bài lật ngửa (1982)…

Ở lĩnh vực nghiên cứu, bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến do ông làm chủ biên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá là tác phẩm xuất sắc. Ngoài ra còn có các công trình khoa học khác: Địa chí văn hóa TPHCM, Địa chí Đồng Tháp Mười, Địa chí sông Bé, Lịch sử Việt Nam…

"Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giương cao ba khẩu hiệu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Độc lập rất cần thiết, nhưng nếu chỉ giành Độc lập mà không có Tự do thì bản thân Độc lập mất ý nghĩa, vì trong trường hợp đó Độc lập chưa chắc thuộc về đông đảo nhân dân.

Độc lập và Tự do mà không Hạnh phúc thì mới chỉ có Độc lập, Tự do một nửa, hoặc còn ít hơn. Quê hương phải sạch bóng quân thù, đồng bào phải dứt bỏ mọi gông xiềng, những người nô lệ phải trở thành người chủ của đất nước, và ai cũng phải có cơm ăn, áo mặc, được học hành.

Ba khẩu hiệu lớn đó là thèm muốn tột độ của Hồ Chủ tịch, là mục tiêu của Đảng ta, là bản chất của Cách mạng Việt Nam và là ruột gan của quần chúng Việt Nam” – trích bài viết của nhà báo Trần Bạch Đằng, trong phần đầu của cuốn sách Đổi mới đi lên từ thực tế.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI