Mê “nông nghiệp không hóa chất”
Gặp Trần Phong Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu - khi trại dưa lưới gần 20.000 trái trồng tại tỉnh Tây Ninh của công ty anh không thể thu hoạch được do bị sâu bệnh, úng nước sau những trận mưa dai dẳng, thiệt hại gần 3 tỷ đồng, nhưng anh không mấy tiếc nuối vì theo anh, khi trồng loại dưa này theo hướng hữu cơ, anh đã chuẩn bị tâm lý chấp nhận những rủi ro do thời tiết, sâu bệnh. Sau mỗi lần gặp sự cố như vậy, anh sẽ rút được kinh nghiệm để làm tốt hơn.
|
Trần Phong Lan dự định, 5 năm tới sẽ đưa ra thị trường 10 triệu trái dưa lưới/năm và xây nhiều nhà máy chế biến nông sản |
Hiện tại, Trần Phong Lan vẫn là lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, nhưng anh mê nông nghiệp từ hàng chục năm trước, khi còn làm việc cho các tàu viễn dương. Lúc rảnh, anh thường lấy giấy ra vẽ mô hình trang trại mà mình thích, chia ra từng khu vực trồng cây gì, nuôi con gì.
Cuối những năm 1990, trong lúc bạn bè, đồng nghiệp tìm mọi cách ở lại Úc định cư, Trần Phong Lan lại quyết tâm về Việt Nam. Anh vẫn tiếp tục làm trong lĩnh vực hàng hải nhưng không từ bỏ ý định làm nông nghiệp. Cách đây gần 4 năm, anh mới bắt tay hiện thực hóa các bức vẽ của mình từ hơn 20 năm trước bằng những nông trại trồng dưa lưới.
Thời gian đầu, anh đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng dưa. Anh cũng tham khảo nhiều công nghệ trồng của Israel, Nhật Bản. Những lứa dưa đầu khá thuận lợi, nhưng sau đó bắt đầu sâu bệnh. Chủ các trại dưa lưới khác truyền kinh nghiệm trị bệnh cho cây bằng hóa chất trừ sâu rầy, nhưng đó không phải là chọn lựa của anh khi bắt tay làm nông nghiệp.
Anh quyết định trồng dưa trực tiếp xuống đất thay vì trồng trong các giá thể khác, trung thành với phân bón hữu cơ, đồng thời yêu cầu đội ngũ kỹ sư của mình tìm tòi, áp dụng những biện pháp trừ sâu bệnh mà không dùng thuốc hóa học.
Trần Phong Lan kể, không ít lần, các kỹ sư của anh khủng hoảng tinh thần vì không nghĩ ra cách trị sâu bệnh, nhưng anh động viên họ tiếp tục đồng hành với mình. Chi phí đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà kính và chấp nhận dùng phân, thuốc vô cơ bình quân 1 tỷ đồng/ha, còn nếu trồng theo hướng hữu cơ, chi phí có thể tăng gấp 3-4 lần, thậm chí nhiều hơn. Đến nay, quy trình trồng dưa lưới hữu cơ ở các trang trại của anh đã trơn tru nhưng vẫn đối diện với nhiều rủi ro về thời tiết.
|
Trại dưa lưới của anh Trần Phong Lan |
Trả phí để làm “nông dân sinh thái”
Hiện trang trại dưa lưới 4ha của Trần Phong Lan tại H.Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã đạt chứng nhận GlobalGAP và có thể xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có các nước châu Âu.
Trước khi bắt tay trồng dưa lưới, Trần Phong Lan đã nếm thử dưa lưới được trồng tại nhiều nước, nhưng nhận thấy dưa do người Nhật trồng là ngon nhất. Theo anh, dưa lưới không chỉ để ăn tươi, ép nước uống, xay sinh tố mà còn có thể om thịt, hấp thịt, làm các món salad hoặc chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác. Bất kỳ lứa dưa nào trồng ra, anh đều đích thân nếm thử vì cho rằng, không có thiết bị nào qua vị giác con người. Khi kiểm tra bằng thiết bị đạt chất lượng và nếm thử thấy ngon, anh mới cho công nhân đưa ra thị trường bán.
Trần Phong Lan rành dưa lưới đến mức chỉ cần nếm cũng biết được trái dưa đó trồng theo phương pháp nào, có sử dụng chất vô cơ khi trồng hay không. Nhưng cái khó là người tiêu dùng lại không thể nhận biết được điều này. Anh kể, khi đưa sản phẩm của mình chào bán tại một siêu thị ở TP.HCM, đặt ngay cạnh gian hàng của một doanh nghiệp lớn, cắt dưa ra tiếp thị thì 10/10 khách ăn thử tấm tắc khen dưa anh thơm, ngon, ngọt… hơn hẳn các loại dưa lưới họ từng ăn, nhưng họ lại mua dưa của gian hàng kế bên với giá 50.000 đồng/kg thay vì mua dưa của anh với giá 100.000 đồng/kg.
Khách chỉ thấy rẻ thì mua chứ không quan tâm quy trình trồng. Thấy nhân viên của mình thất vọng ra mặt, anh vẫn vui vẻ, động viên họ. Anh nói, động lực lớn nhất để anh tiếp tục trồng dưa lưới theo quy trình, phương pháp hoàn toàn hữu cơ là lâu lâu, có những khách hàng gặp anh và nói: “Dưa của ông trồng kiểu quái gì không biết, tôi ăn rồi giờ chẳng ăn được dưa lưới của người khác”.
Chi tiền tỷ để có được những trái dưa hợp khẩu vị và yêu cầu cá nhân, Trần Phong Lan thừa nhận, mình có đủ điều kiện tài chính cho những thử nghiệm này. Từng thử những trái dưa lưới tại Nhật Bản có giá bình quân cả triệu đồng/trái, anh tin mình có thể trồng ra những trái dưa ngon hơn như vậy ngay tại Việt Nam và muốn người tiêu dùng trong nước cũng có thể thưởng thức những trái dưa lưới chất lượng cao như vậy.
|
Anh Trần Phong Lan chi tiền tỷ để có được những trái dưa lưới hợp khẩu vị khách hàng |
Dưa lưới Việt chinh phục người Nhật
Trước đây, Trần Phong Lan không có ý định trồng dưa lưới để xuất khẩu sang Nhật mà xác định trồng để bán cho người Việt, nhưng chính người Nhật tìm đến trại dưa của anh. Họ đi theo nhóm đến Việt Nam, tìm những trại dưa lưới đủ tiêu chuẩn để kiếm nguồn hàng nhập vào Nhật. Rất nhiều trại dưa có đủ chứng nhận này nọ để có thể xuất khẩu, nhưng nhóm người Nhật đều lắc đầu vì các trại dưa từ Bắc chí Nam đều na ná nhau và tìm hoài không ra trại dưa đáp ứng vị giác của họ.
Khi đến trang trại dưa của anh, ăn thử, nhóm người này không tiếc lời khen. Khi biết quy trình trồng hoàn toàn hữu cơ, họ hiểu sự khác biệt đến từ đâu. Nhóm người Nhật này đã đề nghị anh bán hàng cho họ, với mức giá 20 USD/kg (tương đương với 460.000 đồng/kg), gấp hàng chục lần giá dưa lưới phổ biến tại Việt Nam.
Anh kể, người Nhật hiểu rất rõ về dưa lưới và rất nhiều giống dưa lưới nổi tiếng thế giới cũng đến từ đất nước này. Các giống dưa nổi tiếng của họ đều được trồng theo những cách tự nhiên nhất có thể. Khi đến Việt Nam, nhóm người Nhật cũng đòi hỏi các loại giấy chứng nhận nhưng chỉ xem đó là giấy thông hành cho nông sản, điều quan trọng là họ phải biết được quy trình trồng trên thực tế và cảm nhận được vị ngon khi nếm thử.
Lan chia sẻ, ngay tại Israel, dưa trồng bằng công nghệ cao cũng không tránh khỏi dịch bệnh. Anh đã bỏ tiền sang đó tìm hiểu cách họ xử lý dịch bệnh theo hướng bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người. Anh cũng thuê nhiều người Nhật làm tư vấn cho trang trại của mình.
Anh kể, có những loại sâu bệnh mà kỹ sư Nhật cũng bó tay, trong khi chính những kỹ sư Việt của anh mày mò tìm ra cách khắc chế, chẳng hạn như trị dịch nhện đỏ bằng chế phẩm từ hạt cây osaka. Với mỗi vấn đề phát sinh dù nhỏ nhất, Trần Phong Lan cũng dùng tiền túi để mua kinh nghiệm. Bù lại, quy trình để cho ra những trái dưa hữu cơ của anh ngày càng hoàn thiện. Anh xem đó như những mô hình thử nghiệm về “nông nghiệp không hóa chất” để theo đuổi mục tiêu nâng diện tích trang trại lên 100ha trong 5 năm tới, đưa 10 triệu trái dưa lưới ra thị trường mỗi năm.
Phong Lan cho biết, sẽ không chỉ bán trái dưa lưới tươi mà còn xây các nhà máy chế biến để đưa nhiều sản phẩm hơn ra thị trường. Ngoài dưa lưới, anh còn dự định trồng thêm bơ, sầu riêng. Theo anh, nông nghiệp Thái Lan không khác Việt Nam, nông dân Thái đa phần sở hữu diện tích đất nhỏ nhưng nông sản của họ được biết đến nhiều hơn, là do Chính phủ Thái Lan có những chính sách kích thích đầu tư vào công nghiệp chế biến. Điều này khiến họ không phải lo đến chuyện “giải cứu” khi được mùa như ở Việt Nam.
Với mỗi vấn đề phát sinh dù nhỏ nhất, Trần Phong Lan cũng dùng tiền túi để mua kinh nghiệm. Bù lại, quy trình để cho ra những trái dưa hữu cơ của anh ngày càng hoàn thiện. Anh xem đó như những mô hình thử nghiệm về “nông nghiệp không hóa chất” để theo đuổi mục tiêu nâng diện tích trang trại lên 100ha trong 5 năm tới, đưa 10 triệu trái dưa lưới ra thị trường mỗi năm. |
Đăng Thư