Những quy định nghiêm ngặt của các thể loại Đường thi, cổ phong, tuyệt cú, phú, văn sách, chiếu, biểu… đã trói buộc cảm hứng sáng tác của người nghệ sĩ. Từ việc ấn định số câu, số chữ, luật, đối xứng, tiếng trầm tiếng bổng đến niêm, luật… đã khiến họ chẳng khác gì múa gậy trong rọ, không thể tùy hứng trình bày cảm xúc đang thăng hoa.
|
Nhà thơ Phan Khôi |
Mạch cảm xúc bị trói buộc ấy đã hình thành từ lúc ê a học đánh vần, đã thế, nội dung cũng phù phiếm nốt. Ai đời, kinh sử được học là chuyện bên Tàu; điển tích, điển cố tận đẩu tận đâu. Lối học ấy, làm thơ kiểu ấy, chẳng khác gì “ngồi cầu Đơ mà nói quán Mọc”, “nói chuyện Hà Tây chết cây Hà Nội”.
Tất nhiên, nói vậy không phải phủ nhận kho tàng thi ca cổ điển của nước nhà mà để thấy niêm luật nghiêm ngặt, ràng buộc từng câu chữ, bó buộc từng vần điệu đã hạn chế tinh thần sáng tạo của văn nhân trong nước.
Đầu thế kỷ XX, khi tiếp cận nghệ thuật phương Tây, hào hứng với các tác phẩm có tư tưởng phóng khoáng, hình thức đa dạng, không ít trí thức trẻ, nhà nho cấp tiến đã tiếp thu, vận dụng.
Về thơ, người sớm có ý thức phải thay đổi là Phan Khôi (1887-1959), người Quảng Nam - một cây bút luận chiến, lý sự, gây gổ bậc nhất trong giới học thuật nước ta thuở ấy.
Giữa lúc các trí thức đang có những bài báo phê phán, tấn công kiểu làm thơ theo lối cũ, một sự kiện đã đột ngột xảy ra, như ghi nhận của nhà phê bình Hoài Thanh: “… một ngày kia cuộc cách mệnh về thi ca đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10/3/1932. Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ đã hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận. Ông tự giới thiệu: “Trước kia, ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Nôm; mà năm, bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được”. Ấy thế mà ông kết án thơ cũ. Thơ cốt chơn. Thơ cũ bị câu thúc quá nên mất chơn. Bởi vậy, ông bày ra một lối thơ “đem ý thật có trong tâm khảm mình, tả ra bằng những câu có vần, mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là Thơ mới” (Thi nhân Việt Nam, 1942). Đó là lúc Phan Khôi công bố bài thơ Tình già.
Do được công bố lần đầu trên tờ Phụ Nữ tân văn (số 10/3/1932) - đang hồi cực thịnh ở miền Nam; rồi được tờ Phong Hóa có số lượng độc giả cao nhất miền Bắc in lại vào số xuân (24/1/1933), Tình già đã tạo tiếng vang lớn trong cả nước.
Khi “khai sinh” đứa con tinh thần này, có lẽ Phan Khôi cũng cho rằng việc làm này khá mạo hiểm nên mới cẩn thận rào đón đó là “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”. Rồi ông hô hào: “Duy tân đi! Cải lương đi!”.
Bài thơ Tình già như sau:
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẳn là không đặng
Để đến nỗi, tình trước phụ sau
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau!
- Hay! Mới bạc làm sao chớ?
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau...
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi
Con mắt còn có đuôi.
Theo Hoài Thanh, bài thơ này: “Không rõ được ai thích không. Nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời mới vì cái táo bạo giấu giếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận”. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc “so găng”, tranh luận dữ dội, quyết liệt giữa Thơ mới - thơ cũ từ Nam chí Bắc.
|
Bài thơ Tình già in trên Báo Phong Hóa, số xuân 1933 |
Người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Khôi là nhà thơ Lưu Trọng Lư. Kế đó, Báo Phụ Nữ tân văn đăng Thơ mới của Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo... Rồi Báo Phong Hóa cũng thường xuyên đăng Thơ mới của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu... và công kích thơ cũ.
Tranh luận trên báo chưa hả, họ diễn thuyết để nêu và bênh vực quan điểm của mình. Tại Sài Gòn, nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh lên diễn đàn Hội Khuyến học Nam kỳ cổ vũ cho Thơ mới.
Các năm kế tiếp, những người “đồng hội đồng thuyền” xuất hiện ở nhiều nơi để công khai ủng hộ Thơ mới, như Lưu Trọng Lư ở Quy Nhơn; Đỗ Đình Vượng, Trương Tửu ở Hà Nội; Vũ Đình Liên ở Nam Định...
Phe ủng hộ thơ cũ cũng đăng đàn phản pháo, như Nguyễn Văn Hanh ở Sài Gòn… Cuộc bút chiến trên các mặt báo có thêm sự tham gia của Tản Đà, Tùng Lâm, Thái Phỉ, Hoàng Duy Từ...
Từ đây, nền thi ca Việt Nam hiện đại đã mở ra cả một phong trào Thơ mới - đỉnh cao từ 1932-1945 với đội ngũ hùng hậu, nhiều tài năng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Phạm Huy Thông...
Thành công của phong trào Thơ mới trong thời gian này cũng chính là nền tảng về ca từ cho các nhạc sĩ khi viết nhạc theo lối phương Tây mà thuở ấy gọi là tân nhạc, “nhạc cải cách”.
Bắt đầu từ bài thơ Tình già của Phan Khôi, Thơ mới đã toàn thắng, tạo dựng nên “một thời đại trong thi ca” với nhiều dấu ấn rực rỡ.
Lê Minh Quốc
Bài 7: Nguyễn Văn Tuyên - Người cổ vũ nền tân nhạc