Ở TP.HCM, có một nhóm bạn trẻ gồm ba người, tuổi vừa đôi mươi, đang vận hành một công ty có tổng cộng chín nhân sự, ngày đêm xuôi ngược để kết nối nông sản hữu cơ từ nông trại đến tay người tiêu dùng. Công ty đó tên là Vicas. Dưới đây là câu chuyện của những người trẻ này.
Nguyễn Công Nguyên (phụ trách nghiên cứu và tiếp thị): “Mơ giữ sự màu mỡ cho đất quê”
Tôi là người Bình Định. Hồi còn đi học ở quê, mỗi lần được cô giáo phát giấy báo học phí, suốt đường về nhà, tôi cứ “nhắm chừng" coi mẹ sẽ bán gì để có khoản tiền ghi trong giấy. So với người làm nông ở Bình Định hồi đó, nhà tôi có đất trồng trọt khá rộng, mùa nào làm rau thì bán rau tại vườn, các loại đậu hạt thì cứ đến cuối vụ lại chất đầy nhà.
Mỗi lần cần mua sắm, cần đóng tiền học, mẹ tôi lại đong một ít đậu hay lúa bán cho thương lái trong xã. Những ngày nhà không còn gì để bán, con nít hồi đó cũng “biết điều", trở nên dè dặt mỗi lần cần nộp tiền học. Có mùa, khi tiền học, tiền giỗ chạp thúc bách, tôi thấy mẹ kéo ngược một xe đậu hạt về, thả phịch trước cổng rồi chạy vô thềm nhà ngồi khóc.
Mấy tạ đậu đó không bán thì kẹt, mà bán thì tủi. Chuyện thương lái ép giá như một sợi dây mà càng quẫy đạp, nó càng thít chặt vào cuộc sống của nông dân. Bao nhiêu lần mẹ tôi từ chối bán rẻ cho thương lái là bấy nhiêu lần mẹ phải đi vay tiền của người thân.
Hồi đó, tôi học khá tốt và mọi ước mơ của tôi quanh quẩn việc “làm sao để bán đậu, lúa cho nông dân". Tôi chỉ hình dung mình sẽ làm một kênh tiêu thụ gì đó thật khoa học, để xóa đi cái bóng vừa như “cứu tinh", vừa đầy ám ảnh của “thương lái".
Mười tám tuổi, tôi vào học ngành công nghệ sinh học, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, sửa soạn cho việc về quê gầy dựng một “cái gì đó" hỗ trợ bà con. Nhưng ngày tốt nghiệp, tôi lại quyết định sang Israel tu nghiệp ngành nông nghiệp. Phần lớn diện tích của Israel, kể cả diện tích đất nông nghiệp, là sa mạc. Nền nông nghiệp Israel đã quá nổi tiếng, nhưng khi được tận mắt chứng kiến họ làm nông nghiệp, tôi vẫn bất ngờ.
Hôm đó, chúng tôi tham quan vườn chà là sau đợt thu hoạch, đang được cắt lá, lá lập tức được máy cắt nát, rải xuống đất. Thầy giáo của tôi tự hào giải thích, với cách làm như vậy, 100 năm nữa, đất sa mạc của Israel sẽ trở thành đất nông nghiệp. Đó là cách mà người ta làm với đất đai của họ, còn ở Việt Nam, 100 năm nữa, những vùng đất phì nhiêu sẽ ra sao với cách mà ta đang làm hiện tại?
Giấc mơ “bán đậu, lúa cho nông dân” khi đó lại mang một ý nghĩa khác. Lúc này, tôi không còn mơ bán nông sản, mà mơ phải làm gì đó để gìn giữ mảnh đất vốn từng màu mỡ của quê mình. Chỉ có con đường làm nông nghiệp hữu cơ với ý thức gìn giữ và nuôi dưỡng đất mẹ mới bền vững.
Nguyễn Trần Quốc Thạch (phụ trách kinh doanh): “Tôi như tìm thấy con đường”
Gia đình tôi ở TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nhiều đời làm nông. Ngày tôi bỏ việc trở về và suốt ngày bàn bạc chuyện “loại bỏ dần chất hóa học khi trồng lúa”, tôi như một thằng nhóc “mới học được mấy chữ đã về dạy khôn họ hàng”.
Chỉ sau vài tháng, Đà Lạt trong tôi đã rất khác. Rừng thông mỏng dần đi, lại phải bao lấy một vết thương rộng lớn trong lòng nó. Và trong “vết thương” đó, mỗi vụ mùa, người ta tưới tắm một số lượng kinh hoàng các loại hóa chất để trồng hoa.
Những gì chứng kiến khiến tôi liên tưởng đến những cánh đồng bình thường ở quê nhà, rồi hàng vạn cánh đồng trải dài khắp cả nước, tất cả đều được tưới đẫm hóa chất mà lớn lên. Cùng thời điểm đó, được nhiều anh em chỉ cho vài nông trại trồng rau củ hữu cơ ở Đà Lạt, tôi như tìm ra manh mối để hành động.
Trước đó, tôi lên TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm nhân viên kinh doanh của một công ty phân phối giống hoa. Tính chất công việc khiến tôi thường xuyên phải vào vườn hoa, gặp chủ vườn để tiếp thị sản phẩm. Vì thích nông nghiệp nên tôi rất mê Đà Lạt. Nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên, khi lần theo địa chỉ đến những vườn hoa lớn nhất vùng đất này, tôi đã vỡ mộng. Những vườn hoa nằm khuất sâu trong núi. Đi qua quanh co đồi thông, khi đến được vườn hoa, tôi mới biết rừng thông Đà Lạt đã bị tàn phá thế nào để trồng hoa.
Khi được tham gia vào Vicas, đưa nông sản hữu cơ từ nông trại đến trực tiếp người tiêu dùng, tôi như tìm thấy con đường. Tôi lại làm đúng vị trí quản lý kinh doanh, giống như đang hóa thân vào một thương lái, nhưng là một thương lái có hiểu biết, có trách nhiệm, như một mắt xích góp phần chuyển hóa nền nông nghiệp sang hướng thuận tự nhiên, biết nuôi dưỡng thiên nhiên.
Hương Anh (giám đốc công ty): “Không thể nói mình vô can với thực phẩm bẩn”
Tôi lớn lên ở TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và chỉ biết đến cánh đồng, con trâu trong những lần về quê miền Trung. Cho đến khi học ngành công nghệ sinh học ở Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, tôi vẫn không mảy may quan tâm đến thực phẩm hay chợ búa. Hồi còn sống với gia đình, mẹ mua gì ăn nấy, đến khi xa nhà, phải tự nấu nướng, cứ chiều chiều, tôi lại tạt qua chợ nhỏ đầu hẻm mua rau củ, thịt cá về nấu. Lúc đó, tôi chưa nghĩ đến giá trị của thức ăn.
Khi vào năm thứ hai đại học, tôi mới thực sự được học công nghệ thực phẩm. Nghe thầy giáo giảng, thuốc trừ sâu đang dùng trong nông nghiệp có cùng nguồn gốc với chất độc dioxin, tôi thực sự bàng hoàng. Tôi bắt đầu quan tâm đến nguồn thức ăn an toàn. Thế nhưng, giai đoạn đó, nông sản an toàn vẫn quá hiếm hoi.
Năm cuối đại học, tôi tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp do những anh chị làm nông nghiệp an toàn sáng lập với hơn 10.000 thành viên, hầu hết là những người yêu nông nghiệp hoặc đang trực tiếp làm nông. Khi tham gia các chuyến thăm nông trại, gặp gỡ những nông dân đang làm nông sản hữu cơ, tiếp xúc với những chủ vườn có chứng nhận quốc tế về canh tác hữu cơ, tôi được một đàn anh gợi ý việc sáng lập một kênh kết nối từ nông trại đến người tiêu dùng. Lúc đó, tôi như được mở đường.
Trong một lần chuyện trò sau chuyến đi thăm nông trại, tôi vô tình được biết anh Nguyên và anh Thạch cũng đang có cùng giấc mơ “kết nối nông sản hữu cơ đến người dùng". Tôi vẫn nhớ như in buổi chuyện trò hôm đó, khi anh Nguyên kể lại ký ức tuổi thơ của mình trên cánh đồng lúa nào đó ở Bình Định. Vì anh trai anh vào đại học, cha anh phải vào Sài Gòn làm ăn để kiếm tiền nuôi con. Nguyên, 12 tuổi, trở thành người đàn ông trụ cột gia đình. Đến mùa lúa trổ bông, anh vác trên lưng bình thuốc diệt cỏ loại 20kg, ăn mặc phong phanh, chạy thẳng từ chỗ chơi bời với chúng bạn ra ruộng, phun thuốc mù trời.
Mỗi lần mỏi lòng, tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ ăn mặc phong phanh, hồn nhiên “tắm" mình trong làn thuốc diệt cỏ, và cả những đứa trẻ đang “tắm” một cách khác trong cùng một làn hóa chất ấy. Sống trọn vẹn 23 năm ở thành phố, nhưng trong câu chuyện nông sản ấy, tôi cũng như mọi người thành phố đều không thể tự cho mình “vô can".
Minh Trâm (thực hiện)