Trong một con hẻm nhỏ và ngoằn ngoèo trên đường Bông Sao (quận 8, TP.HCM), ngôi nhà của bà Mai Thị Ba - mẹ em Nguyễn Hữu Toàn nằm ép mình ngay ngã ba đường.
Nhà nhỏ xíu, nhưng lòng mẹ cao vời vợi
Ngôi nhà nhỏ xíu như một căn phòng trọ là nơi trú ngụ của một gia đình gồm 4 mẹ con. Năm nay đã 50 tuổi nhưng bà Ba vẫn cố giữ cho đôi tay và bờ vai mình thật khỏe, để lúc nào cũng nâng đỡ Toàn lên xuống chiếc xe lăn. Và bà đã làm điều ấy suốt 24 năm qua.
|
Chị Mai Thị Ba và con trai Nguyễn Hữu Toàn trước căn nhà xập xệ ở quận 8, TP.HCM. |
Vừa cầm cái khăn lau mặt con, bà Ba kể: "Toàn sinh ra rất bụ bẫm, ú nần; sản phụ nào đẻ cùng phòng với tôi cũng phải ước ao". Vậy mà 1 tuổi, Toàn vẫn chưa đi tập tễnh. 2 tuổi, mũi bàn chân luôn chỉa xuống đất.
Nghi có chuyện chẳng lành, bà Ba ôm con đến các bệnh viện đều được chẩn đoán con trai bị bại liệt do thoát vị đĩa đệm. Từ những ngày đó, chân mẹ trở thành đôi chân dẻo dai nâng đỡ bước đi cho con.
Lên 6 tuổi, Toàn tiếp tục bị cong vẹo cột sống đến 100 độ, sang bên trái. Bao nhiêu đoạn xương từ bờ vai, sau lưng... đều nghiêng ngả theo. Đôi chân không đi lại được, còn đôi tay thì yếu ớt và run rẩy, không có đủ lực để giơ hẳn lên cao quá đầu.
Hôm nào Toàn hồi hộp, cầm một chén cơm hay một ly nước không khéo sẽ bị rơi vỡ.
|
Chứng teo cơ tủy sống đã khiến Toàn phải lớn lên trên chiếc xe lăn. |
Mãi đến năm 15 tuổi, sau những xét nghiệm kéo dài và phải gửi mẫu phân tích tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở Hà Nội, căn bệnh của Toàn mới được gọi đúng tên: teo cơ tủy sống.
Như một số phận, em Nguyễn Hữu Toàn (nay đã 24 tuổi) chịu nhiều rủi hơn may. Ca phẫu thuật như dự định đã không thể diễn ra vì các bác sĩ dự liệu khả năng sống sau ca mổ là rất thấp nên không thể mạo hiểm.
Nhìn cảnh mẹ chịu đựng quá vất vả, mẹ phải dành thời gian ngủ để sống cho Toàn, nên em quyết tâm dù có 1% may mắn cũng phải mổ. Nhưng các bác sĩ không chấp nhận tỷ lệ phần trăm đó. Hai mẹ con thử đến nhiều bác sĩ khác, thử nhiều cách khác nhưng số phận đã bắt buộc họ phải chấp nhận thực tế - phải ngồi xe lăn.
Làm đủ nghề để kiếm chữ cho con
Căn bệnh hiếm gặp đã tước đi của Toàn nhiều thứ, nhưng may mắn, em có được tình mẹ quá bao la. Ngày đưa con vào lớp 1, bà Ba được thầy cô giao trong trường khuyên: "Nên cho em vào trường khuyết tật, chứ ảnh hưởng đến thành tích của lớp".
Bà Ba hứa với nhà trường là Toàn chỉ khuyết tật chân, chứ đầu óc minh mẫn. Bà xin cho con được học thử một tháng, nếu Toàn ảnh hưởng đến bạn bè, bà sẽ tìm cách khác.
Thấy quyết tâm của người mẹ, thầy hiệu trưởng đồng ý. Từ đó, khi con vào lớp thì mẹ quanh quẩn ở sân trường. Sau khi ôm con vào lớp, bà Ba ra hàng ghế đá ngồi chờ, đến giờ ra chơi thì vào chăm con, sau đó lại ra ngoài chờ đến cuối giờ đón con về.
Từ một lần dám thử như vậy, cậu bé Nguyễn Hữu Toàn dần dần đi qua các cấp học cho đến khi nhận được tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin hệ chính quy của trường Đại học Công nghệ Sài gòn năm 2016.
|
Để Toàn học đến đại học, người mẹ nghèo đã làm nhiều nghề để mưu sinh. |
Ngày nhận bằng tốt nghiệp, mẹ con bà Ba bật khóc, bởi nếu không có mẹ thì Toàn đã tạm biệt cuộc sống này từ lâu. Còn nhớ ngày 30 Tết nguyên đán năm em học lớp 10, em bị tiêu chảy, suy hô hấp. Trên đường đi cấp cứu, ngang qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, người mẹ nghèo không kịp suy nghĩ, liền đưa con vào phòng cấp cứu.
Bác sĩ xem qua, nói đưa con về lo hậu sự, nhưng người mẹ nghèo rớt nước mắt: "Bác sĩ cứu cháu. Còn nước còn tát. Cháu nó thà chết ở đây cũng được chứ cháu còn trợn mắt sao tui đem về được". Nhờ lòng mẹ còn đắn đo, còn do dự, cuối cùng Toàn được cứu sống.
|
Toàn có cuộc sống đủ đầy về tình cảm với bạn bè, người thân. |
Con chữ của con mỗi lúc lớn dần, càng lúc Toàn học giỏi hơn, học lên lớp cao hơn. Nhưng công việc lại bấp bênh, chị lại chuyển sang làm tạp vụ, nuôi bệnh thuê, phụ bán cơm, chạy xe ôm... để kiếm thêm tiền nuôi con.
Để vượt qua những ngày tháng giông bão trong cuộc đời người làm mẹ, làm vợ đơn độc, bà làm đủ ngành nghề để nuôi con. Nuôi con không đủ bằng nghề may, mỗi ngày chỉ kiếm được 100 nghìn đồng, bà Mai xin đi phụ việc ở căn tin trong nhà trường.
|
Tình mẹ bao la đã giúp Toàn được đến trường. |
Khi hỏi về khoảnh khắc nhớ mẹ, Nguyễn Hữu Toàn không suy nghĩ mà trả lời ngay: "Em nhớ mẹ nhất vào những ngày mưa. Đó lúc mà mẹ phải khổ cực nhất để cõng em đi chữa bệnh, đến trường, băng qua những con đường bùn lầy".
Sau 24 năm làm đôi chân cho con, bà Ba vẫn chưa mệt nhoài, bà kể, vợ chồng bà có 4 người con nhưng vì áp lực cuộc sống đã chia tay. Toàn mắc bệnh, hai em của Toàn thì đang tuổi ăn tuổi học.
|
Gia đình Nguyễn Hữu Toàn trong ngày tốt nghiệp đại học của em (Ảnh: NVCC) |
Vượt qua những bữa cơm khi đói khi no, cuộc sống còn lắm túng thiếu nhưng bà Mai cùng con đã thực hiện được giấc mơ 'con nhà nghèo bị khuyết tật vẫn đạt cử nhân'.
Với Toàn, em chỉ ước mở có công việc ổn định để giúp mẹ nuôi 2 em ăn học; để có thể tự nuôi sống mình chứ không thể mãi là gánh nặng nhọc nhằn trên đôi vai của mẹ.
Hiếu Nguyễn