Làm nông nghiệp mà không cày xới đất, không dùng phân hóa học, không diệt cỏ dại, không dùng thuốc trừ sâu. Nông sản mang bán được gói trong lá chuối, lá sen… Cô gái có cách làm đặc biệt này đang truyền cảm hứng khởi nghiệp cho khá nhiều bạn trẻ.
|
Nhiều bạn trẻ được truyền cảm hứng từ quan điểm “sống tối giản, kinh doanh tối giản” của Hằng Mai (thứ năm từ trái qua) |
Thuận theo tự nhiên
Vài năm trước, Mai Thị Thúy Hằng từng gây bất ngờ cho không ít người, khi đang làm giám đốc quản lý chất lượng vùng Nam Á và Nam Phi của một doanh nghiệp nước ngoài nhưng bỏ ngang để làm nông nghiệp sạch.
Lần gặp lại gần đây, cô đã có một khu vườn không quá lớn nhưng đủ để cô tự làm nông nghiệp theo một cách rất lạ. Cô để cây cối trong vườn sinh trưởng, phát triển một cách tự nhiên và nhận mình là nông dân tập sự với cách làm này.
Công việc mà cô tin là những loại vi sinh vật tự nhiên trong đất sẽ làm thay cô... Thậm chí, ngay cả việc tưới nước cô cũng hạn chế. Cô tin vào khả năng tự dưỡng của cây, chúng có khả năng tự tìm nước và dưỡng chất trong lòng đất. Cây nào sống được thì sống, không sống thì chết nhường chỗ cho những cây khác…
Kết quả, sau hai năm mảnh đất giống một góc rừng hơn là một khu vườn. Cây cối, đặc biệt là các loài cây hoang dại tưởng chừng biến mất từ trước, lại mọc lên rậm rạp. Những cây vốn chỉ trồng lấy bóng mát hay lấy gỗ như xoan đào, bằng lăng, xà cừ, bàng… xanh tươi trở lại. Nhưng cây ăn trái như sầu riêng, bơ chết khá nhiều. Chôm chôm, măng cụt có lượng cây sống nhiều hơn.
Cách làm vườn của Hằng lấy cảm hứng từ nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thuận theo tự nhiên của ông Masanobu Fukuoka - một nhà nông học người Nhật. Tác giả cuốn sách nổi tiếng thế giới: Cuộc cách mạng từ một cọng rơm.
Ấy vậy mà đến mùa, những cây chôm chôm trong vườn của cô lại cho trái trước cả những vườn xung quanh. Khiến những nông dân hàng xóm thốt lên “chôm chôm không tưới mà cũng ra bông…”. Những trái chôm chôm và các loại rau, quả khác thu được tại vườn, trước khi đem bán, cô cắt tất cả cuống, lá… bỏ lại vườn. Những thứ bỏ đi này ngày một dày lên thành thảm thực vật trong vườn, cũng là phân hữu cơ tự nhiên cho cây.
Hằng giữ thói quen tận dụng vỏ cây trái trong nhà như chôm chôm, xoài, chuối, khế, thơm, bồ hòn đem ngâm cả tháng trong nước gạo cho hỗn hợp lên men để dùng làm nước rửa chén, giặt quần áo… Giặt xong sẽ được làm thơm bởi tinh dầu từ các loài cây cỏ… Hằng ngày, cô dùng nước trầu không nấu cùng nước muối thay thế kem đánh răng; bồ kết, vỏ cam, quýt, bưởi, sả… làm nước gội đầu. Cô bảo, phần vì không thích mùi của những loại hóa phẩm, phần không muốn xả rác.
Tất nhiên, câu chuyện về Hằng mà chúng tôi muốn kể không dừng lại ở một nông dân tập sự, một người lựa chọn cách sống thuận theo tự nhiên…
“Hữu xạ tự nhiên hương”
Hằng có cửa hàng bán nông sản tại TP.HCM, tên là Xanh. Cửa hàng chỉ bán online qua mạng. Theo Hằng, bán online cắt giảm hao hụt và chi phí so với cách bán truyền thống và hiệu quả hơn. Điều ấn tượng mà bất cứ khách hàng nào từng mua sản phẩm tại Xanh là hầu hết các loại rau, củ, quả... tại đây đều được gói bằng lá chuối, lá sen… và buộc bằng dây chuối, đựng trong túi giấy khi giao hàng.
Sản phẩm đôi khi kết hợp với trái mướp, vài trái cà chua, củ khoai, vài con cá, chai nước mắm… được đựng chung trong chiếc mẹt tre nhỏ xinh. Đôi khi khách còn được tặng kèm thêm bó rau dại nhỏ hái trong vườn… Mặt hàng thay đổi theo tuần, theo tháng, theo mùa…
Toàn bộ sản phẩm Hằng bán ra, phần nhỏ lấy từ khu vườn rừng của cô, còn phần lớn lấy từ các nhà vườn có cùng quan điểm làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên như cô. Đó là không sử dụng hóa chất. Hầu hết khách hàng đều có chung nhận xét, nông sản của Xanh thơm, ngọt, đậm đà hơn… so với rau, quả bán ở chợ.
Tôi hỏi Hằng, vì sao không quan tâm đến việc bán sản phẩm kèm theo chứng nhận, có thể là VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ…? Hằng nói, giữa việc dựa trên niềm tin của chính mình và triết lý sống của người khác, cô dựa niềm tin của mình, dựa vào động cơ và năng lực của bản thân. Hằng cho rằng, phải bỏ tiền để lấy những chứng nhận chứng minh một sản phẩm nào đó mình bán ra là không độc hại thật phi lý.
Tại sao không yêu cầu ngược lại là người làm nông nghiệp hóa chất phải ghi chép? Hầu hết khách hàng tìm đến cô là những người chung quan điểm. Họ chấp nhận giá cao hơn như một loại phí để trả cho trách nhiệm của những người nông dân làm ra những nông sản đó.
Tôi hỏi cô có cơ chế nào để đảm bảo những nhà vườn cung cấp nông sản cho mình không gian lận? Cô bảo, cơ bản mình không muốn họ làm theo ý mình, cô chỉ hợp tác với những người mà mình phải biết họ làm là vì họ muốn làm. Cô đi tìm nhà cung cấp (là các chủ vườn) chỉ dựa trên động cơ và năng lực của họ.
Hàng trăm, hàng ngàn khách hàng tin vào Hằng và những sản phẩm cô đang bán. Mỗi tuần, vẫn có hàng trăm đơn hàng Xanhshop bán ra. Cô và những khách hàng của mình còn có chung thói quen tiêu dùng không túi ni-lông, dù sẽ tốn nhiều công sức hơn. Chẳng hạn, Xanhshop của cô không bán đường tinh luyện, chỉ bán loại đường thô. Loại đường nấu thành tảng rắn chẳng khác gì những… viên gạch, màu nâu đen vốn rất phổ biến những năm sau giải phóng.
Cô phải đặt nấu riêng và mỗi năm chỉ nấu duy nhất một lần rồi trữ lại bán nguyên năm. Hằng dùng lá chuối hoặc giấy pơluya bọc trước khi cho vào túi giấy kraft, chấp nhận hàng loạt khó khăn như việc bỏ đường vào túi mất công sức, thời gian gấp đôi so với túi ni-lông, đường cũng dễ thấm nước hơn khi để cùng các loại rau, củ, vận chuyển giao cho khách… Nhưng tất cả để phục vụ mục đích giảm dần túi ni-lông.
Dùng túi giấy, lá chuối, lá sen… khiến chi phí giá thành sản phẩm cao hơn, tốn công hơn. Nhưng cái tiết kiệm được theo cô là lượng rác thải ra môi trường. Mỗi năm, cửa hàng của cô giảm hơn mười ngàn túi ni-lông lớn, hơn tám mươi ngàn túi ni-lông nhỏ. Các sản phẩm chế biến như bánh mứt, bún phở khô, tép… cũng dùng túi giấy ước tính giảm trên mười ngàn túi ni-lông. Những con số không hề nhỏ.
Làm cái mình thích
Thời gian đầu khi mới khởi nghiệp, Hằng chia sẻ với chúng tôi, cô gặp những nông dân mà cô quen biết, thuyết phục họ chuyển từ canh tác hóa học sang nuôi trồng không hóa chất. Hằng cũng làm hết khả năng có thể để chuyển tải những kinh nghiệm làm nông nghiệp tự nhiên từ ông Fukuoka mà cô lĩnh hội được. Cuốn sách Cuộc cách mạng từ một cọng rơm cũng được Hằng dành tặng, chia sẻ cho nhiều người với niềm tin họ sẽ được truyền cảm hứng như cô khi bắt gặp triết lý làm nông nghiệp này.
Thời gian sau gặp lại, cô nói chưa thuyết phục được bất cứ nông dân nào. Cô nghiệm ra một điều “đừng nên cố gắng thay đổi ai đó theo cách mình muốn. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy kiệt sức cả về tinh thần, vật chất và tài chính”.
Cô phải chuyển hướng đi tìm những người nông dân muốn làm và đã làm nông nghiệp tự nhiên rồi. Cùng họ chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng và hợp tác với họ. Những người làm được mà chưa tìm được đầu ra, còn mình có khả năng bán hàng thì mình làm việc đó. Những người làm nông nghiệp xuất phát từ tâm, họ làm hoàn toàn tự nhiên rồi nên khi gặp nhau không bên nào phải thuyết phục bên nào. Những người như vậy, theo Hằng không nhiều, thậm chí rất ít so với phần lớn nông dân hiện nay. “Mình cứ đi tìm vậy thôi, trong một trăm người thể nào chẳng gặp được một người. Cũng có người chủ động tìm đến mình. Có được điểm chung thì hợp tác…”, Hằng kể.
Từ khi Xanhshop ra đời đến nay, Hằng chưa bao giờ đặt mục tiêu doanh thu năm sau tăng hơn năm trước. Với cô, như cũ là được, chỉ cần giảm thiểu bao bì. Cô vẫn hy vọng, những gì mình đang làm có thể được lan tỏa cho những người khác. Ai làm tốt hơn mình sẽ càng tốt cho cộng đồng. Ngoài thời gian làm vườn, tìm gặp nhà cung cấp hay điều hành cửa hàng… Hằng cũng xuất hiện khá nhiều trong các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho không ít các bạn trẻ tại TP.HCM.
Đăng Thư